Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời

Tạp Chí Giáo Dục

Các tác giả và sản phẩm “Xe xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời”

Với sáng chế “Xe xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời”, nhóm sinh viên của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (gồm Phạm Hồng Trường, Nguyễn Thành Minh, Lê Hoàng) đã mở ra sự kỳ vọng tạo ra nét mới trong phát triển xích lô du lịch ở địa phương.

Sản phẩm trên đã đoạt giải nhì tại cuộc thi “Thiết kế sản phẩm tiết kiệm năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu” do Đoàn trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng phối hợp với Sở KH-CN Đà Nẵng tổ chức. Chia sẻ về ý tưởng của nhóm, Phạm Hồng Trường cho biết miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng, số ngày nắng, nhiệt độ cao chiếm rất nhiều trong năm. Nắng nóng khiến cho mọi hoạt động của con người đều nhanh chóng mất năng lượng. Trong khi đó mỗi lần đến các điểm du lịch như dọc tuyến đường Bạch Đằng hay Bảo tàng Chăm của Đà Nẵng, chúng em thấy nhiều người chạy xích lô phải gò mình đạp xe chở khách khá vất vả. Ý tưởng của nhóm bắt đầu từ câu hỏi: “Làm thế nào để giúp họ giảm bớt mệt nhọc, lại thân thiện với môi trường?”. Thế là nhóm nảy ra ý tưởng sáng chế ra xe xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời. “Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch, lại luôn sẵn có nên nhóm bàn bạc lấy ánh sáng mặt trời thông qua những tấm pin để áp dụng vào cơ chế vận hành xe”, Nguyễn Thành Minh cho biết thêm.

Qua 5 tháng bắt tay vào thử nghiệm, xe xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời đã hoàn thành. Hồng Trường cho biết quy trình vận hành của xe là từ những tấm pin hấp thu năng lượng mặt trời, ánh sáng sau hấp thu sẽ biến đổi thành điện năng, tạo ra nguồn điện một chiều. Theo đó, nguồn điện này sẽ được dẫn tới bộ điều khiển là một thiết bị có chức năng tự động điều hòa dòng điện từ pin mặt trời và dòng điện nạp cho bình ắc quy. Tiếp đến sẽ thông qua bộ biến đổi điện vào động cơ giúp cho động cơ hoạt động. “Như vậy, với nguồn điện sạch thu từ năng lượng mặt trời, xe xích lô nhờ đó có thể vận hành dễ dàng mà không tốn sức của người sử dụng. Một ưu điểm khác là sản phẩm có độ bền cao, dễ thiết kế và lắp ráp”, Thành Minh nói.

Hồng Trường chia sẻ: “Việc đoạt giải thưởng là một niềm động viên chúng em trong sáng tạo. Tuy nhiên, sản phẩm được đánh giá có tính ứng dụng cao là điều chúng em rất vui và hạnh phúc. Khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhóm luôn động viên nhau, cùng nhau hướng đến làm thế nào để sản phẩm của mình có thể trở thành mô hình dịch vụ xích lô mới chạy bằng nguồn năng lượng sạch thay thế việc đạp xích lô truyền thống, góp phần thay đổi vẻ đẹp của thành phố du lịch, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường bằng nguồn năng lượng sạch và sẵn có”. Em nói tiếp: “Hiện nhóm đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, thay thế loại pin mặt trời dạng cứng thành pin dạng dẻo để xe chạy êm hơn, đỡ cảm giác nặng nề hơn. Mặt khác, trong quá trình tạo sản phẩm, nhóm ứng dụng trên chiếc xích lô đã cũ nên tính thẩm mỹ còn thấp, sau khi hoàn thiện, nhóm sẽ đề xuất áp dụng trên loại xe xích lô hoàn toàn mới để tạo tính thẩm mỹ cao cũng như kích thích du lịch bằng dòng xe xích lô dạo phố phát triển mạnh hơn”.

Thầy Hồ Dương Đông (giảng viên Khoa Quản lý dự án, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng – người đồng hành cùng nhóm trong quá trình sáng chế sản phẩm) nhận xét: “Sản phẩm của nhóm có ý nghĩa thực tế rất cao. Các em làm việc rất nghiêm túc và hăng say trong quá trình sáng chế ra sản phẩm với mong muốn góp phần phát triển ngành du lịch của thành phố. Điều đáng mừng là sáng chế của nhóm đã được Sở KH-CN Đà Nẵng đánh giá cao trong việc áp dụng loại xe xích lô du lịch tại địa phương”.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Bình (Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng) cũng đánh giá cao sản phẩm của nhóm sinh viên trên. Ông Bình cho biết, sau khi nhóm hoàn thiện các mặt hạn chế và đảm bảo tính thẩm mỹ, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu cũng như sở thích của du khách, trung tâm sẽ nghiên cứu phối hợp cho thí điểm sản xuất và ứng dụng thử phục vụ du lịch với số lượng khoảng 10 xe. Với những đánh giá bước đầu như vậy, sản phẩm xe xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng mở ra kỳ vọng trong việc phát triển một dịch vụ mới về du lịch thân thiện môi trường.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)