Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Xét tuyển theo nhóm: Không ảnh hưởng quyền tự chủ tuyển sinh của trường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hiện nay đã hình thành 2 nhóm trường ĐH ở phía Nam và phía Bắc để xét tuyển sinh năm 2017. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, tham gia vào nhóm xét tuyển các trường sẽ có rất nhiều lợi thế, và quyền tự chủ tuyển sinh vẫn không bị ảnh hưởng.

Thí sinh đến trường điều chỉnh NV xét tuyển năm 2016. Ảnh: M.Tâm

Tôn trọng tối đa quyền tự chủ của các trường

Tại buổi làm việc của nhóm các trường khu vực phía Bắc, PGS. Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết những kinh nghiệm tổ chức nhóm GX (nhóm tuyển sinh chung, gồm 12 trường ĐH và học viện trong khu vực Hà Nội) năm ngoái sẽ được áp dụng cho nhóm trường miền Bắc năm nay với mục tiêu giảm hiện tượng “ảo”. Nguyên tắc xét tuyển của nhóm sẽ thực hiện hoàn toàn theo quy chế, nghĩa là thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng (NV) ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các NV đã đăng ký. Nếu thí sinh trúng tuyển theo 1 NV xếp trên thì sẽ không được xét các NV sau nữa. Điểm trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả điểm thi của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định. Nhiều trường khi tham gia nhóm xét tuyển cũng khá ngần ngại vì sợ mất quyền tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng nguyên tắc của nhóm là tôn trọng tối đa quyền tự chủ của các trường. Do đó, việc tham gia nhóm không ảnh hưởng đến quy định của từng trường trong xét tuyển.

Phát biểu tại buổi làm việc trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết quy chế tuyển sinh năm nay cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn NV, không giới hạn số trường nhưng chỉ được trúng tuyển 1 NV cao nhất. Vì vậy, nếu xét tuyển độc lập, các trường sẽ rất khó xác định điểm chuẩn phù hợp với chỉ tiêu đăng ký. Việc các trường tham gia nhóm xét tuyển giúp xác định được điểm chuẩn phù hợp, giảm thiểu rủi ro tình trạng thí sinh ảo như xét tuyển độc lập. Theo dữ liệu thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH 2017 do Thứ trưởng Bùi Văn Ga cung cấp, có duy nhất một thí sinh đăng ký 48 NV. Thí sinh này sẽ được đưa ra xét thủ công, không đưa vào phần mềm xét tuyển. Ngoài ra, có 30% thí sinh chỉ đăng ký 2 NV. Trong khi đó, có 2% thí sinh đăng ký từ 11 đến 15 NV. “Hiện nay cơ sở dữ liệu đã hoàn thiện. Từ ngày 20-5, các trường có thể tải dữ liệu về để nghiên cứu, tham khảo và lập kế hoạch xét tuyển”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, các trường xét tuyển độc lập (không tham gia nhóm nào) và hai nhóm trường sẽ xét tuyển trong 3 ngày, từ ngày 25 đến 28-7. Sau đó, dữ liệu sẽ được đưa lên Bộ GD-ĐT để lọc những thí sinh dịch chuyển từ phía Bắc vào phía Nam và từ phía Nam ra phía Bắc. Phần mềm của bộ sẽ chỉ còn phải lọc rất ít. Và mỗi thí sinh trúng tuyển duy nhất 1 NV nên không còn ảo nữa.

Các trường tốp trên bắt đầu lo

Theo nhiều chuyên gia, việc xét tuyển theo nhóm cũng gây băn khoăn cho các trường có nhiều phương thức xét tuyển. Ông Thái Văn Thanh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh) lo lắng khi nhiều trường có 2 loại chỉ tiêu (1 loại xét theo kết quả thi THPT quốc gia, 1 loại xét theo học bạ) trong khi nguyên tắc trúng tuyển 1 NV cao nhất lại chỉ áp dụng với diện xét kết quả thi. Do đó vẫn không loại trừ được ảo cho dù chính các trường này có tham gia nhóm. Ông Thái Văn Thanh đề xuất: “Nên chăng những trường này xét diện học bạ trước và yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học trước khi xét kết quả thi, xem như NV học bạ của thí sinh là NV1?”.

PGS. Hoàng Minh Sơn thì cho rằng Bộ GD-ĐT cần xem lại việc một số trường xét học bạ đưa ra yêu cầu thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học sớm trước khi có kết quả của các trường xét tuyển căn cứ vào điểm thi. Như thế là làm khó cho thí sinh và không công bằng với các trường khác. Thực tế, năm 2016, một số trường sử dụng cả hai hình thức vừa xét học bạ, vừa xét kết quả thi THPT quốc gia thì với những chỉ tiêu xét học bạ (như tuyển thẳng học sinh giỏi THPT) đều yêu cầu thí sinh trúng tuyển phải đến xác nhận nhập học trước khi vào đợt xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT quy định.

Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa cuối cùng trước ngày 15-5

Theo chinhphu.vn, tại buổi trao đổi với báo chí ngày 8-5, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết bộ sẽ công bố đề minh họa cuối cùng trước ngày 15-5. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc công bố đề thi minh họa theo dạng bài thi như đề thật sẽ giúp thí sinh hình dung bài thi của mình như thế nào, việc bố trí câu hỏi khó dễ trong đề ra sao để các em tập dượt và chuẩn bị tinh thần trước khi bước vào kỳ thi. Ông Ga cũng cho biết Bộ GD-ĐT không khuyến khích các địa phương tổ chức kỳ thi thử THPT quốc gia mà chỉ là việc kiểm tra định kỳ kiến thức của học sinh. Trong hướng dẫn các trường kết thúc năm học, bộ cũng đề cập rất rõ quy trình cũng như những việc mà các địa phương cần phải làm cho học sinh lớp 12. Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia có thêm tổ hợp môn và nhiều môn thi theo hình thức trắc nghiệm nên với việc công bố đề thi minh họa sẽ góp phần giúp thí sinh, giáo viên dựa vào đó để chuẩn bị ôn tập và giảng dạy cho tốt hơn.

B.P

Ông Nguyễn Hữu Tú (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội) cũng đưa một số băn khoăn khác. Theo quy chế, năm nay thí sinh đăng ký NV khác năm 2016. Việc thành lập một nhóm các trường phía Bắc để sàng lọc ảo trước khi trường ra quyết định điểm chuẩn là cần thiết, giúp trường ra quyết định chính xác nhất về điểm chuẩn. “Điều băn khoăn của tôi là năm nay NV của thí sinh chốt từ đầu và chỉ được đổi một lần sau khi có điểm, do đó thí sinh không có quyền đổi NV khi các trường đã ra điểm chuẩn. Chính vì thế, việc ra điểm chuẩn chính xác là điều rất cần quan tâm”, ông Nguyễn Hữu Tú cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Tú cũng cho rằng xét tuyển chung của cả nhóm lớn là tốt tuy nhiên, những trường có cùng tổ hợp giống nhau thì nguy cơ ảo sẽ nhiều hơn. Do đó, trường có cùng tổ hợp cũng nên bàn thêm để ra quyết định điểm chuẩn phù hợp hơn. “Ví dụ như khối trường y  chúng tôi sẽ ngồi bàn với nhau để có quyết định chính xác hơn”, ông Nguyễn Hữu Tú cho hay.

Thiên Lam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)