Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Xét tuyển thí sinh đặc cách tốt nghiệp, điểm cao trượt ĐH: Đăng ký rất ít

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường đại học đều sẵn sàng tiếp nhận xét tuyển những thí sinh không dự thi tốt nghiệp THPT 2021 vì dịch COVID-19 hay thí sinh điểm cao vẫn trượt ĐH. Tuy nhiên, rất ít thí sinh đăng ký.
Phương thức tuyển sinh đa dạng nên thí sinh có nhiều lựa chọn xét tuyển đại học Ảnh: Như Ý
Phương thức tuyển sinh đa dạng nên thí sinh có nhiều lựa chọn xét tuyển đại học. Ảnh: Như Ý

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nói rằng, sẽ khó tuyển những thí sinh điểm cao nhưng trượt ĐH vì trường đã đủ chỉ tiêu, điểm chuẩn năm nay cao. Với đối tượng thí sinh không dự thi tốt nghiệp THPT 2021 vì dịch COVID-19, trường chỉ nhận được 3 hồ sơ đăng ký. Trong đó, có 2 thí sinh không đạt điểm sàn xét tuyển, 1 thí sinh không nộp kết quả thi đánh giá năng lực nên trường không tuyển thêm được thí sinh nào.

Theo thông báo trước đó, trường dành 1%, tương đương 54 chỉ tiêu, cho đối tượng thí sinh này. Chỉ có 1 thí sinh xin đăng ký xét tuyển nhưng không được chấp nhận vì không đúng quy định.

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho hay, trường dành 41 chỉ tiêu cho thí sinh đặc cách tốt nghiệp THPT và thí sinh tự do không thể tham dự thi tốt nghiệp vì dịch COVID-19. Trong đó, dành 25 chỉ tiêu cho thí sinh có hộ khẩu tại TP HCM, 16 thí sinh ngoài thành phố.

Hết hạn, trường nhận được 60 hồ sơ đều đạt điều kiện xét tuyển với 120 nguyện vọng. Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Y dược TPHCM, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, cho hay, trường mới nhận được 10 hồ sơ của 2 đối tượng thí sinh nói trên.

Đã có nhiều lựa chọn

Bà Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho biết, trường dành 40 chỉ tiêu để xét tuyển đối tượng thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp THPT 2021. Xét tuyển là dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức trong năm 2021. Điều kiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 từ 7,0 trở lên; hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ Khá trở lên; có kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2021 từ 105/150 điểm hoặc kết quả bài thi của ĐH Quốc gia TPHCM năm 2021 từ 970/1.200 điểm.

ĐH Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho thí sinh diện không thi tốt nghiệp THPT 2021 vì dịch COVID-19 nên sắp tới, trường ĐH Ngoại thương sẽ mở cổng tuyển sinh để thí sinh đăng ký. Bà Hương cho hay, do đã tuyển sinh đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1 nên nhà trường không xét tuyển bổ sung thí sinh đạt điểm cao nhưng không trúng tuyển ĐH.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay, trường dành 35 chỉ tiêu để xét tuyển thí sinh không dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (cả 2 đợt), được xét đặc cách tốt nghiệp; thí sinh tự do, đã tốt nghiệp THPT từ năm 2020 trở về trước, không thể dự thi các môn trong tổ hợp xét tuyển năm 2021 (cả 2 đợt).

Điều kiện tiên quyết của 2 đối tượng thí sinh này là các em đã đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đợt tháng 4. Phương thức xét tuyển là xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn trực tuyến do trường tổ chức.

Kết thúc thời gian nhận hồ sơ, chỉ có 1 thí sinh đăng ký và qua quá trình xét tuyển, thí sinh này đã trúng tuyển vào trường. Còn với đề xuất xét tuyển thí sinh điểm cao nhưng trượt ĐH như Bộ GD&ĐT trao đổi trước đó, ông Kiên cho hay đã làm văn bản gửi Bộ, chờ Bộ hướng dẫn.

Về tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2022, hôm qua, Bộ GD&ĐT cho biết, các cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ; thực hiện công tác tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của trường, bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng và các phương thức tuyển sinh. Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo những trường ĐH, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. Các ĐH quốc gia, ĐH vùng và các trường, nhóm trường ĐH đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ và chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu.

Trong khi đó, Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho hay, các trường căn cứ quy chế để triển khai. Tuy nhiên, dư luận thực sự băn khoăn trước thông tin “mở” nhưng không “đón” của Bộ GD&ĐT. Trong văn bản gửi báo chí, Bộ GD&ĐT khẳng định để xem xét quyền lợi cho các em, Bộ đã trao đổi với một số trường ĐH lớn; các trường cho biết sẽ sẵn sàng xét tuyển bổ sung thí sinh có kết quả thi THPT cao và thuộc đối tượng như trên, căn cứ nguyện vọng và điểm đạt được theo điểm chuẩn của từng ngành học cụ thể.

Tuy nhiên, đây là những trường tốp trên, nên không có nhu cầu xét tuyển bổ sung. Thực tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương đều không xét. Với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nếu Bộ GD&ĐT không có hướng dẫn cụ thể, trường cũng không có nhu cầu xét tuyển bổ sung.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, khi Bộ GD&ĐT đưa ra chủ trương “cứu” thí sinh đạt điểm cao nhưng trượt ĐH, Bộ đã quên mất hai điều kiện: quyền tự chủ của thí sinh và quyền tự chủ của các trường ĐH. Không những thế, điều chỉnh đề án tuyển sinh không đơn giản.

Vì vậy, khi xét tuyển thí sinh không thi được tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT phải có văn bản gửi các trường để có căn cứ điều chỉnh đề án tuyển sinh. Tương tự, với thí sinh đạt điểm cao, Bộ GD&ĐT muốn các trường “mở cửa” cứu thì bản thân Bộ phải có hướng dẫn để các trường có căn cứ thực hiện, vị chuyên gia nói.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)