Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Xét tuyển NV2: nhỉnh hơn 1 – 2 điểm, vẫn cứ lo

Tạp Chí Giáo Dục

Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 năm nay có hơn 415.000 thí sinh có điểm thi đại học trên điểm sàn, trong khi đó chỉ tiêu khoảng 260.000. Trong số đó, có 206.302 thí sinh trúng tuyển NV1; còn 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn nhưng trượt NV1. Đây là nguồn tuyển NV2, NV3 dồi dào dành cho các trường ĐH. Tuy nhiên, theo thống kê chỉ còn hơn 60.000 chỉ tiêu, nghĩa là sẽ có khoảng 148.000 thí sinh dù có điểm thi ĐH trên điểm sàn nhưng vẫn có nguy cơ rớt ĐH do cuộc cạnh tranh tấm vé NV2, NV3 năm nay rất căng thẳng.
Thực tế, nhiều phụ huynh, thí sinh có thể sẽ “choáng” trước thông tin ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cung cấp, nếu thí sinh có điểm thi bằng điểm xét tuyển NV2 các ngành hoặc nhỉnh hơn từ 1,5đ – 2 điểm vẫn có nguy cơ không trúng tuyển NV2, nhất là các ngành nghề hấp dẫn ở các trường công lập. Chính vì vậy, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng ngành nghề, trường ĐH để tránh sự lựa chọn thiếu chính xác, đánh mất cơ hội vào ĐH.
Đông đảo phụ huynh và thí sinh chen chúc xin giấy ghi nguyện vọng trước khi vào nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM.
Bắt đầu từ ngày 25/08 đến hết ngày 15/09, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào các trường ĐH-CĐ, đồng thời thí sinh được rút hồ sơ xét tuyển để nộp vào trường khác….là điều kiện để thí sinh tỉnh táo hơn trong lựa chọn của mình. Hiện nay, đa số thí sinh đều tập trung vào nhóm ngành kinh tế mà bỏ quên các ngành kỹ thuật trong khi nhu cầu xã hội của các ngành này rất lớn. Thêm nữa, đối với các ngành kinh tế, điểm xét tuyển NV2 của các trường công lập dù ở mức điểm sàn nhưng do áp lực cạnh tranh nên những thí sinh có điểm từ 14, 15 điểm thì coi như cơ hội bằng không. Chính vì vậy, ông Cường cho rằng thí sinh nên có những cân nhắc hợp lý: “Trước khi đặt bút ghi hồ sơ, thí sinh cần xem xét lại điểm chuẩn thông thường hằng năm NV2 của trường đó bao nhiêu, một điều nữa là phải xem lại điểm thì của mình nếu cao hơn điểm sàn xét tuyển từ 2-3 điểm thì mới có cơ hội trúng tuyến, tránh được trường hợp các em thi điểm rất là cao nhưng cũng không trúng nguyện vọng của mình”.
Đơn cử, ở khối A năm nay có hơn 195.000 thí sinh trên điểm sàn, trong đó có hơn 117.000 thí sinh trúng tuyển NV1 trên tổng số gần 158.000 chỉ tiêu. Như vậy còn dư hơn 77.000 thí sinh có điểm trên sàn chen chân vào cánh cửa NV2 chỉ còn gần 40.000 chỉ tiêu. Nghĩa là ½ số thí sinh sẽ trượt cả NV2. Khốc liệt hơn, khối B chỉ còn hơn 1.000 chỉ tiêu trong khi còn hơn 85.000 thí sinh trên điểm sàn. Vì vậy, thạc sĩ Lê Thị Ngọc Thảo, Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhấn mạnh, thay vì lựa chọn những ngành nghề mũi nhọn, nhóm ngành kinh tế, thí sinh có thể cân nhắc một số ngành khác có điểm chuẩn thấp, ít thí sinh đăng ký để thực sự yên tâm. Trong con số 1.200 chỉ tiêu cho NV2 của trường ĐH Nông Lâm, có rất nhiều ngành xã hội cần nhưng lại không tìm ra người học, đó cũng là trăn trở của TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng nhà trường: “Ngành khó tuyển không phải là những ngành không có nhu cầu mà nó là những ngành rất có nhu cầu. Chẳng hạn như ngành cơ khí nông lâm, cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, lâm sinh… Đó là những ngành mà nhu cầu việc làm rất lớn. Nhiều sinh viên chỉ ở giai đoạn làm luận văn tốt nghiệp đã có công ty người ta trả lương rồi. Lưu ý là không phải những ngành xét tuyển NV2 là những ngành không có nhu cầu mà rất có nhu cầu”.
Tương tự, một số ngành của trường ĐH Tôn Đức Thắng như: chuyên ngành Cấp thoát nước và môi trường, ngành Bảo hộ lao động….có điểm chuẩn thấp, trong khi cơ hội việc làm sau khi ra trường rất cao. TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV TPHCM phân tích, đặc biệt những khối ngành xã hội như: giáo dục học, thư viện, lịch sử, xã hội học….nếu nhìn nhận đúng vai trò của nó sẽ là những ngành rất hấp dẫn do: “Đây là những ngành chúng tôi thấy rằng nếu như các bạn cân nhắc được và nộp hồ sơ có khả năng trúng tuyển thì đây là những ngành rất hấp dẫn, bỡi nhu cầu xã hội của ngành này tương đối nhiều, đầu ra cũng được đảm bảo nhiều hơn. Trong quan sát của chúng tôi, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nhóm ngành xã hội rải đều ở các ngành trong khi xu hướng của thí sinh lại chọn những ngành kêu và hấp dẫn”.
Bên cạnh đó, thay vì xét tuyển vào các trường ĐH công lập, thí sinh cũng có thể lựa chọn phương án an toàn hơn là chọn trường ĐH ngoài công lập hay cao đẳng để cơ hội trúng tuyển được cao hơn, đồng thời vẫn được học ngành mà mình yêu thích. Đó cũng là lời khuyên của TS Phạm Tấn Hạ, miễn sao trường đó cho ta kiến thức, cơ hội để sau khi ra trường làm đúng năng lực, đúng sở thích của mình, chứ không hẳn phải là những tên ngành, tên trường ĐH hấp dẫn.
Tân sinh viên Trường ĐH Yersin làm thủ tục nhập học.
Như đã đề cập ở trên, hiện nay thí sinh đa số tập trung các ngành kinh tế mà bỏ quên các nhóm ngành kỹ thuật, trong khí nhu cầu các ngành rất cần với những cơ hội trúng tuyển cao, cơ hội việc làm luôn mở rộng. TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM thông tin, hầu hết các ngành kỹ thuật đều có điểm xét tuyển NV2 bằng với điểm chuẩn NV1, khả năng trúng tuyển cao và đặc biệt, những kỹ sư ra trường các ngành này đều có mức lương cao không thua gì các ngành kinh tế như quan niệm của thí sinh lâu nay, cụ thể lương khởi điểm từ mức 6 triệu/tháng, thời gian sau có thể lên đến 12 triệu/tháng.
Trong thời hạn từ 25/08 – 15/09, thí sinh có nhiều thời gian để cân nhắc, chọn đúng cơ hội cuối cùng vào các trường ĐH-CD bằng NV2. Thí sinh cũng lưu ý, Bộ GD-ĐT cũng cho phép thí sinh được thay đổi và rút hồ sơ xét tuyển NV2, NV3 trong trước ngày 10/09. Đây sẽ là thời điểm thuận lợi để thí sinh theo dõi kỹ các thông tin hồ sơ trên các trang web của trường, để có những quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Cường, không phải bằng mọi giá để vào một trường đại học, các thí sinh nên cân nhắc ngành nghề mà mình yêu thích rồi từ đó chọn các trường phù hợp với năng lực và sở thích của mình, hoặc chọn con đường vòng từ cao đẳng liên thông lên ĐH.
Theo Thùy Linh
(VOH)

Bình luận (0)