Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Xét tuyển nguyện vọng 2: Thí sinh không vội vàng

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 25.8, các trường ĐH – CĐ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2). Năm nay, do có thể theo dõi công khai danh sách xét tuyển và rút hồ sơ nhiều lần nên thí sinh có tâm lý không vội vàng gửi hồ sơ.
Theo dõi và chờ đợi
Theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều điểm trường tại Hà Nội, ngày đầu tiên nhận hồ sơ tương đối vắng vẻ. Đến hết sáng ngày 25.8, Trường ĐH Sư phạm I mới nhận được chưa đến chục hồ sơ nộp trực tiếp. Tại Trường ĐH Tài Chính, ĐH Mở, Học viện Báo chí Tuyên truyền… cũng chỉ thưa thớt một vài thí sinh vào gửi hồ sơ.
Nhờ nắm bắt thông tin thuận lợi hơn trước, thí sinh đang chủ động lựa chọn trường và thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ảnh minh họa).
Ông Nguyễn Hoá – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thương mại cho biết: “Trường cũng mới chỉ nhận được vài hồ sơ nộp trực tiếp. Theo kinh nghiệm làm tuyển sinh nhiều năm thì 1 tuần đầu lượng hồ sơ thường rất ít, chủ yếu dồn dập vào tuần cuối cùng”. Cũng theo ông Hoá, năm nay thí sinh sẽ không vội vàng vì có thể theo dõi trực tiếp lượng hồ sơ xét tuyển của các trường và rút hồ sơ nhiều lần.
Khác với không khí vắng vẻ tại các trường phía Bắc, lượng thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển tại các trường phía Nam đã rất đông đúc. Ngay sáng 25.8, Trường ĐH Cần Thơ đã nhận được hơn 754 hồ sơ xét tuyển của thí sinh. Trong đó, có nhiều khoa lượng hồ sơ gửi vào đã vượt nhiều lần chỉ tiêu, như: Khoa Kinh doanh và thương mại nhận được 157 hồ sơ (chỉ tiêu là 28); Khoa Luật nhận 49 hồ sơ (chỉ tiêu 15); Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp nhận 63 hồ sơ (chỉ tiêu 30)…
Theo lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ, khối ngành kinh tế vẫn thu hút nhiều hồ sơ nhất và như thường lệ các ngành liên quan đến nông lâm nghiệp nhận được số hồ sơ khá ít ỏi.
Trên website của nhiều trường ĐH đã bắt đầu đăng tải thông tin xét tuyển của thí sinh rất cụ thể theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp và được cập nhật liên tục trong ngày. Với điểm mới này, năm nay thí sinh có thể “ngồi ở nhà” cũng biết mình chắc chắn đỗ hay trượt.
Em Nguyễn Minh Hằng (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Chỉ cần thường xuyên cập nhật vào trang web các trường mình định gửi hồ sơ hàng ngày là có thể biết mình có đỗ không. Vì vậy em không vội gửi hồ sơ mà đợi các trường gần chốt danh sách lúc đó mới gửi thì sẽ nắm chắc phần thắng”. Tâm lý này của các thí sinh khiến nhiều trường lo ngại lượng hồ sơ sẽ quá tải vào những ngày cuối.
Sốt ruột chờ giấy báo điểm
Trong khi các trường đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển thì nhiều thí sinh rất hoang mang vì đến thời điểm này vẫn chưa nhận được giấy báo điểm. Em Lê Ngọc Sơn ở xã An Đồng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) thi vào Trường ĐH Lâm Nghiệp Hà Nội đến nay vẫn chưa nhận được giấy báo điểm để làm nguyện vọng. Trong khi đó, giấy báo nhập học của các trường không dự thi thì tới tấp gửi về.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm nay cả nước có hơn 415.000 thí sinh có điểm thi ĐH trên điểm sàn. Trừ số thí sinh đã trúng tuyển NV1 thì còn đến 208.980 thí sinh đủ điều kiện tham gia xét tuyển NV2, 3. Riêng NV2 sẽ xét khoảng 69.000 chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có trên 148.000 TS có điểm thi trên điểm sàn nhưng vẫn có thể rớt ĐH.
Sơn cho biết: “Em đã nhận được giấy gọi trúng tuyển của Trường ĐH Thành Đô và ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội từ nửa tháng trước nhưng giấy báo điểm mình cần để làm NV thì mãi chẳng thấy tăm hơi”.
Tại TP.HCM, nhiều thí sinh dự thi vào Trường ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) và CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cũng phản ánh là chưa nhận được giấy báo điểm. Trả lời thắc mắc này, ông Trần Việt Hồng – Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp cho biết: “Trường đã hoàn tất việc gửi giấy báo điểm cho thí sinh từ nhiều tuần trước. Thí sinh chưa nhận được giấy cần liên hệ với địa điểm đăng ký tuyển sinh là các trường THPT và các Sở GDĐT”.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TP.HCM: “Đến thời điểm này các trường đều đã gửi giấy báo điểm. TS nên chờ thêm vài ngày nữa, có thể là do chậm trễ khâu vận chuyển đến những vùng ở xa. Nếu đến cuối tháng 8 vẫn chưa có thì liên lạc với nơi đăng ký dự thi, Sở GDĐT hoặc hỏi trực tiếp trường mình thi để được hướng dẫn cụ thể”.
Theo Tùng Anh
(Dân Việt)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)