Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Xét tuyển vào đại học: Các trường lách được quy chế tuyển sinh?

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nay, nhóm ngành sức khỏe bắt đầu có ngưỡng sàn đầu vào để các trường xét thí sinh vào học. Dù quy định yêu cầu xét học bạ vào khối ngành này chỉ dành cho thí sinh có học lực khá hoặc giỏi nhưng trên thực tế, các trường vẫn có khả năng để 'lách'.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào một trường ĐH tại TP.HCM 	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
20 điểm vào ngành dược bằng học bạ ?
Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy, CĐ, TC nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019 của Bộ GD-ĐT lần đầu tiên đưa ra điều kiện tối thiểu cho thí sinh (TS) xét tuyển vào các ngành thuộc khối sức khỏe. Trong đó, phương thức xét điểm thi THPT quốc gia, Bộ sẽ căn cứ trên điểm thi để đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn riêng) cho nhóm ngành này.
Với phương án xét tuyển dựa hoàn toàn vào điểm học bạ THPT, quy chế yêu cầu TS cần có điều kiện tối thiểu là học lực giỏi lớp 12 để xét tuyển vào các ngành: y khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt và dược học; học lực khá lớp 12 để xét vào các ngành: điều dưỡng, y học cổ dự phòng, hộ sinh, điều dưỡng, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng. Ngoài ra, nếu sử dụng kết hợp đồng thời điểm thi THPT quốc gia, điểm học bạ trong cùng một phương thức xét tuyển vào các ngành này, mỗi điểm số cũng cần đạt ngưỡng riêng.
Tuy nhiên, một trường ĐH vừa gây chú ý khi công bố điểm trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ vào ngành dược học chỉ 20 điểm. Đáng nói hơn, mức điểm trúng tuyển này vẫn có cách tính để không sai quy chế. Theo cán bộ tuyển sinh một trường ĐH, tổng điểm học bạ 3 môn đạt 20 điểm vẫn đủ điều kiện trúng tuyển bằng phương thức học bạ trong những trường hợp rất hy hữu. Đó vẫn là những TS đạt học lực giỏi lớp 12 nhưng điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển (toán, hóa, sinh) không đạt từ 8,0 mà chỉ cần môn thấp nhất phải từ 6,5 trở lên.
Người này dẫn dắt dựa vào Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT của Bộ GD-ĐT, học sinh được xếp loại giỏi nếu có điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn toán, ngữ văn từ 8,0 trở lên và không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5. Như vậy, TS đạt học lực loại giỏi này có điểm trung bình môn ngữ văn từ 8,0 và các môn còn lại chỉ cần từ 6,5 điểm trở lên, có nghĩa điểm 3 môn (toán, hóa, sinh) chỉ cần từ 6,5 trở lên.
Không sai quy chế nhưng chưa đạt mục tiêu
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng rõ ràng quy chế không bắt buộc TS có học lực giỏi lớp 12 khi xét tuyển bằng học bạ phải đạt điểm trung bình 3 môn xét tuyển từ 8,0 trở lên (tức điểm từng môn xét tuyển cũng phải đạt loại giỏi). Vì vậy, việc xét TS có học lực giỏi lớp 12 nhưng điểm 3 môn dùng để xét chỉ đạt 20 điểm vẫn không sai.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, quy chế yêu cầu TS phải đạt học lực lớp 12 từ 8,0 trở lên nhưng 3 môn cần thiết dùng để xét tuyển (toán, hóa, sinh) cho ngành học đó lại không giỏi thì chưa đạt mục tiêu đề ra. “Những TS này lẽ ra không nên xét tuyển vào ngành dược mà nên vào ngành có xét điểm các môn mình đạt loại giỏi. Còn các trường phải tự cân nhắc việc tuyển sinh để đảm bảo chất lượng sinh viên đầu vào, đủ khả năng theo học và có đầu ra tốt để vững tay nghề khi ra trường”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng cho rằng ở đây nên quay lại với câu hỏi vì sao phải đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khi xét tuyển các ngành sức khỏe. “Đơn giản, ai cũng hiểu đây là các ngành đặc thù, người học ngành này khi đi làm sẽ tác động đến sức khỏe con người. Yêu cầu về chất lượng đầu vào này cũng được quy định trong luật Giáo dục ĐH sửa đổi vừa được thông qua”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa còn cảnh báo về khả năng “né” quy định điểm sàn và học lực của một số trường với ngành sức khỏe bằng việc tổ chức kỳ thi riêng. “Quy chế của Bộ đã quy định điểm sàn cho phương thức xét tuyển kết quả thi và xét học bạ, nhưng với kỳ thi trường tự tổ chức riêng thì các trường toàn quyền quyết định điểm trúng tuyển, kể cả với ngành y khoa”, ông Nghĩa lý giải.
Điểm chuẩn ưu tiên xét tuyển 7,27 ?
Một trường ĐH tại TP.HCM vừa công bố điểm chuẩn bằng phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng dựa vào kết quả học bạ THPT dành cho các ngành đại trà là 7,27. Trong khi đó, theo thông báo xét tuyển trước đó, phương thức này xét thí sinh có 3 năm THPT liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi và hạnh kiểm tốt; học sinh có 3 năm liên tục học tại các trường THPT chuyên và năng khiếu có điểm trung bình môn học trong tổ hợp xét tuyển từng năm học không nhỏ hơn 7,0.
Ngoài hệ đại trà, điểm trúng tuyển phương thức này với chương trình đặc thù là 7,2. Các ngành thuộc chương trình quốc tế từ 6,7 – 7,28; chất lượng cao 6,37 và CĐ chất lượng cao 5,0.
Dù không sai quy chế nhưng phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng thường dùng để xét trực tiếp học sinh có kết quả vượt trội bậc phổ thông vào ĐH không cần thi tuyển nhưng nếu đầu vào chỉ dừng lại ở mức khá thì có đạt được mục tiêu?

Theo Hà Ánh/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)