Hạn chót nhận hồ sơ xét tuyển NV2 đã cận kề nhưng nhiều thí sinh vẫn đang “tá hỏa” đi tìm giấy chứng nhận điểm thi. Sự tắc trách của một số trường khiến nhiều sĩ tử đang đứng trước “ngõ cụt”, không biết xoay xở thế nào.
Trong khoảng một tuần trở lại đây Dân trí liên tục nhận được phản ánh của các bạn thí sinh qua email cũng như qua số điện thoại nóng về việc các trường đùn đầy việc cấp giấy chứng nhận điểm thi, đã có tên trong danh sách trúng tuyển nhưng vẫn nhận được giấy chứng nhận điểm thi, toàn cảnh xét tuyển NV2 của Bộ GD-ĐT thiếu và có nhiều sai sót…
Tìm giấy chứng nhận điểm thi, thí sinh khổ trăm đường
Về nguyên tắc thì những thí sinh trượt NV1 nhưng có điểm thi trên sàn ĐH, CĐ thì sẽ được cấp giấy chứng nhận điểm thi số 1 và số 2 để có làm hồ sơ tham gia xét tuyển NV2, NV3 vào các trường ĐH, CĐ khác có thông báo xét tuyển. Nhiệm vụ của các trường là gửi giấy chứng nhận điểm thi đến tay thí sinh trước ngày 25/8 để sỹ tử có thể bắt đầu làm hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Trao đổi với Dân trí chiều ngày 3/9 xung quanh về vấn đề thất lạc giấy chứng nhận điểm thi, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH cho biết, những thí sinh gặp khó khăn trong vấn đề nhận giấy chứng nhận điểm thi thì có thể phản ánh về Vụ giáo dục ĐH.
Ở đây không thể phản ánh chung chung mà thí sinh cần phải phản ánh cụ thể là thất lạc như thế nào, Sở GD-ĐT nào làm thất lạc, nguyên nhân thất lạc…
|
Quy định là như vậy, nhưng đến thời điểm hiện tại nhiều sỹ tử đáp ứng được yêu cầu điểm sàn của Bộ GD-ĐT đang rất lo lắng vì không biết giấy chứng nhận điểm thi của mình lưu lạc nơi đâu.
Theo phản ánh của các bạn thí sinh thì hầu hết các trường hợp thất lạc giấy báo đều tập trung vào việc thí sinh đăng ký dự thi nhờ trường có tổ chức thi để tham gia xét tuyển NV1 vào các trường không tổ chức thi. Sở dĩ thí sinh bị làm khó bởi các trường đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
“Em đăng ký dự thi nhờ vào trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh để xét tuyển NV1 vào trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Tuy nhiên em đã không trúng tuyển NV1 nhưng lại có điểm trên sàn của Bộ GD-ĐT. Đến tận ngày hôm nay em vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận điểm thi. Em có lên gặp trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp HN thì được hẹn đến ngày 3/9 đến để giải quyết, nhưng sáng nay lên trường thì trường chỉ cấp giấy báo điểm và trả lời là giấy chứng nhận điểm thi do trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh cấp. Vậy bây giờ em phải làm thế nào?”, một thí sinh lo lắng gọi điện đến đường dây nóng tuyển sinh của báo Dân trí chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ, một số thí sinh đăng ký dự thi vào nhờ ở trường HV Báo chí và Tuyên truyền để xét tuyển NV1 vào trường ĐH Lao động Xã hội cũng không biết xử lý tình huống trên như thế nào.
Theo ông Ngô Kim Khôi, Vụ phó Vụ giáo dục ĐH thì về nguyên tắc các trường tổ chức thi chỉ có trách nhiệm chấm thi và thông báo kết quả thi đến trường không tổ chức thi. Cụ thể, sau khi có kết quả thi thì các trường tổ chức thi chuyển dữ liệu, phiếu chứng nhận điểm thi, phiếu báo điểm… về cho các trường không tổ chức thi để các trường này lên phương án xét tuyển.
Nhưng thí sinh thuộc diện trúng tuyển NV1 thì trường không tổ chức thi giữ lại giấy chứng điểm thi, còn những thí sinh không tuyển NV1 nhưng có điểm đạt mức điểm sàn thì trường không tổ chức thi có trách nhiệm gửi giấy chứng nhận điểm thi về cho thí sinh.
Mặc dù phương thức đã rõ ràng như vậy nhưng trên thực tế vẫn có nhiều tình huống “oái ăm”.
Một thí sinh đăng ký dự thi nhờ ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển NV1 vào trường ĐH Dân lập Phương Đông. Mặc dù thí sinh này đã thuộc diện trúng tuyển vào trường ĐH Dân lập Phương Đông nhưng vẫn nhận được giấy chứng nhận số 1 và số 2. Tá hỏa không biết nguyên nhân vì sao thí sinh này đã tức tốc gọi điện đến báo Dân trí.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay nhiều trường tổ chức thi đã không thực hiện theo đúng quy trình mà Vụ phó Ngô Kim Khôi trình bày, các trường chỉ gửi file điểm về cho các trường không tổ chức thi còn giấy chứng nhận điểm thi lại “chủ động” gửi về cho những thí sinh đạt điều kiện được cấp mà không phân biệt thí sinh ĐKDT trực tiếp vào trường với thí sinh ĐKDT nhờ. Chính vì điều đó mà dẫn đến tình trạng, thí sinh đã trúng tuyển NV1 nhưng vẫn nhận được giấy chứng nhận số 1 và 2.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều trường không tổ chức thi đã gửi giấy báo cho những thí sinh trúng tuyển và yêu cầu trong hồ sơ nhập học phải trả lại giấy chứng nhận điểm thi số 1 và 2.
Thí sinh “lao đao” vì thông tin xét tuyển NV2
Ngoài khổ sở trong việc “truy tìm” giấy chứng nhận điểm thi thì không ít sỹ tử đã có giấy chứng nhận lại “lận đận” với thông tin xét tuyển NV2.
Một trong những kênh được thí sinh coi đó là cơ sở pháp lý cao nhất đó là thông kê toàn cảnh NV2 của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên sự chờ đợ mong chờ bao nhiêu thì sau khi Bộ GD-ĐT công bố thí sinh lại “bất an” bấy nhiêu.
Ngoài việc trong thống kê của Bộ thiếu thông tin của nhiều trường xét tuyển NV2 như ĐH Sư phạm HN, ĐH Giao thông vận tải TPHCM, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Quốc tế TPHCM… thì nhiều trường lại có thông tin sai lệch so với thực tế gây tâm lý hoang mang cho nhiều thí sinh.
Chẳng hạn như ngành Tài chính – Ngân hàng của trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội có điểm chuẩn NV1 là 14.0 nhưng Bộ GD-ĐT lại thống kê NV2 có điểm sàn xét tuyển là 13.0. Như vậy điểm sàn xét tuyển NV2 lại thấp hơn điểm chuẩn NV1?
Hoặc như ngành Tâm lý giáo dục của ĐH Sư phạm thuộc ĐH Thái Nguyên thì Bộ GD-ĐT lại thống kê xét tuyển NV2 ở khối C nhưng thực tế trường ĐH Thái Nguyên xác nhận là xét tuyển ở khối B và trường gửi bản đăng ký cho Bộ là khối B chứ không phải là khối C.
Điều này cũng được thể hiện rõ hơn khi mà cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009” cũng quy định rất rõ ràng là ngành Tâm lý giáo dục của trường thi tuyển khối B. Mà theo nguyên tắc thì NV1 thi tuyển khối nào thì NV2 xét tuyển ở khối đó…
Theo ông Đỗ Thành Duy, chuyên viên Vụ giáo dục ĐH thì sở dĩ bản thống kê của Bộ về nguyện vọng 2 của các trường là chưa đầy đủ là do các trường không gửi thông tin về Bộ hoặc chưa gửi về. Còn về trách nhiệm thì đúng thời gian quy định (ngày 25/8) Vụ giáo dục ĐH phải công bố toàn cảnh NV2 để thí sinh có thể tham khảo để làm hồ sơ xét tuyển.
Có thể lời giải thích của ông Duy là hợp tình hợp lý nhưng với những trường đã gửi thông tin về Bộ GD-ĐT nhưng lại bị thống kê sai thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi mà không ít thí sinh đã “nhỡ” nộp hồ sơ xét tuyển và đến tận hôm nay mới biết sự sai sót này?
Cũng theo phản ánh của các bạn thí sinh thì một số trường đã tự động chuyển những thí sinh trượt hệ ĐH xuống hệ CĐ và sau đó chỉ gửi giấy báo trúng tuyển mà không trả lại giấy chứng nhận kết quả thi số 1 và số 2. Ngoài ra cũng có một số trường có tuyển sinh hệ ngoài ngân sách cũng đang làm khó thí sinh bằng cách gửi giấy báo trúng tuyển hệ ngoài ngân sách và không gửi giấy chứng nhận điểm thi.
Theo ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ ĐH thì việc này cần phải xem xét trước đó trường có thông báo là nếu trượt hệ ĐH thì chuyển xuống hệ cao đẳng hay không? Nếu trường đã thông báo thì cách làm trên hoàn toàn không sai quy định.
|
Nguyễn Hùng/Dan tri
Bình luận (0)