Chỉ còn vài ngày nữa là hết thời hạn nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3 (NV3). Trong khi tân sinh viên trúng tuyển NV1, NV2 của các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) đang bắt đầu vào năm học mới thì nhiều trường ĐH, CĐ, nhất là các ĐH vùng, ĐH địa phương lại nơm nớp lo âu vì tuyển không đủ chỉ tiêu năm 2010.
Thí sinh nộp hồ sơ NV3 tại ĐH Kỹ thuật công nghệ TP HCM. Ảnh: Quang Phương. |
Bị lãng quên
Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay có rất nhiều ĐH địa phương xin áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh nhằm kéo thí sinh về tỉnh nhà. Tuy nhiên, dường như mọi sự nỗ lực của các trường đã không được thí sinh quê nhà hưởng ứng.
Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu xét tuyển đến 1.000 chỉ tiêu NV3 cho ngành công nghệ kỹ thuật điện, tin học, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, hóa dầu, công nghệ thực phẩm, kế toán, quản trị kinh doanh…, nhưng đến nay nhận chưa tới 400 hồ sơ.
Trong khi đó, Trường ĐH Tây Nguyên, nơi đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng đang ngồi trên đống lửa. Nhiều ngành có xét tuyển NV3 như: Bảo quản – chế biến nông sản, bảo vệ thực vật, khoa học cây trồng, công nghệ môi trường, chăn nuôi thú y… mỗi ngành khoảng 60 đến 70 chỉ tiêu NV3 nhưng đến giờ số hồ sơ nhận được lại quá ít.
Trường ĐH Trà Vinh xét tuyển khoảng hơn 2.000 chỉ tiêu NV3, nhưng đến nay lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển NV3 khá ít. Theo thống kê sơ bộ của trường, hiện ở hệ ĐH mới chỉ có khoảng 200 hồ sơ/1.476 chỉ tiêu NV3. Trước đó, kết quả trúng tuyển NV1 và NV2 của hệ ĐH chỉ có khoảng 500 sinh viên so với chỉ tiêu tuyển là 2.000. Còn hệ CĐ cần tuyển 681 chỉ tiêu NV3 nhưng chưa tới 1/3 hồ sơ nộp vào. Còn Trường ĐH Đồng Tháp xét tuyển gần 600 chỉ tiêu nhưng đến nay chỉ mới nhận được trên 100 hồ sơ. Trong đó, các ngành như quản lý đất đai, quản lý văn hóa, công nghệ thông tin… chỉ vài hồ sơ.
TS Trần Văn Thạnh, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng trường ĐH An Giang cho biết: Tại trường, nhiều ngành học về nông, ngư nghiệp đào tạo nhu cầu nhân lực cho tỉnh nhà và các tỉnh lân cận nhưng quá ít thí sinh theo học. Với thực tế này khoảng 3 – 4 năm tới không chỉ An Giang mà một số tỉnh lân cận sẽ kiếm không ra nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển, hiện đại hóa nông nghiệp.
TS Nguyễn Tấn Vui, Phó Hiệu trường ĐH Tây Nguyên cho rằng: Cần khuyến khích người học bằng cách miễn giảm học phí đối với những ngành học đang lay lắt thì mới mong giải được bài toán thiếu hụt nhân lực trong tương lai.
Nhiều ngành có nguy cơ đóng cửa
Tại các trường có xét tuyển NV3 ở khu vực TPHCM, sau hơn 10 ngày nhận hồ sơ xét tuyển NV3, lượng hồ sơ nộp trực tiếp tại nhiều trường ĐH-CĐ khá thưa thớt. Một số ngành ở nhiều trường đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vì thiếu người học.
Trường ĐH Nông lâm TPHCM xét tuyển 950 chỉ tiêu, nhưng đến nay hồ sơ nhận trực tiếp tại trường khoảng 300 hồ sơ. Trong đó, cơ sở chính tại TPHCM xét tuyển gần 500 chỉ tiêu nhưng mới có khoảng 150 hồ sơ. Giống với tình hình xét tuyển NV2, các ngành cơ khí, kỹ thuật, lâm nghiệp vẫn không có sức hút với thí sinh.
ThS Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến cho biết đến thời điểm này trường nhận được khoảng 1.000 hồ sơ xét tuyển NV3 và hai hệ ĐH, CĐ. Tuy nhiên, vẫn có hai ngành hiện số hồ sơ nhận được mới chỉ khoảng 10 hồ sơ đó là Việt Nam học và Văn hóa học.
“Đối với những thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào hai ngành này thì chúng tôi sẽ thỏa thuận với các thí sinh để chuyển các thí sinh qua học ngành du lịch hoặc ngữ văn, hoặc một ngành nào đó theo nguyện vọng và sở thích của thí sinh. Nói tóm lại là dù thế nào thì chúng tôi vẫn đảm bảo một suất học cho các thí sinh”.
Tại Trường ĐH Hùng Vương TP HCM, theo thống kê của trường, hiện đã nhận được khoảng 600 hồ sơ NV3 cho 10 ngành hệ ĐH. ThS. Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Văn hóa TPHCM cho biết: Đến thời điểm này trường mới nhận khoảng 250 hồ sơ xét tuyển NV3 trong khi đó chỉ tiêu ở NV3 là 425 chỉ tiêu. Một số ngành như: Văn hóa dân tộc thiểu số, hiện số hồ sơ trường nhận được để xét tuyển vẫn quá ít. “Trường sẽ cố gắng nuôi những ngành mang tính đặc thù này bằng nhiều cách khác nhau mặc dù tuyển 3 đợt nhưng vẫn chưa được bao nhiêu sinh viên theo học”, ông Tùng nói.
Quang Phương / TPO
Bình luận (0)