Đường vào đại học đã trở nên… dễ dàng nhờ phương thức xét tuyển bằng học bạ phổ thông.
Hầu hết các trường đại học (ĐH), từ tư đến công đều tận dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT để tuyển người học. Cả nước có 235 trường ĐH, trừ đi các trường ĐH y tốp đầu và các trường, học viện khối an ninh, quốc phòng, thì có khoảng 90% trường sử dụng phương án xét tuyển bằng học bạ THPT.
Vào đại học quá dễ
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dành 10% chỉ tiêu để xét bằng học bạ, Trường ĐH Hoa Sen là 15%, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành đến 30% chỉ tiêu trong tổng số hơn 5.500 chỉ tiêu. Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM xét tuyển dựa vào kết quả học tập năm lớp 12 cho 30% tổng chỉ tiêu, tương đương 770 chỉ tiêu.
Trường ĐH Văn Lang dành 50% chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu hơn 5.700) để tuyển sinh ngoài điểm thi THPT quốc gia, trong đó có hình thức xét điểm học bạ lớp 12. Yêu cầu ngưỡng điểm sàn cũng không quá cao, ngành dược xét tổng điểm của tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 24 điểm trở lên, xếp loại học lực lớp 12 đạt loại giỏi; ngành điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học có tổng điểm của tổ hợp môn xét tuyển đạt từ 19,5 điểm trở lên, xếp loại học lực lớp 12 đạt loại khá trở lên; các ngành còn lại chỉ cần đạt từ 18 điểm trở lên.
Hầu hết các ngành học của Trường ĐH Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) đều có xét bằng kết quả học tập các môn học THPT. Cụ thể, các ngành sư phạm, thí sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Riêng các ngành sư phạm âm nhạc, giáo dục mầm non, giáo dục thể chất có học lực lớp 12 từ loại khá trở lên. Các ngành ngoài sư phạm: tổng điểm trung bình cả năm lớp 12 của ba môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển đạt 18 trở lên.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM sau nhiều năm e dè với phương án xét tuyển học bạ THPT thì năm 2019 dành 10-30% trong tổng số 7.740 chỉ tiêu cho cả cơ sở TP.HCM và Quảng Ngãi để xét tuyển theo phương thức này.
Ai cũng chọn đường dễ dàng
Ngay từ đầu tháng Năm, nhiều trường ĐH tại TP.HCM đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ. Chỉ sau ít ngày, số hồ sơ đăng ký lên đến hàng ngàn, dù chỉ tiêu cho phương thức này trung bình chỉ 10-30% trong nguồn tuyển của các trường.
Ông Trần Minh Hậu, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, cho biết: hiện tại, số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ khá đông trong khi thời gian nhận hồ sơ đợt 1 còn kéo dài đến ngày 31/5. Thí sinh tập trung nhiều ở các khối ngành dịch vụ như quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch lữ hành, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật, Hàn Quốc học.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM xét điểm trung bình năm lớp 12 của ba môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên (trừ ngành dược). Chỉ sau 20 ngày, trường đã nhận hơn 2.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ. Thạc sĩ Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tuyển sinh – Truyền thông của trường, cho biết: “Tỷ lệ hồ sơ thí sinh nộp vào cũng khá tương đồng với lượng hồ sơ xét tuyển vào trường bằng điểm thi; đa phần tập trung vào các ngành quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, du lịch – nhà hàng – khách sạn. Trong khi đó, một số ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật, có rất ít hồ sơ đăng ký”.
Trường này có đến tám đợt xét tuyển bằng học bạ với 25% trong tổng số gần 6.000 chỉ tiêu. Theo ông Hải Nam, mục đích của các thí sinh này là muốn tăng thêm các cơ hội vào ĐH ở ngành học yêu thích.
Đại diện Phòng Tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM cho biết: tình hình thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ năm nay có xu hướng tăng. Tính đến thời điểm hiện tại, số thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ vào trường là hơn 2.500 hồ sơ. Theo thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh của trường, điểm chuẩn theo học bạ không quá khó để đạt được. Thí sinh cũng sớm biết kết quả trúng tuyển để yên tâm nhập học sớm.
Năm 2019 được xem là năm có nhiều phương thức tuyển sinh vào ĐH nhất khi có khoảng 10 phương thức khác nhau. Trung bình một trường áp dụng 3-4 phương thức, có trường thậm chí sử dụng sáu phương thức. Qua ghi nhận, hầu như học sinh lớp 12 đều sử dụng điểm thi THPT quốc gia làm cách thức chính và xét học bạ.
Thả cửa bằng xét học bạ? Năm 2019, cả nước có 370 trường ĐH-CĐ, trung cấp tham gia xét tuyển với tổng chỉ tiêu gần 490.000. Trong đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia là gần 342.000, chiếm 69,8%. Còn lại, hơn 30% (tức gần 148.000) tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng phương thức khác như học bạ, tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực… Đáng nói là tỷ lệ chỉ tiêu xét ngoài điểm thi này năm nay tăng hơn 33% so với năm 2018. |
Theo Tiêu Hà/PNO
Bình luận (0)