Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Xét tuyển nguyện vọng 3: Trường công cũng trắng hồ sơ

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng rất nhiều trường đại học, cao đẳng chỉ nhận được vài chục hồ sơ đăng ký. Các trường này đang đối mặt nguy cơ “cháy” chỉ tiêu vì không tuyển đủ sinh viên.

Khó thấy cảnh đông đúc như thế này trong đợt xét tuyển nguyện vọng 3.  

Mùa thi năm nay, Đại học Thái Nguyên tuyển đến 1.795 thí sinh nguyện vọng 3 ở hệ đại học, trong đó Trường đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông tuyển 560 chỉ tiêu, Trường đại học Kỹ thuật Công nghiệp tuyển 930 chỉ tiêu. Ngoài ra, Đại học Thái Nguyên còn tuyển 85 chỉ tiêu hệ cao đẳng.
Tuyển đến gần 2.000 sinh viên nhưng đến ngày 7- 10, theo công bố của trường, mới có 140 thí sinh đăng ký xét tuyển, trong đó 130 em đăng ký học hệ đại học, 10 em còn lại đăng ký hệ cao đẳng.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, danh sách thí sinh đăng ký của trường lại bị trùng và có tới hơn 40 thí sinh bị lặp lại tên (từ số thứ tự thứ 1 đến thứ 6 lặp lại từ 44 đến 49, từ số thứ tự thứ 6 đến 43 lặp lại với số từ 50 đến 86). Như vậy, trên thực tế, chỉ có chưa đầy 100 thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 3 vào Đại học Thái Nguyên trong khi tổng chỉ tiêu là 1.880 em.
Trong số các ngành xét tuyển nguyện vọng 3, có hàng chục ngành không nhận được một bộ hồ sơ nào. Tình trạng này xảy ra không chỉ ở một mà ở nhiều trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên. Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp có nhóm ngành Kỹ thuật điện tử, gồm Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật điều khiển, Điện tử viễn thông, Máy tính (Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật phần cứng, Kỹ thuật phần mềm) tuyển 160 chỉ tiêu nhưng không nhận được hồ sơ nào. Tương tự, nhóm ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp (Sư phạm Kỹ thuật cơ khí, Sư phạm Kỹ thuật điện, Sư phạm Kỹ thuật Công nghệ thông tin) 180 chỉ tiêu cũng không được thí sinh đoái hoài tới. Ngành Quản lý công nghiệp tuyển nhiều nhất, tới 250 chỉ tiêu, nhưng chỉ có bốn thí sinh đăng ký.
Tại Trường đại học Khoa học, hàng loạt ngành học cơ bản như Toán học, Vật lý, Toán – Tin ứng dụng, Văn học, Báo chí không có thí sinh nào đăng ký dù mỗi ngành tuyển đến 30 chỉ tiêu. Các ngành còn lại có nhưng rất ít, chỉ vài hồ sơ như ngành Hóa học nhận được hai hồ sơ, ngành Địa lý nhận được hai hồ sơ trong khi ngành này tuyển cả hai khối A và B.
Tại Trường đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, các ngành Khoa học máy tính, Mạng và truyền thông, Kỹ thuật máy tính, Công nghệ điều khiển tự động đều không có thí sinh đăng ký dù chỉ tiêu lớn (ngành Công nghệ điều khiển tự động tuyển đến 100 chỉ tiêu).
Hệ cao đẳng của trường cũng ảm đạm không kém khi tuyển 85 em nhưng chỉ có tám hồ sơ xét tuyển.
Việc tuyển sinh tại Đại học Huế cũng rất ảm đạm khi tuyển gần 1.200 chỉ tiêu nguyện vọng 3 cho năm trường thành viên nhưng mới chỉ thu về được 339 hồ sơ.
Trong số này, có đến 148 em đăng ký vào ngành Y học dự phòng của Trường đại học Y dược, chiếm tỷ lệ gần 44%. Y học dự phòng cũng là ngành duy nhất trong tổng số gần 30 ngành tuyển có số thí sinh đăng ký lớn chỉ tiêu, tất cả các ngành còn lại, mỗi ngành lác đác vài bộ hồ sơ như ngành Ngôn ngữ Pháp, Bảo quản chế biến nông sản thực phẩm, Khoa học nghề vườn, mỗi ngành có 1 hồ sơ. Ngành Toán học, Vật lý học, Toán tin ứng dụng, Lịch sử, Triết, Xã hội học, Đông phương học, Việt Nam học đều chưa đến 5 thí sinh đăng ký. Ngay cả những ngành đang rất được ưa chuộng là Tài chính – Ngân hàng cũng chỉ có duy nhất một ứng viên trong khi chỉ tiêu lên đến 75 em.
Trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) có tổng chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 3 khá lớn: 810 chỉ tiêu, trong đó có 505 chỉ tiêu đào tạo đại học, 305 chỉ tiêu đào tạo cao đẳng. Thế nhưng, theo số liệu công bố trên trang web của trường, đến hết ngày 2- 10, chỉ có tổng cộng 101 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Có lẽ suốt từ hôm đó đến nay, không có thêm thí sinh nào đăng ký nên không thấy nhà trường tiếp tục cập nhật.
Số thí sinh đăng ký vào Đại học Đà Lạt còn ít hơn nữa. Gần như tất cả các ngành đều chỉ lèo tèo vài hồ sơ ứng tuyển: Ngành Toán học có 10 thí sinh, ngành Công nghệ thông tin và Hóa học đều có bốn thí sinh, Vật lý 1 thí sinh, Công nghệ kỹ thuật điện tử – truyền thông hai thí sinh, ngành Đông Phương học năm em, ngành Quốc tế học 3 em, ngành Công nghệ sau thu hoạch được một em. Các ngành Xã hội học 3 và Công tác xã hội tuyển tới hai khối D và C nhưng cũng chỉ có 3 em ứng thí.
Còn trên trang web của trường đại học Hùng Vương (Phú Thọ), danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 3 được công bố đến ở ngày 5- 10 với vẻn vẹn tám em và chắc không có gì thay đổi về số lượng nên không thấy nhà trường cập nhật tiếp.
Khi các trường công lập với học phí thấp, chất lượng được xã hội tin tưởng hơn nhưng vẫn rơi vào cảnh “đói” thí sinh thì với các trường dân lập, tình hình còn thê thảm hơn. Tại Đại học Dân lập Chu Văn An, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Đặng Văn Định cho biết mới có trên 50 em đến đăng ký trong khi chỉ tiêu của trường lên đến hơn 1.400 em. “Chưa bao giờ việc tuyển sinh lại khó khăn như năm nay”, ông Định buồn rầu nói.
Ghé qua trang web của trường đại học Đại Nam, vẫn thấy banner nhấp nháy còn 300 chỉ tiêu tuyển sinh nguyện vọng 3 dành cho các thí sinh. Đợt tuyển sinh nguyện vọng 2, nhà trường cho công bố công khai danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển nhưng đợt tuyển sinh nguyện vọng 3 này không thấy yết lên. Như vậy, cũng có thể hiểu là không có thí sinh nào đăng ký xét tuyển nguyện vọng 3 vào trường. Cũng trong tình trạng tương tự là thông tin tuyển sinh trên trang web của các trường đại học dân lập Phương Đông – trường có tổng chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 3 là gần 200 cho cả hai hệ đại học và cao đẳng; trường đại học Thành Đô với hơn 2.600 chỉ tiêu nguyện vọng 3 đại học, cao đẳng.
Trường đại học dân lập Đông Đô có 600 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng đến hết ngày 7- 10 cũng mới chỉ nhận được tổng cộng 148 hồ sơ đăng ký, trong đó lại có gần mười hồ sơ hoặc đã rút, hoặc không hợp lệ.
Tình hình tuyển sinh có vẻ khả quan hơn đối với trường đại học dân lập Hải Phòng khi trường công bố nhận được 206 hồ sơ đăng ký xét tuyển tính đến ngày 5-10. Tuy nhiên, so với con số 400 chỉ tiêu nguyện vọng 3 thì lượng ứng viên cũng mới chỉ được có già nửa!
Khó có thể thấy cảnh đông đúc như thế này trong đợt xét tuyển nguyện vọng 3.
Theo NGỌC TRÁC và MAI PHẠM
(NDĐT)

Bình luận (0)