Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xét tuyển nguyện vọng: Rời trường tốp trên

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày gần cuối, dù nhiều thí sinh (TS) rút hồ sơ nhưng điểm trúng tuyển dự kiến các trường tốp trên vẫn giữ mức cao. Điểm trúng tuyển tạm thời các trường tốp thấp hơn cũng nhích lên đáng kể do một lượng TS từ trường tốp trên “di chuyển xuống”.

Chỉ cần đậu ĐH

9 giờ sáng tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cái nắng của Hà Nội như rang người đi đường nhưng lượng TS và người nhà đổ về sân trường nơi tiếp nhận và trả hồ sơ đăng ký dự thi ĐH ngày càng đông. Cán bộ tư vấn tuyển sinh, thu hồ sơ, trả hồ sơ cũng mướt mát mồ hôi. Nhưng có lẽ câu hỏi mà cho đến giờ không cán bộ trường nào có thể trả lời được đó là điểm chuẩn vào trường, vào ngành cụ thể như thế nào? Tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã rất nhiều TS hỏi câu hỏi này và các cán bộ tuyển sinh đều lắc đầu không trả lời được. Sáng 18-8, có khá đông TS đến nộp hồ sơ tại trường. TS Nguyễn Văn Kiên, huyện Thanh Oai, Hà Nội được 21 điểm khối A. Sáng 18-8 Kiên cùng bố đến học viện nộp hồ sơ. Kiên đăng ký hai ngành là công nghệ thông tin và kỹ thuật điện tử. Kiên cho biết cũng chưa nộp vào trường nào, giờ mới mang hồ sơ đi nộp và cũng chỉ dự định nộp tại học viện.

Ngược với Kiên là Lê Thị Bích Huyền đến từ Thanh Hóa. Huyền được 23,5 điểm, mấy hôm trước, Huyền nộp hồ sơ tại ĐH Kinh tế Quốc dân ngành kế toán nhưng đến ngày 17-8, Huyền bị bật ra khỏi ngưỡng an toàn, em quyết định rút hồ sơ về nộp tại học viện. Dù học viện có ngành kế toán nhưng Huyền quyết định quay 360 độ, ưu tiên số 1 của em là kỹ thuật điện tử, thứ hai là công nghệ thông tin và thứ ba mới đến kế toán. “Ban đầu em nghĩ là con gái sẽ hợp với kế toán hơn nhưng giờ em thấy con gái học kỹ thuật cũng được. Hơn nữa, mục tiêu của em là đỗ được ĐH” – Huyền chia sẻ.  Nhiều TS tìm đến bàn tư vấn của học viện không phải để hỏi xem ngành này ngành kia học thế nào, ra trường làm sao mà là để xem ngành nào cơ hội trúng tuyển cao.

TS rút hồ sơ khỏi Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ngày 18-8 để nộp sang trường khác. Ảnh: N.H

Không những thế, còn có một số lượng không nhỏ TS đang tìm cho mình một suất vào ĐH tại các trường phía Nam. Phạm Quốc Hải cùng mẹ đến Học viện Bưu chính rút hồ sơ vì muốn có cơ hội lớn hơn tại một trường ĐH ở TP.HCM. Hải cho biết em thi khối A1 được 23 điểm nhưng thấy cơ hội ở học viện vẫn còn bấp bênh nên em quyết định rút hồ sơ ra để chiều 18-8 sẽ nộp vào một trường trong TP.HCM qua hệ thống của điều chỉnh nguyện vọng tại Sở GD-ĐT Hà Nội.  Không chỉ có Hải mà một số TS khác tại ĐH Hà Nội cũng đến rút hồ sơ để nộp vào các trường trong TP.HCM. Theo nhận định của những TS này thì điểm chuẩn khu vực phía Nam bao giờ cũng thấp hơn phía Bắc nên TS có điều kiện sẽ tìm cơ hội ở đó.

Từ trường tốp trên “di chuyển xuống”

Tính đến 18-8, lượng hồ sơ còn “trụ” lại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là hơn 4.900. Thời điểm này, trường tiếp tục có TS nộp vào, tuy nhiên mức điểm các em phải trên ngưỡng 23,87 bởi đây hiện là ngưỡng trúng tuyển tạm thời tại trường. So với điểm chuẩn 21 của 2 năm trở lại đây, mức này đã tăng gần 3 điểm. Đại diện nhà trường cho biết, những TS dù 23 điểm trong đó toán dưới 7,5 điểm vẫn phải cân nhắc rút khỏi trường vì khả năng điểm trúng tuyển tạm thời không giảm xuống. Trong hơn một tuần qua, nhà trường đã nhắn tin đến từng TS có mức điểm thuộc ngưỡng không an toàn để các em cân nhắc rút hồ sơ chuyển đổi nguyện vọng. Theo đó, lượng hồ sơ rút ra tại trường này cũng khá nhiều.

Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tính đến 17-8 đã có đến trên 3.000 TS rút hồ sơ chuyển đổi nguyện vọng. Với 9.500 hồ sơ nộp vào, hiện chỉ khoảng trên 6.400 hồ sơ còn “trụ” lại. Dù lượng rút ra khá nhiều, tuy nhiên mức điểm trúng tuyển tạm thời của trường cũng khá cao. Ngành cao nhất là sư phạm toán với mức 34 điểm, tức trung bình 8,5 điểm/môn. Các ngành khác có điểm trên 32, tức trung bình trên 8 điểm/môn như sư phạm hóa, sư phạm lý, sư phạm Anh, sư phạm văn, sư phạm địa lý. Như vậy, những TS có nguyện vọng vào trường thời điểm cuối này phải có mức điểm rất cao.

Trường ĐH Y dược TP.HCM mỗi ngày có khoảng 200-300 hồ sơ rút ra. Dù vậy, lượng nộp vào cũng liên tục và đa số đạt điểm cao do đó, dự kiến điểm chuẩn sẽ không bị tụt giảm. Ngành y đa khoa mọi năm điểm chuẩn khoảng 26, năm nay khả năng sẽ cao hơn.

Trong khi đó, thuộc tốp thấp hơn nhưng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đến nay cũng có đến 2.500 TS rút hồ sơ chuyển đổi nguyện vọng. Dù vậy, tổng số nộp vào đến nay vẫn rất cao, tới 14.600 hồ sơ. PGS.TS Nguyễn Đức Minh – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường – cho biết, mức điểm trúng tuyển tạm thời các ngành có “đội” lên một chút. Hiện ngành công nghệ kỹ thuật ô tô có mức điểm trúng tuyển tạm thời cao nhất, 20 điểm. Thấp nhất là ngành môi trường với 16,5 điểm. TS. Minh dự đoán, những ngày tới, những ngành công nghệ thực phẩm, hóa… điểm chuẩn có thể sẽ biến động thêm vì khả năng nhiều TS rút hồ sơ từ các trường tốp trên đăng ký vào.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đến nay cũng có 2.000 TS rút hồ sơ. Tuy nhiên, theo ThS. Phạm Thái Sơn – Phó trưởng phòng Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo nhà trường – thì lượng rút ra và nộp vào mỗi ngày xem xem nhau. Cụ thể, ngày 17-8 có 500 em nộp hồ sơ vào và trên 400 em rút ra. Nửa ngày đầu tiên của ngày 18-8 lượng TS đăng ký vào và rút ra ngang nhau, là 200 em. Đến nay, điểm trúng tuyển tạm thời ngành công nghệ thực phẩm đã là 21, cao nhất và đã tăng hơn 2 điểm so với những ngày trước. Ngành cơ khí thấp nhất, 16 điểm nhưng cũng đã tăng 1 điểm.

ThS. Sơn dự đoán, điểm chuẩn tạm thời trong 2 ngày tới có thể tăng thêm 0,5 nữa vì lượng rút hồ sơ các trường nộp qua vẫn còn nhiều.

Nghiêm Huê – Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)