Nữ học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô được không? Ngành kỹ thuật cơ khí đào tạo như thế nào? Học ngành kỹ thuật xây dựng ra trường làm việc ở đâu?… Đó là những câu hỏi được học sinh nhiều trường THPT quan tâm trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022.
Chuyên gia giải đáp thắc mắc của học sinh Trường THCS – THPT Diên Hồng
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, cùng sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố.
Không phân biệt nam, nữ
Thời điểm này, các em học sinh lớp 12 đang trong giai đoạn lựa chọn ngành nghề để đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2022. Trong các ngành nghề thì nhóm ngành kỹ thuật được các em tìm hiểu, quan tâm rất nhiều. Cụ thể, trong chương trình tư vấn diễn ra tại Trường THCS – THPT Diên Hồng (Q.10), nhiều nữ sinh chia sẻ muốn học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô nhưng lại e ngại vì sợ không phù hợp. Với vấn đề này, ông Đặng Hữu Khanh (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết, sinh viên theo học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô được đào tạo kiến thức của nhiều lĩnh vực như: Cơ khí, tự động hóa, điện – điện tử, công nghệ chế tạo máy móc, quản lý dịch vụ kỹ thuật ô tô (điều hành sản xuất phụ tùng, lắp ráp, cải tiến và nâng cao hiệu quả sử dụng)… “Sinh viên học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô ra trường có thể làm nhiều việc như quản lý kỹ thuật; chuyên viên kỹ thuật; chuyên viên kiểm định chất lượng phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng… Với nhiều vị trí công việc như vậy nên nam, nữ học ngành công nghệ ô tô đều được, không có sự phân biệt đối xử. Do đó, bất kỳ học sinh nào có đam mê về lĩnh vực công nghệ ô tô đều có thể theo học, tùy vào mong muốn có thể xin vào những vị trí phù hợp”, ông Khanh thông tin.
Tương tự, trong chương trình tư vấn tại Trường THPT Hùng Vương (Q.5), em Nguyễn Ngọc Ngân Đình (học lớp 12A15) chia sẻ: “Em yêu thích ngành kỹ thuật xây dựng nhưng thấy những người làm ngành này đa phần là nam, lại di chuyển nhiều. Vậy, nếu nữ học thì sẽ có công việc như thế nào? Làm ở đâu?”. ThS. Phạm Xuân Hiền (Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Việt Đức) khẳng định, không có sự phân biệt giữa nam và nữ khi lựa chọn ngành nghề. Dù ngành kỹ thuật xây dựng được nhiều bạn nam theo học nhưng nữ có đam mê vẫn có thể theo đuổi. Nam và nữ đều có những tố chất khác nhau, nếu nam dẻo dai, mạnh mẽ thì nữ lại cần cù, tỉ mỉ, cẩn thận. Vì thế, nữ sẽ có lợi thế hơn khi học ngành kỹ thuật xây dựng. ThS. Hiền cho biết, tại Trường ĐH Việt Đức, ngành kỹ thuật xây dựng cũng như những ngành nghề khác, tuyển sinh theo các phương thức: Dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT; dựa vào học bạ; tuyển thẳng và kỳ thi riêng do trường tổ chức. Theo đó, kỳ thi riêng tổ chức một cách độc lập, bằng tiếng Anh, không được sử dụng máy tính. Khi học tại trường, các em sẽ đóng mức học phí dao động khoảng 80 triệu đồng/năm, tùy ngành. “Sinh viên học ngành kỹ thuật xây dựng có nhiều công việc như: Kỹ sư phụ trách thiết kế, thi công, giám sát, thẩm định, nghiệm thu công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp tại các doanh nghiệp, công ty tư vấn xây dựng hay cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng (Sở Xây dựng, Phòng Công thương quận/huyện, Ban Quản lý dự án xây dựng…). Bên cạnh đó, các em cũng có thể làm chuyên viên tư vấn, lập dự toán, thiết kế kỹ thuật, thẩm tra thiết kế tại các công ty, tập đoàn xây dựng; giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ quan nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành xây dựng…”, ThS. Hiền thông tin.
Nhiều cơ hội việc làm
Trong chương trình tư vấn tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), một học sinh nam bày tỏ: “Em định chọn học ngành kỹ thuật cơ khí nhưng em không rõ chương trình đào tạo như thế nào?”. Giải đáp cho học sinh, PGS.TS Nguyễn Quốc Hưng (Trưởng khoa Kỹ thuật, Trường ĐH Việt Đức) thông tin, ngành kỹ thuật cơ khí là một trong 7 chuyên ngành đào tạo của trường. Cụ thể, ngành kỹ thuật cơ khí thuộc khối ngành trọng điểm của trường, đào tạo trong thời gian 4 năm. Trong đó, năm đầu tiên sinh viên sẽ được học kiến thức đại cương, tăng cường tiếng Anh, sau đó vào chương trình chính thức. Với ngành này, nhà trường đào tạo kiến thức cơ bản của khoa học tự nhiên, toán học với các kiến thức về kỹ thuật cơ khí giúp cung cấp cho sinh viên các kỹ năng chuyên môn và kiến thức cần thiết cho sự nghiệp trong ngành công nghiệp cũng như một nền tảng học thuật rộng và vững chắc. Sau khi hoàn thành chương trình, tất cả sinh viên tốt nghiệp sẽ đ??c c?p hai b?ng?c? nh?n khoa h?c ng?nh k? thu?t c? kh? c?a Tr??ược cấp hai bằng cử nhân khoa học ngành kỹ thuật cơ khí của Trường ĐH Việt Đức và trường đối tác từ Đức. “Với ngành kỹ thuật cơ khí, người học có thể làm thiết kế, thi công và lắp đặt sản phẩm cơ khí; trực tiếp tham gia quá trình thiết kế, phân tích bản vẽ sản phẩm, máy móc phục vụ đời sống sản xuất; thực hiện gia công, giám sát quá trình để hoàn thiện và khắc phục sai sót để hoàn tất sản phẩm như thiết kế. Bên cạnh đó còn có thể làm công việc lắp đặt, vận hành thiết bị máy móc; sửa chữa, bảo trì máy móc hay đưa ra giải pháp để cải tiến máy móc…”, PGS.TS Hưng cho hay.
Chuyên gia tư vấn riêng cho học sinh Trường THPT Nguyễn Du
Giải đáp thông tin về ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng cho một số học sinh trường Nguyễn Du, PGS.TS Nguyễn Đình Tuyên (Phó Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) cho biết, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng đang được đào tạo tại trường. Theo đó, sinh viên sẽ được học về kỹ năng giao nhận hàng hóa, phân tích chuỗi cung ứng, sự phối hợp của sản xuất, tồn kho, địa điểm và vận chuyển giữa các bộ phận trong chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng nhanh chóng, hiệu quả các nhu cầu của thị trường. Khi ra trường, các em có thể vận hành, điều phối và quản lý chuỗi cung ứng; quản lý mua hàng; chuyên viên xuất nhập khẩu, chuyên viên quản lý và điều phối vận tải; chuyên viên tư vấn dịch vụ khách hàng hoặc gia phân tích dữ liệu và tư vấn giải pháp.
Bài, ảnh: Hồ Kiều Trinh
Bình luận (0)