Sự kiện giáo dụcTin tức

Xét tuyển vào lớp 10: Cần thống nhất quy trình xét tuyển

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Đặng Thị Năm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Phú Hòa phát biểu ý kiến tại hội nghị sáng 28-1

Việc xét tuyển lớp 10 tại TP.HCM, mỗi quận – huyện làm một cách, thiếu sự thống nhất dẫn đến một số hệ lụy. Vấn đề này được mổ xẻ khá kỹ tại Hội nghị sơ kết công tác tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển diễn ra tại Sở GD-ĐT TP.HCM vào sáng 28-1.
“Chạy… hộ khẩu” làm trường thừa, trường thiếu
Ngày 5-4-2006, Bộ GD-ĐT ký Quyết định số 12/2006/BGD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT, trong đó đề ra 3 phương thức tuyển sinh: thi tuyển, xét tuyển và vừa thi tuyển lẫn xét tuyển. Năm học 2006-2007, được sự đồng ý của Thường trực UBND thành phố, Sở GD-ĐT TP.HCM chọn 2 hình thức tuyển sinh lớp 10: thi tuyển và xét tuyển. Dựa trên cơ sở vật chất đảm bảo đủ chỗ học, 3 huyện đầu tiên của thành phố được tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển là Cần Giờ, Củ Chi và Bình Chánh. Đến năm học 2008-2009, thêm quận 2 và huyện Hóc Môn. Qua năm học 2009-2010 các quận Thủ Đức và quận 9 cũng được thực hiện tuyển sinh theo hình thức này.
Sau bốn năm thực hiện tuyển sinh lớp 10 theo hình thức xét tuyển đã bộc lộ một số vấn đề do cách làm thiếu tính thống nhất và thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị và các ngành có liên quan. Hiệu trưởng một trường THPT cho biết: “Bí thư Đảng ủy phường BT đã lấy làm ngạc nhiên khi hộ khẩu của phường tăng đột biến. Một căn nhà chỉ gần 20m2 mà có đến 28 học sinh có hộ khẩu!”. Chính việc lấy tiêu chí hộ khẩu đã tạo kẽ hở cho tiêu cực xuất hiện qua hình thức chạy hộ khẩu. Bởi mỗi một quận huyện đều có một trường THPT nổi bật, tạm gọi là trường “điểm”. Vậy là phụ huynh tìm mọi cách chạy hộ khẩu của con em mình về ngay chính phường sát cạnh trường THPT “điểm”. Trưởng phòng GD-ĐT quận 9, cô Lê Thị Minh Loan cho biết: “Năm học 2009-2010 số học sinh lớp 9 nằm trên địa bàn phường Long Thạnh Mỹ tăng đột biến hơn 200 em so với thống kê đầu năm học”. Điều này cũng dễ hiểu là Trường THPT Nguyễn Huệ thuộc dạng trường THPT “điểm” của quận 9. Tại quận Thủ Đức, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, cũng là một trường THPT “điểm” của quận, Hiệu trưởng nhà trường thầy Lâm Triều Nghi bức xúc nói: “Có phụ huynh dùng một tờ giấy tập học trò để làm tờ giấy xác nhận thời gian đăng ký tạm vắng, tạm trú do công an ký, nộp cho trường và yêu cầu phải cho con của họ học tại đây, vì có hộ khẩu”. Thầy nói tiếp: “Chúng ta chỉ quan tâm đến địa bàn mà chưa quan tâm đến quy trình xét tuyển”.
Còn nhiều bất cập

Phụ huynh xem kết quả học sinh trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2009 – 2010 tại Trường THPT Nguyễn Khuyến

Theo quy định hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc xét tuyển lớp 10 là lấy kết quả học tập và hạnh kiểm của các lớp 6, 7, 8 và 9 làm tổng số điểm để xét tuyển. Cụ thể, học lực giỏi được 5 điểm; hạnh kiểm tốt được 5 điểm, điểm số chênh lệch giữa các bậc xếp loại là 5 điểm và điểm tối đa là 40 điểm. Cách làm này bị nhiều người phản đối. Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: “Chỉ cần giáo viên THCS dễ dãi với học sinh thì việc xét tuyển sẽ ảnh hưởng rất lớn”. Cô Phan Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Khánh bày tỏ: “Thống kê đầu năm của lớp 10 có đến 75,3% học sinh xếp loại học lực giỏi, nhưng chỉ sau một học kỳ tỉ lệ này chỉ còn hơn 30%. Xét tuyển kiểu cho tất cả vào lớp 10, tôi thấy e không ổn”. Thầy Lê Đình Hoe, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Củ Chi) nói: “Cả ba xã (sẽ vào học tại trường) chỉ có 500 học sinh lớp 9, nhưng chỉ tiêu lại giao đến 540 em. Vậy xét tuyển làm gì? Chính điều này dẫn đến hệ quả tỉ lệ học sinh lớp 10 lưu ban, bỏ học cao nhất. Do chúng ta nhận tất cả những học sinh tốt nghiệp THCS vào trường THPT công lập mà chưa định hướng phân luồng. Các em học yếu học kém không theo kịp dẫn đến chán học và rồi bỏ học”. Thầy Hoe ví von: “Hội đồng tuyển sinh lớp 10 trường tôi khỏe nhất. Vì chúng tôi không cần xét tuyển, chỉ làm công tác tổng hợp và chuyển về Sở duyệt là xong”. Phó giám đốc Nguyễn Hoài Chương cho biết: “Ở huyện Hóc Môn, số học sinh vào lớp 10 thấp hơn chỉ tiêu dẫn đến việc chỉ cần học sinh tốt nghiệp THCS là được vào học lớp 10 trường THPT công lập. Hay như quận 3 lại cho rằng có đủ chỗ học nên xét tuyển hết. Nếu làm như vậy việc phân luồng học sinh không thể thực hiện”. Còn quận Thủ Đức lại có cách làm “kỳ lạ” là chọn các em không có hộ khẩu thường trú vào học Trường THPT Hiệp Bình? Cách làm này dẫn đến việc khiếu kiện của rất nhiều phụ huynh. Trong khi Bộ GD-ĐT chỉ đạo tỉ lệ vào lớp 10 trường THPT công lập là 60%, tỉ lệ còn lại học sinh sẽ theo học tại các trường dân lập, tư thục, TTGDTX, trường trung cấp hay trường nghề… thì một vài quận huyện thực hiện xét tuyển lớp 10 của lại muốn 100% vào hết trường THPT công lập. Vậy chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM về phân luồng học sinh xem ra khó thực hiện và điều tất yếu khắc phục hiện tượng “lắm thầy ít thợ” không biết đến bao giờ.
Khẩn trương xây dựng quy trình
Một số ý kiến cho rằng do thiếu tính thống nhất trong việc xét tuyển giữa các quận – huyện nên phụ huynh có sự so bì và đề nghị Sở GD-ĐT thành phố khẩn trương quy định thống nhất về xét tuyển lớp 10. Đồng thời cần có phương án và kế hoạch ngăn chặn hiện tượng chạy hộ khẩu để chống tiêu cực, ít nhiều làm ảnh hưởng uy tín của ngành. Đây cũng là một trong nhiều cách “chạy trường”.   
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, TS. Huỳnh Công Minh nói: “Để làm tốt công tác xét tuyển lớp 10 phải có kế hoạch tuyển sinh lớp 10 sớm; Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Bồi dưỡng giáo viên tổ chức các lớp tập huấn đánh giá học sinh. Các Phòng GD-ĐT quận – huyện làm thật tốt các nhiệm vụ: tham mưu tốt với địa phương trong việc quy hoạch xây dựng trường lớp, tham mưu với Ban chỉ đạo tuyển sinh địa phương để có kế hoạch chi tiết và chỉ đạo các trường tiểu học lẫn THCS dạy thực chất; đối với các trường THPT cùng các TTGDTX tích cực động viên học sinh, đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt là chăm sóc các lớp học sinh đầu cấp”…
Bài, ảnh: Trần Thanh Quang

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)