Các bị cáo tại tòa sáng 12-10 – Ảnh: Hoàng Điệp |
Đây là vụ án xảy ra tại công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Sài Gòn (trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2013 – công an TP HCM khởi tố vụ án tháng 1-2014) với sự tiếp tay của hàng chục công chức hải quan.
Vụ án đã từng được TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm (6-2016) nhưng được trả hồ sơ vì nhiều tình tiết mới phát sinh.
Ký khống vào các tờ khai hải quan
Theo đó, cáo trạng của VKSND TP.HCM thì Lê Dũng (giám đốc) và hàng loạt nhân viên của Công ty CP CNTP Sài Gòn và Nguyễn Quốc Dung (nhân viên xuất nhập khẩu công ty Tín Thịnh); Trần Thị Bích Tuyền (Giám đốc Công ty TNHH Lam Tuyền và Công ty TNHH Đại Đắc Tài), Hứa Châu (giám đốc công ty Lâm Kim Ngọc) đã cấu kết dùng thủ đoạn xuất khẩu qua Campuchia 20.000 kg gạo trắng, trị giá 190 triệu đồng tại cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực IV, nhưng khai báo Hải quan 3.000 thùng thuốc lá hiệu Craven “A”, trị giá 23 tỷ đồng.
Ngoài ra, Lê Dũng, Trần Thị Bích Tuyền, Hứa Châu, Lâm Tuấn Phát, Huỳnh Dũng Tấn, Lê Tiến Cường, Nguyễn Ngọc Mẫn (nhân viên giao nhận tự do) bằng thủ đoạn gian dối lập các hợp đồng mua, bán và thanh toán khống thuốc lá điếu qua Campuchia nhằm có bộ hồ sơ xuất khẩu xin hoàn thuế GTGT, đã được Cục thuế TP.HCM cho hoàn thuế trong 05 kỳ với số tiền là 80 tỷ đồng.
Số tiền chiếm đoạt được các bị cáo chia nhau chiếm hưởng.
Thực hiện hành vi giúp sức cho các bị cáo chiếm đoạt hơn 80 tỷ đồng tiền hoàn thuế này là Nguyễn Tiến Lộc, Lộc là công chức Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực IV trực tiếp ký vào các tờ khai hải quan.
Theo khai báo của Nguyễn Ngọc Mẫn, để làm thủ tục xuất khẩu trót lọt các bộ tờ khai hàng hóa thì Mẫn đã phải chi 20% tiền thuế GTGT của lô hàng, tương đương 10 tỷ đồng cho Nguyễn Tiến Lộc.
Nguyễn Tiến Lộc được phân công kiểm hóa các tờ khai xuất khẩu hàng nhưng thực tế Lộc không thực hiện việc kiểm tra hàng hóa chứa trong các container.
Tuy nhiên, Nguyễn Tiến Lộc không thừa nhận hành vi sai phạm và không thừa nhận đã nhận 10 tỷ đồng từ Nguyễn Ngọc Mẫn mà cho rằng chỉ nhận tiền bồi dưỡng của Mẫn, mỗi lần không quá một triệu đồng.
Hồ sơ vụ án cũng cho rằng, trong số tiền 80 tỷ đồng được hoàn thuế các bị cáo chia nhau chiếm hưởng, Trần Thị Bích Tuyền đã đưa hơn 12 tỷ đồng cho Nguyễn Ngọc Mẫn, Mẫn khai đưa hối lộ cho Nguyễn Tiến Lộc, Đinh Văn Trí và Lê Hà nguyên Công chức Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực IV để thông quan hàng hoá giả tạo.
Nguyễn Văn Biên (Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu Khánh Bình, An Giang) đã móc nối và nhận tiền (1,1 tỷ đồng) sau đó chỉ đạo cho cấp dưới xác nhận khống vào các tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu thuốc lá điếu của Công ty CP TPCN Sài Gòn qua Campuchia.
Cụ thể, Biên đã chỉ đạo các công chức thuộc quyền xác nhận trên 92 tờ khai hải quan ghi khống trị giá hàng hoá thuốc lá điếu 372 tỷ đồng.
Biên khai rằng số tiền Biên nhận được từ Thủy (1,1 tỷ đồng), một phần đưa vào bếp ăn tập thể, phần còn lại thì chia cho các công chức hải quan đã thực hiện công việc làm sai tại đơn vị này.
Tách 3 bị can để tiếp tục điều tra
Trước đó, ngày 27-6, TAND TP.HCM đã quyết định trả hồ sơ vụ án buôn lậu, lừa đảo, đưa hối lộ… xảy ra tại Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn và Chi cục Hải quan An Giang cho VKSND TP.HCM.
Lý do, còn nhiều chi tiết quan trọng liên quan đến các bị cáo trong vụ án, không thể làm rõ tại tòa sau khi kết thúc phần xét hỏi.
Theo đó, một trong những vấn đề mâu thuẫn chính là việc Công ty cổ phần công nghệ SG có được phép xuất khẩu thuốc lá hay chưa?
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 5-2011 đến 31-8-2011, Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn (do Lê Dũng làm giám đốc) chưa được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh thuốc lá, nhưng các cán bộ Hải quan An Giang vẫn tiếp nhận hồ sơ, ký duyệt cho hàng hóa xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong phần xét hỏi tại tòa, một số bị cáo là cán bộ Hải quan An Giang khai rằng vào thời điểm xảy ra vụ án, hải quan chỉ quản lý đối với các mặt hàng nhập khẩu, còn xuất khẩu thuốc lá cần phải có giấy phép của Bộ Công thương.
Vì cách nhận thức và hiểu biết khác nhau giữa cáo trạng cáo buộc và nhận thức hải quan về nội dung các công văn hướng dẫn, nên trước đó HĐXX đã tạm dừng phiên tòa để triệu tập đại diện Bộ Công thương yêu cầu giải thích về các văn bản quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thuốc lá.
Giải thích về các quy định này, đại diện Bộ Công thương, ông Hoàng Anh Tuấn (phó vụ trưởng Vụ Kinh tế trong nước) cho biết hoạt động xuất khẩu sản phẩm thuốc lá thực hiện theo quy định của nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23-1-2006.
Nghị định này quy định mặt hàng thuốc lá điếu không thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép nên thương nhân có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm thuốc lá chỉ cần làm thủ tục xuất khẩu tại cơ quan hải quan.
Sau đó, nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013 (thay thế cho nghị định 12/2006/NĐ-CP) quy định thương nhân muốn xuất khẩu sản phẩm thuốc lá phải có giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá để làm thủ tục xuất khẩu tại chi cục hải quan cửa khẩu.
Như vậy, căn cứ vào phần trả lời của đại diện Bộ Công thương tại tòa thì vào thời điểm diễn ra vụ việc buôn lậu thuốc lá (năm 2011) của Công ty cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn thì nghị định 187 chưa có hiệu lực pháp luật.
Trong thời gian diễn ra phiên tòa bị cáo Lê Dũng cho rằng mình không phạm tội buôn lậu, các bị cáo nguyên là công chức hải quan kêu oan, khẳng định không nhận tiền như cáo trạng quy buộc; bị cáo Hứa Châu (doanh nghiệp tư nhân) cũng khẳng định cáo trạng truy tố bị cáo không đúng.
Sau khi điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đã tách riêng 3 bị cáo: Lê Hà, công chức hải quan Khu vực IV TP.HCM; Trịnh Trần Thùy Trang và Nguyễn Thanh Long (công chức hải quan cửa khẩu Khánh Bình) để tiếp tục điều tra.
40 bị cáo còn lại bị VKSND TP.HCM truy tố như hồ sơ vụ án.
Theo TTO
Bình luận (0)