Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xét tuyển NV3: Ngang điểm sàn có thể đậu!

Tạp Chí Giáo Dục

TS chỉ cần đạt mức điểm sàn đã nắm chắc cơ hội đậu vào một trường ĐH hoặc CĐ

Hôm nay (30-9) là hạn chót các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ xét tuyển NV3. Hiện, nhiều trường vẫn thiếu chỉ tiêu (CT), lượng hồ sơ đăng ký thưa thớt, một số ngành không đủ CT để mở lớp…
“Được chừng nào hay chừng đó!”
Thầy Võ Văn Thắng (Phó hiệu trưởng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH An Giang) cho biết, năm nay trường tuyển 410 CT NV3, nhiều hơn năm ngoái. Tuy nhiên trường không hy vọng tuyển đủ, chỉ mong vớt được phần nào hay phần đó vì đến thời điểm này, lượng hồ sơ nộp về trường vẫn rất thưa thớt. Thầy Thắng thống kê, các ngành sư phạm mọi năm tại trường đều được tuyển đủ bởi NV2, nhưng năm nay phải “nhờ” đến NV3. TS đổ nhiều vào các ngành kinh tế như tài chính ngân hàng, quản trị doanh nghiệp, kinh tế đối ngoại. Thậm chí, một số ngành như kỹ thuật môi trường, SP kỹ thuật công nghiệp chỉ lấy ngang mức điểm sàn nhưng vẫn không tuyển đủ.
Trường ĐH Hùng Vương cũng mới chỉ nhận được khoảng 200/662 CT hệ ĐH. Nhiều ngành thuộc khối kỹ thuật (xây dựng, công nghệ sau thu hoạch…) có lượng hồ sơ rất thấp. Riêng hệ CĐ tại trường số lượng hồ sơ nhận được gần gấp đôi CT. Tuy nhiên, nhìn chung, trường vẫn còn “hụt” khoảng 200 CT nữa. TS có điểm ngang mức điểm sàn nộp vào các ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng, công nghệ sau thu hoạch, tiếng Anh… thì cầm chắc cơ hội đậu. Theo ThS. Lâm Thành Hiển (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng), trường đã tuyển đủ ở NV2 cho khối ngành kinh tế, khối kỹ thuật mỗi ngành thiếu từ 5-15 CT. Năm nay, trường chỉ tuyển 150 CT NV3. Tuy không rơi vào tình trạng hụt CT nhưng thầy Hiển nhận định, lượng TS nộp NV3 vào trường năm nay có vẻ chậm chạp và ít hơn năm trước. Hồ sơ nhận được cũng chỉ ở mức vừa đủ, không phong phú như các năm.
Đến thời điểm “nước rút” nhưng Trường ĐH Văn Hiến vẫn chưa lấp đủ CT NV3. Hiện trường còn khoảng 200 CT đang đợi TS, tập trung nhiều vào các ngành xã hội (khối C, D). Các ngành văn hóa học, xã hội học, Việt Nam học, tiếng Anh, Đông phương… chỉ lấy ngang mức điểm sàn. Các ĐH khác như ĐH DL Kỹ thuật Công nghệ, ĐH Công nghệ Sài Gòn… lấy mức điểm sàn cho những ngành: kỹ thuật điện, xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng cầu đường, cơ – tin kỹ thuật, cơ khí tự động – robot, công nghệ tự động, điện tử viễn thông…
Đóng cửa một số ngành học vì không đủ CT
Mặc dù rất nhiều ngành lấy ngang mức điểm sàn nhưng không ít trường vẫn “ngậm ngùi” đóng cửa một số ngành vì quá ít CT. Thầy Võ Văn Thắng (Trường ĐH An Giang) cho biết, các ngành sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, sư phạm kỹ thuật công nghiệp, tài chính doanh nghiệp… hai năm gần đây không thể mở lớp vì không “hút” TS. Trường phải bảo lưu kết quả hoặc chuyển ngành cho TS. Ngành sư phạm kỹ thuật nông nghiệp hiện mới chỉ nhận được 8 hồ sơ. Tại Trường ĐH Hùng Vương, ngành tiếng Nhật cũng đang đứng trước tình trạng “khan hiếm” TS. Để “kéo” TS vào học ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng, trường giảm 20% học phí và cam kết đảm bảo được việc làm tại Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn cho SV sau khi tốt nghiệp.
Hệ CĐ, trong khi các trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Công nghiệp dệt may & thời trang… hồ sơ vượt chỉ tiêu thì các trường khác lại “kiếm không ra” TS. Ngành khoa học vật liệu (Trường CĐ Kinh tế Công nghệ) hay ngành CNTT (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân) chỉ có vài hồ sơ dự tuyển. Các trường CĐ Viễn Đông, CĐ Bách Việt, CĐ Kinh tế Kỹ thuật còn nhiều cơ hội trúng tuyển cho các TS đạt điểm sàn xét tuyển (khối A, B, C, D).
MÊ TÂM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)