Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Xét tuyển thẳng, rộng cửa cho thí sinh giỏi

Tạp Chí Giáo Dục

Trong tháng 5, các trường ĐH, CĐ (gọi tắt là cơ sở đào tạo) bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển đối với các thí sinh thuộc diện ưu tiên xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 (Quy chế) của Bộ GD-ĐT. So với năm 2016, chính sách xét tuyển thẳng của nhiều cơ sở đào tạo được thông thoáng hơn nhằm thu hút và tạo cơ hội cho những thí sinh giỏi được trúng tuyển.

Thí sinh cần tìm hiểu rõ quy định xét tuyển thẳng của từng trường để nộp hồ sơ

Nhiều đối tượng được tuyển thẳng

So với những năm trước, các đối tượng được xét tuyển thẳng vào các cơ sở đào tạo theo Quy chế của Bộ GD-ĐT được mở rộng và lên tới 11 đối tượng (tăng 2 đối tượng) và quy định rõ ràng hơn. Hai đối tượng mới được bổ sung tuyển thẳng: Thí sinh có bằng trung cấp loại giỏi trở lên và có bằng trung cấp loại khá có ít nhất 2 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo, đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 6 (tốt nghiệp THTP hoặc được công nhận hoàn thành các môn văn hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT), được tuyển thẳng vào cùng chuyên ngành trình độ cao đẳng. Đối tượng thứ 2 là thí sinh có bằng tốt nghiệp trung cấp đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia, đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy chế, được tuyển thẳng vào trường cao đẳng học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đoạt giải. 

Ngoài việc tăng thêm đối tượng, Quy chế năm nay cũng thật sự mở khi Bộ GD-ĐT cho phép các trường được phép bổ sung thêm các ngành đúng, ngành gần đối với từng môn thi mà thí sinh đoạt giải. Đối với thí sinh đoạt giải quốc gia (kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia), danh sách ngành được tuyển thẳng hệ ĐH ở 12 môn học là 93 ngành, trong đó có 44 ngành là ngành đúng với môn thi và đối với hệ CĐ là 38 ngành. Ngoài những ngành trong danh mục quy định, các cơ sở đào tạo được phép bổ sung thêm các ngành khác để tuyển chọn thí sinh. Quy chế 2016 cũng rõ ràng hơn đối với đối tượng thí sinh là người khuyết tật. Cụ thể, Quy chế năm nay quy định “thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định” thì hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập THPT (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét, quyết định cho vào học. 

Cùng với hướng dẫn, Bộ GD-ĐT cũng cho phép các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng không thấp hơn số lượng thí sinh trúng tuyển trong năm 2015. Đặc biệt, đối với những ngành mới nằm ngoài danh mục quy định của bộ, chỉ tiêu tuyển thẳng không được vượt quá 25% tổng số thí sinh được tuyển thẳng. 

Tăng cơ hội cho thí sinh  

Nếu như năm 2015, ĐH Quốc gia TPHCM được ưu tiên tuyển thẳng 5% đối với học sinh của 5 trường THPT có kết quả thi tuyển sinh ĐH cao nhất cả nước, thì năm 2016 ĐH này công bố tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển học sinh của 82 trường THPT chuyên, năng khiếu trên toàn quốc.  

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đại học – Sau đại học (ĐH Quốc gia TPHCM), trong năm 2016, ĐH Quốc gia TPHCM có tổng chỉ tiêu là 14.005, trong đó hệ CĐ là 570 chỉ tiêu. Tổng chỉ tiêu tuyển thẳng năm nay của các trường, khoa thành viên là 10% (1.400) so với tổng chỉ tiêu. Công tác xét tuyển thẳng theo các nguyên tắc: Xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, sắp xếp và tuyển chọn thí sinh theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến khi tuyển đủ chỉ tiêu, căn cứ theo tiêu chuẩn điểm trung bình 3 năm học THPT (lớp 10, lớp 11, lớp 12) của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển của ngành, nhóm ngành do hội đồng tuyển sinh của từng trường, khoa quy định. Các thí sinh có điểm bằng nhau sẽ được phân loại dựa trên chất lượng của bài luận và thư giới thiệu. 

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM ngoài việc tuyển thẳng các đối tượng theo quy định của Bộ GD-ĐT còn chọn xét tuyển thẳng đối với học sinh trường chuyên. Cụ thể, trường này dành tối đa 10% chỉ tiêu để xét tuyển thẳng hai loại đối tượng là thí sinh học lớp chuyên Toán, Vật lý, Hóa học, tiếng Anh, Sinh học của trường chuyên quốc gia hoặc tỉnh, thành phố có điểm trung bình chung từng môn theo tổ hợp xét tuyển từ 8.0 trở lên, và thí sinh tốt nghiệp THPT 2016 loại giỏi trở lên (điểm 4 môn thi từ 32 điểm trở lên, trong đó không có môn nào dưới 7). Ngoài ra, trường dành 20% chỉ tiêu ngành Sư phạm tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh để xét tuyển thẳng các thí sinh đạt điểm IELTS quốc tế từ 6.5 trở lên hoặc tương đương. Trường dành 20% chỉ tiêu các ngành kỹ thuật dạy bằng tiếng Anh để xét tuyển thẳng các thí sinh đạt điểm IELTS quốc tế từ 5.5 trở lên và theo học bạ THPT có điểm trung bình chung 3 môn theo tổ hợp xét tuyển từ 7.0 trở lên (môn chính nhân hệ số 2). 

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM không giới hạn về chỉ tiêu tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh là học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Trường cũng công bố 12 ngành ĐH để cho thí sinh lựa chọn tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển. Riêng thí sinh tham gia tập huấn trong đội tuyển Olympic khu vực và quốc tế, trong đội tuyển tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế, thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT hay Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức được tuyển thẳng vào đại học các ngành đúng hoặc ngành gần với môn thí sinh đoạt giải như sau: môn Tin học vào ngành Công nghệ thông tin, môn Hóa học vào ngành Công nghệ thực phẩm và Công nghệ Kỹ thuật hóa học, môn Sinh học vào ngành Công nghệ sinh học.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) dành 5% chỉ tiêu của mỗi ngành/nhóm ngành cho tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc là thành viên của đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh hoặc Tin học được tuyển thẳng vào các ngành tương ứng. Trong đó, học sinh giỏi môn Toán được tuyển thẳng vào tất cả các ngành (trừ ngành Kiến trúc).

THANH HÙNG/ SGGP

 

Bình luận (0)