Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xét xử vụ tiêm nhầm vaccine tại Quảng Trị: Bài học từ việc quản lý lỏng lẻo

Tạp Chí Giáo Dục

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27-3
Kết thúc phiên sơ thẩm ngày 27-3, các bị cáo đã phải nhận mức án nghiêm minh của pháp luật về những hành vi sai trái của mình. Tuy nhiên, điều đau lòng đằng sau vụ án dẫn đến ba đứa trẻ sơ sinh bị cướp đi tính mạng là cả một chuỗi nguyên nhân bắt đầu từ công tác quản lý lỏng lẻo của những người có trách nhiệm!
1. Người ta nói rằng, sự cẩn trọng trong bất cứ nghề gì cũng là điều cần thiết, đối với nghề y đó là điều tối thượng! Bởi sai lầm khác gây hậu quả còn có thể khắc phục, với nghề y thì khó lòng khắc phục được. Suốt cả ngày xử án, kể từ lúc bước xuống từ chiếc xe thùng, bị cáo Thuận – người tiêm nhầm vaccine viêm gan B gây ra cái chết đau lòng của ba trẻ sơ sinh tỏ ra khá mệt mỏi, nhiều lúc phải cần đến sự hỗ trợ của các cán bộ làm nhiệm vụ. Có lẽ hơn 20 năm gắn bó với nghề y, bị cáo Thuận chưa bao giờ nghĩ đến ngày phải đối mặt với bản án nghiêm khắc như thế. “Hôm đó khoảng 7 giờ 30 ngày 20-7-2013, trời mưa gió to, bệnh viện mất điện, tôi thực hiện y lệnh của BS. Lê Thị Kim Phượng, tiêm vaccine viêm gan B cho ba trẻ sơ sinh. Bị cáo đến Khoa Khám bệnh nơi đặt tủ lạnh bảo quản thuốc, bật đèn pin điện thoại di động, mở tủ lấy 3 lọ thuốc rồi tiêm cho 3 trẻ sơ sinh kể trên. Sau khi tiêm xong, bị cáo tiếp tục đi thăm khám cho các bệnh nhân khác. Đến khoảng 8 giờ 30 cùng ngày, trong khi đang điều trị cho bệnh nhân khác, thì nghe tiếng kêu của các sản phụ nên bị cáo tức tốc chạy đến. Thấy ba trẻ đều tím tái, thở nấc nên liền đưa các cháu đến phòng cấp cứu. Nhưng…”, bị cáo Thuận buồn bã nói. Sự việc có lẽ sẽ bớt nghiêm trọng hơn nếu bị cáo Thuận báo với Ban Giám đốc sự thật. Đằng này, bị cáo trong lúc phạm tội đã nghĩ ra cách gom vứt các lọ thuốc, kim có thuốc tiêm nhầm và thay thế vào đó các lọ thuốc vaccine viêm gan B. Sự việc được giấu kín trong một thời gian dài cho đến khi cơ quan điều tra phơi bày sự thật.
Còn Lê Huỳnh Sơn – người trực tiếp cất hộp thuốc Esmeron vào chung với sinh phẩm vaccine viêm gan B thì quanh co chối tội. Số thuốc Esmeron trên được nhập ngày 9-5-2013, do Nguyễn Văn Thiện, Phó giám đốc bệnh viện được ủy quyền, quyết định cho Khoa Dược nhập 50 lọ thuốc Esmeron về để phục vụ cho việc phẫu thuật và giao cho Khoa Dược quản lý, bảo quản trong dây chuyền lạnh đặt tại phòng xét nghiệm. Đồng thời, giao cho Lê Huỳnh Sơn được phép y lệnh và trực tiếp sử dụng Esmeron. Ngày 6-6-2013, Sơn đến phòng xét nghiệm lấy 1 hộp Esmeron, trong đó có khoảng 6 đến 7 lọ để phục vụ cho phẫu thuật. Sử dụng không hết, còn lại khoảng 5 đến 6 lọ, Sơn đem về lại phòng để bảo quản. Nhưng lúc này phòng đã khóa cửa nên Sơn đi đến Khoa Khám bệnh. Sơn cho rằng dù không có quy định để loại thuốc trên chung với sinh phẩm vaccine nhưng trước khi bỏ vào đó, Sơn ghi chữ “thuốc độc” để cảnh báo. Theo chủ tọa Võ Ngọc Mậu, Sơn đã ý thức được sẽ có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng sau đó chủ quan, thiếu trách nhiệm, để thuốc Esmeron trong tủ vaccine viêm gan B một thời gian dài để xảy ra hậu quả…
2.Về trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện, sau khi có sự kiểm tra, nhắc nhở của đoàn công tác Sở Y tế tỉnh Quảng Trị ngày 18-7-2013 (chỉ 2 ngày trước khi ba trẻ sơ sinh bị tiêm nhầm thuốc, tử vong), bị cáo Nguyễn Văn Thiện cho rằng, hôm đó, bị cáo có tham gia vào đoàn kiểm tra, song chỉ ở văn phòng tiếp đoàn chứ không trực tiếp kiểm tra tại tủ thuốc Khoa Khám bệnh. Bị cáo cũng không nghe đoàn công tác Sở Y tế nhắc nhở về việc có mặt của thuốc độc trong tủ lạnh chứa vaccine. Tuy nhiên, theo nhân chứng Nguyễn Quang Thy, cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh: “Lúc kiểm tra tủ lạnh bảo quản vaccine viêm gan B tại Khoa Khám bệnh, tôi phát hiện một hộp thuốc bên ngoài có ghi “thuốc độc” nên hỏi anh Trương Công Hiếu, cán bộ Khoa Dược, là tại sao bỏ thuốc độc vào đây. Tôi đã đề nghị anh Hiếu và đoàn kiểm tra chấn chỉnh ngay tình trạng này. Sau đó, trong cuộc họp với bệnh viện, đoàn công tác cũng đã nêu vấn đề này ra”.
Với bị cáo Trần Thị Hải Vân, người được giao quản lý tủ lạnh chứa thuốc tại Khoa Khám bệnh thì một mực cho rằng, Vân chỉ có trách nhiệm bảo quản việc vận hành tủ lạnh. Còn ngăn 2 trong tủ lạnh chứa sinh phẩm vaccine thì trách nhiệm thuộc Khoa Sản!
Sau vụ việc, thay vì hợp tác với cơ quan điều tra, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã làm giấy tờ, chứng nhận giả để cơ quan chức năng cấp chứng chỉ tiêm chủng không đúng với quy định của pháp luật cho y sĩ Thuận…
3.Những giọt nước mắt hối hận và lời xin lỗi các gia đình của bị cáo Thuận khiến nhiều người xót xa cho sự “sơ sẩy” của một người đã có nhiều cống hiến cho ngành. Xót xa hơn, khi những bà mẹ bị hại nén giọt nước mắt đến thăm hỏi động viên bị cáo – người vô ý cướp mất sinh mạng con mình. Nhưng có một sự thật đau lòng rằng, chính sự  thiếu trách nhiệm, việc làm không đúng của Thiện, Vân và Sơn là nguyên nhân dẫn đến y sĩ Thuận lấy nhầm thuốc, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng kể trên.
Bài, ảnh: Phan Lệ
TAND Quảng Trị tuyên y sĩ Nguyễn Thị Thuận 5 năm tù về tội: “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”; Nguyễn Văn Thiện (Phó giám đốc bệnh viện) 3 năm tù; Trần Thị Hải Vân (y tá trưởng) 3 năm tù treo; Lê Huỳnh Sơn (Phó phòng Kế hoạch – Tổng hợp, cử nhân gây mê, phụ trách phòng mổ) 4 năm tù, cùng về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
 

Bình luận (0)