Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Xin đừng làm hại sân khấu!

Tạp Chí Giáo Dục

Việc livestream, dẫu vô tình hay cố ý đều khó có thể chấp nhận. Nội dung vở diễn bị lộ gây ảnh hưởng, thiệt hại đến nghệ sĩ, nhà hát.

Một cảnh trong chương trình Mê Kông Show

Một cảnh trong chương trình Mê Kông show

Mê Kông show của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam trở lại sau thời gian gián đoạn vì dịch COVID-19. Đây là tác phẩm kết hợp giữa rối nước, xiếc và vũ đạo rất bắt mắt. Ngoài phục vụ trẻ em, chương trình còn hướng đến khách du lịch. Nhà hát cũng mang nhiều kỳ vọng khi trở lại trong thời điểm du lịch đang có dấu hiệu phục hồi.

Đêm đầu tiên, lượng khán giả lấp đầy khoảng 60% rạp. Đây cũng là tín hiệu tương đối đáng mừng trong bối cảnh hiện tại. Buổi diễn nhiều lần khiến người xem vỡ òa vì có nhiều màn xiếc, múa rất độc đáo. Trong ánh sáng lờ mờ phía khán đài, một phụ nữ trung niên khiến hàng loạt khán giả xung quanh chú ý khi liên tục cầm điện thoại để livestream vở diễn lên trang cá nhân. Một số người xung quanh xì xầm, nhưng người phụ nữ vẫn không buông điện thoại. Có lẽ, đến khi hơi mỏi tay, chị mới buông điện thoại xuống, sau đó tiếp tục livestream. 

Ánh mắt khó chịu, sự dò xét của mọi người xung quanh dường như nói thay thái độ của họ với việc làm này, rằng họ không tán thành. Về mặt khán giả, việc livestream khiến họ mất đi sự tập trung dành cho vở diễn. Trong suốt quá trình livestream, người phụ nữ gần như chỉ dán mắt vào màn hình điện thoại, xem bình luận. Về mặt BTC, nhà hát, đây là quy định cấm với khán giả khi đến sân khấu. 

Một phụ nữ liên tục livestream khi xem vở diễn tối 2/4

Một phụ nữ liên tục livestream khi xem vở diễn tối 2/4

Điều đáng nói là, trước khi bước vào khu vực biểu diễn, BTC đã treo biển thông báo cấm quay phim, chụp ảnh, livestream khi chưa có sự đồng ý của Ban giám đốc. Trước khi vở diễn bắt đầu, một lần nữa thông tin này được nhắc lại qua hệ thống loa thông báo đến tận vài lần. Vì thế, việc người phụ nữ vô tư livestream khiến không ít người phải đặt dấu hỏi. Nhưng dẫu là vô tình do thói quen hay cố ý thực hiện thì việc này là không thể chấp nhận. 

Có lẽ, trong rất nhiều năm qua, công chúng nước nhà không còn lạ với sự khó khăn, chật vật của sân khấu, trên tất cả các lĩnh vực. Tất cả đã, đang và phải vật lộn với gameshow, YouTube… và rất nhiều loại hình, công cụ giải trí tiên tiến khác để tiếp tục sống và phát triển. Trong đó, sự sống còn của sân khấu phụ thuộc hẳn vào thói quen đến xem trực tiếp của khán giả. Những năm qua, hiện trạng này rất đáng báo động. Đặc biệt người trẻ không còn thói quen đến sân khấu, kéo theo nhiều lo ngại. Trước mắt, việc không có khán giả khiến sân khấu không có nguồn thu, dẫn đến khó khăn trong việc tái đầu tư. Không có khán giả, sân khấu đứng trước nguy cơ mai một, nỗi sợ lớn hơn rất nhiều với nền văn hóa của một quốc gia, dân tộc.

Thông báo của nhà hát với khán giả trước khi vào rạp xem

Thông báo của nhà hát với khán giả trước khi vào rạp xem

Trong bối cảnh chuyển đổi số, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, nhiều nhà hát vẫn chần chừ trước việc có sản xuất nội dung phát trên môi trường số hay không để duy trì sự kết nối với khán giả. Nhiều đơn vị chọn phương án không, vì lo ngại sẽ khiến khán giả mất đi thói quen xem trực tiếp. Trong bối cảnh phục hồi sau dịch, nhiều đơn vị đang phải đau đầu với việc kéo khán giả trở lại sân khấu.

Việc livestream làm lộ nội dung vở diễn kéo theo không ít trăn trở. Liệu có bao nhiêu khán giả sẽ từ chối việc đến sân khấu khi đã được xem miễn phí? Như thế, có phải đồng nghĩa người livestream đang làm hại sân khấu trong bối cảnh khó khăn chồng chất?… Với mỗi vở diễn, các sân khấu thường mất thời gian chuẩn bị dài, đặc biệt với các loại hình như rối, xiếc. Đó là thành quả của một tập thể có khi lên đến hàng trăm con người. Việc livestream như thế chẳng khác nào đem thành quả lao động của nghệ sĩ cho không xã hội. Dĩ nhiên, việc này không công bằng với nghệ sĩ, nhà hát, đơn vị sản xuất. 

Thói quen livestream, văn hóa dùng mạng xã hội đã từng được bàn luận rất nhiều. Nhưng những mặt trái của chúng vẫn diễn ra, xuất phát từ ý thức của người dùng. Con số ấy có thể nhỏ, nhưng không có nghĩa không gây tác động tiêu cực. Khi lựa chọn đến sân khấu, chắc rằng ít nhiều người xem đều có tình yêu với nơi đây. Đã yêu, xin đừng làm hại sân khấu.

Theo Trung Sơn/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)