May mắn hơn so với nhiều bạn bè cùng trang lứa, khi vừa ra trường, Xuân và Trang sắp có công việc ổn định, với mức thu nhập tương đối. Nhưng với cha mẹ thì không, họ tìm mọi cách để ép, thậm chí còn tìm đến trò mê tín dị đoan để mong con nghe theo lời lấy chồng ngoại quốc nhằm… đổi đời (?!).
“Thầy” Hai đang làm phép và cho bùa ở quán cà phê. Ảnh: Hạnh Nguyễn
“Hãy cho con được lựa chọn!”
Câu chuyện nghe có vẻ khó tin ở thời buổi này, nhưng đó là câu chuyện của cô sinh viên Khoa Xã hội – Nhân văn (Trường ĐH Cần Thơ) Trương Thị Mỹ Xuân (22 tuổi, ngụ ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang). Từ ngày tốt nghiệp đại học vào tháng 4-2015 là những chuỗi ngày dài cô phải sống trong nỗi ám ảnh, áp lực từ phía gia đình do bị chính cha mẹ bắt ép phải lấy chồng ngoại quốc.
Với tâm trạng u sầu, Xuân tìm đến báo chí để nói lên nỗi lòng. Xuân băn khoăn, sau khi tốt nghiệp đại học được vài tháng đã tìm được việc làm ổn định. Nhưng do có người dì lấy chồng và sinh sống ở Đài Loan, ba mẹ Xuân lấy lý do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bắt ép Xuân phải lấy chồng nước ngoài để cải thiện kinh tế gia đình.
Cũng vì chuyện lấy chồng ngoại mà cha mẹ bắt Xuân phải ở nhà, không cho đi làm bất cứ đâu. Trước những áp lực ngày càng lớn từ phía gia đình đã khiến Xuân buồn bã, khóc lóc bỏ ăn uống nhiều ngày liền. Thấy thương cháu, các cô, dì hai phía ra sức khuyên nhưng ba mẹ Xuân vẫn không thay đổi ý định. Hiện Xuân đã tìm được việc làm ở Bưu điện Sài Gòn, nhưng em không dám đi. “Đợi cho cha mẹ lắng dịu em sẽ lên đó làm, nếu cha mẹ không cho về nhà nữa thì chắc em cũng sẽ không về nhà nữa” – Xuân giãi bày.
Tương tự Xuân, cô sinh viên Trần Thị Huyền Trang (22 tuổi, ở ấp 2 xã Vị Trung) cũng gặp phải cảnh tương tự khi đang là sinh viên năm cuối của Khoa Nuôi trồng thủy sản ĐH Tây Đô. Tháng 7 năm nay Trang sẽ tốt nghiệp với một tương lai đầy hứa hẹn khi bạn bè giới thiệu vào làm cho một công ty thủy sản có tiếng. Nhưng kỳ nghỉ hè này, Trang bị mẹ ép lấy chồng Đài Loan. Mẹ Trang nói: “Mày lấy chồng Đài Loan để được sung sướng, tao còn được nhờ tấm thân. Nếu không lấy thì cũng đừng có dẫn thằng nào về ra mắt”.
Cũng vì chuyện bị mẹ ép lấy chồng ngoại quốc mà không khí trong gia đình luôn rất căng thẳng, Trang dự định khi tốt nghiệp đại học sẽ tiếp tục ở lại TP Cần Thơ xin việc làm chứ không muốn về nhà.
Hậu quả của mê tín dị đoan?
Ông Lâm Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Vị Trung, cho biết, hiện trong xã có rất nhiều hộ dân có con lấy chồng nước ngoài. Tuy nhiên việc bắt ép con mình như vậy là không hay cho lắm và địa phương cũng chưa nghe ai nói gì. Nếu phát hiện tình trạng mê tín dị đoan vì mục đích ép con mình lấy chồng ngoại quốc thì chúng tôi sẽ cử cán bộ hội phụ nữ xuống tận nơi để tuyên truyền, vận động… – |
Xuân và Trang còn lo ngại khi gần đây có 2/3 hộ gia đình trong xã cho con đi lấy chồng ngoại đã làm không ít trường hợp cha mẹ chạy theo phong trào lấy chồng ngoại quốc để đổi đời. Các ông bố, bà mẹ còn truyền tai nhau tìm đến thầy bà xin bùa ngải, đốt thành tro rồi bắt con mình uống để nghe lời.
Xuân kể: “Chỉ tính riêng trong dòng họ nhà em cũng có đến 3-4 trường hợp xin bùa đốt cho con uống vì cha mẹ muốn con lấy chồng ngoại quốc. Hiện giờ, em còn có một người em họ tên Ý cũng bị cho uống bùa và đang làm giấy tờ chuẩn bị lấy chồng Đài Loan. Chắc có lẽ thấy linh nghiệm hay sao mà mẹ em cũng bàn tính đi xin bùa về cho em uống?!”.
Theo chỉ dẫn của Xuân và Trang, chúng tôi vào vai người đi xin bùa để người em gái nghe lời. Sau khi tiếp cận một quán nước mía của bà ngoại Xuân nằm ven đường nối Cần Thơ – Vị Thanh (đoạn qua xã Vị Trung, huyện Vị Thủy).
Tại đây, bà ngoại Xuân chỉ cho chúng tôi mua 2 cây đèn cầy cùng 1 gói thuốc lá rồi mang đến nhà “thầy” Hai ở khu dân cư 586 (TP Vịnh Thanh). Gọi vào số điện thoại của “thầy” Hai và thầy hẹn tại một quán cà phê đầu hẻm khu dân cư 586 (trên đường Trần Hưng Đạo). Tìm đến nơi, chúng tôi lấy lý do nhà có cô em gái không nghe lời lấy chồng Đài Loan nhưng đã từng tìm đến nhiều “thầy” khác mà không hiệu quả. Trước khi nhận lời làm phép, “thầy” đưa ra nhiều lời khoe “thành tích”… rồi mới nhận lời.
Sau một hồi đốt thuốc lá, đèn cầy và múa may giữa thanh thiên bạch nhật, “thầy” trầm ngâm nhìn tôi phán: “Em gái của cậu đang theo một thằng khác, mà thằng này bị vong người chết vì tai nạn giao thông ám nên không chịu nghe lời”. Khi chúng tôi hỏi về phương pháp và kinh phí tư vấn, “thầy” bật mí là sẽ đưa bùa vào cánh tay tôi để dạy bảo em mình. Với chiêu này, “thầy” đã làm cho nhiều gia đình bảo con mình nghe lời mà đi lấy chồng ngoại quốc. “Cậu thấy không, tôi làm bùa công khai giữa đường là chứng tỏ tôi có uy tín. Người dân tứ xứ đến tìm thầy thấy linh nghiệm, sau đó đã quay lại cúng tổ ở nhà thầy. Còn kinh phí thì cậu cho bao nhiêu thì tùy hỷ…”, thầy Hai nói.
Sau khi tôi đồng ý, “thầy” lấy ra một cuốn tập rồi viết nhiều dòng chữ kỳ lạ và xếp lại. Sau đó “thầy” lấy ba điếu thuốc cháy sắp tàn quơ qua lại, miệng thì lẩm bẩm ú ớ, mặt đăm chiêu như đang nguyện cầu. Dứt lời, “thầy” Hai lấy tờ 1.000 đồng gói lại trong giấy trắng, lấy bút ghi vài dòng chữ trên cánh tay tôi và… làm phép. Kết thúc màn làm phép, “thầy” Hai dùng tay xoa xoa, ấn ấn vào cánh tay tôi vài cái rồi “thầy” dặn kỹ: “Về nhà mua giấy vàng bạc, bánh con ngựa và kẹo đem ra cúng vái ở đâu cũng được. Cúng xong nhớ đọc câu “Thầy Hai kéo nó về giùm con” rồi đốt hết giấy cúng cùng đèn cầy. Còn lá bùa nhớ phải luôn bỏ vào túi áo mang theo bên người, mỗi ngày phải gọi cho thầy một lần để thầy theo dõi. Tuyệt đối cánh tay của cậu không được vỗ vào vai của phụ nữ, nếu không họ theo cậu ráng chịu, mắc công phải đến để thầy gỡ bùa…”. Cuối cùng, “thầy” Hai mạnh miệng khẳng định, 1-2 ngày tới là em gái tôi sẽ nghe lời. Nếu không thì cái gì “thầy” cũng thua. Rồi sau đó thầy gọi chủ quán lấy cho cái thẻ cào điện thoại 50.000 đồng và bảo tôi cúng dường 200.000 đồng…
Theo Hạnh Nguyễn/ SGGP
Bình luận (0)