Những quy định cụ thể về các trường hợp học sinh không đủ điều kiện để lên lớp đã được nêu rõ tại Thông tư 58 của Bộ GD-ĐT về việc ban hành quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT. Để bất cứ trường hợp học sinh nào phải lưu ban, hội đồng xét thi đua học sinh ở các đơn vị trường học chắc hẳn đã bám sát các quy định của ngành. Tuy nhiên, một số phụ huynh là người “trong cuộc” khi có con em bị lưu ban vì nôn nóng mong con tiếp tục được lên lớp mà muốn nhà trường “lách luật”, xé rào…
Phụ huynh xem điểm thi vào lớp 10 tại TP.HCM cho con
Những ngày qua, vụ việc một phụ huynh ở Kiên Giang có con bị lưu ban, khi không được đáp ứng nguyện vọng “linh động” đã lên mạng xã hội dùng những lời lẽ gay gắt xúc phạm những giáo viên ở chính ngôi trường mà con mình từng theo học. Vụ việc đã gây ra những phản ứng trái chiều từ dư luận đồng thời gây tổn thương tới mối quan hệ lẽ ra cần được vun đắp, gắn kết giữa gia đình và nhà trường.
Vụ việc đáng buồn xảy ra khi một phụ huynh từng được trao danh hiệu á khôi doanh nhân, đồng thời là giám đốc một công ty du lịch ở Phú Quốc lên mạng xúc phạm nặng nề thầy Hiệu trưởng và nhà trường THPT Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) về việc cho con của mình ở lại lớp. Theo đó, trong dòng trạng thái đăng trên trang facebook cá nhân của mình, vị phụ huynh này đã có những lời lẽ gay gắt, xúc phạm trực tiếp thầy hiệu trưởng và hội đồng sư phạm nhà trường khi cho con gái bà đang học lớp 11 vì nghỉ học quá nhiều buổi so với quy định mà bị lưu ban. Sau khi bị dư luận chỉ trích, vị phụ huynh này đã bỏ bớt đi những từ ngữ nặng nề nhưng vẫn không giấu được sự hậm hực trong từng câu chữ. Nguyên nhân của vụ việc được xác định là do trong năm học 2018-2019, con của vị phụ huynh này đã nghỉ tổng cộng 50 ngày cả có phép và không phép do phải điều trị bệnh. Nhà trường đã căn cứ vào khoản 2, điểm a, điều 15 của Thông tư số 58 của Bộ GD-ĐT về việc ban hành quy chế đánh giá xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT. Trong đó có quy định nêu rõ: Học sinh nghỉ học quá 45 buổi trong năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại) sẽ không được lên lớp. Như vậy, việc nhà trường quyết định cho học sinh ở lại lớp là thực hiện đúng quy định của ngành. Mặt khác, với những học sinh nghỉ học quá nhiều, nếu có được lên lớp, các em cũng khó có thể khỏa lấp được lượng kiến thức bị thiếu hụt. Khi đó, quá trình học tập sẽ rất khó khăn, nhất là với những học sinh cuối cấp.
Với cương vị là bậc làm cha, làm mẹ, việc con em mình bị lưu ban vì bất cứ lí do nào cũng là điều đáng buồn. Nhưng không phải vì buồn, thương hay quá lo lắng cho con mà có những lời nói, hành động “lệch chuẩn” thiếu kiềm chế xúc phạm và gây tổn thương đến người khác, không cần phân biệt phải, trái; đúng, sai. Đặc biệt, đích đến của những lời chỉ trích gay gắt ấy lại là những người đã từng trực tiếp dạy dỗ, giáo dục con em mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu trong môi trường học đường xuất hiện những phụ huynh sẵn sàng “xù lông nhím” nổi nóng để bảo vệ con mình thay vì tìm hiểu mọi việc kỹ lưỡng thấu đáo để có những cách hành xử phù hợp, đúng mực? Trên thực tế, thời gian qua đã xảy ra không ít vụ việc phụ huynh có những cách hành xử không đúng mực đối với giáo viên như: Phụ huynh đến trường hành hung giáo viên, phụ huynh đến trường bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi… Những cách hành xử phản cảm tương tự nêu trên đã ảnh hưởng tiêu cực và làm rạn nứt mối quan hệ lẽ ra cần được vun đắp, gắn kết giữa phụ huynh và nhà trường. Và khi đó, người bị ảnh hưởng tiêu cực hoặc phát sinh những suy nghĩ lệch lạc chính là các em học sinh. Các em sẽ nghĩ gì khi chính cha mẹ mình lại có những hành xử đáng xấu hổ như vậy? Thiết nghĩ, những câu chuyện buồn không đáng có này cần chấm dứt nhằm hướng tới môi trường giáo dục thực sự thân thiện. Bởi, chỉ khi nhà trường và phụ huynh tìm được tiếng nói chung, mục tiêu giáo dục học sinh mới có thể đạt được kết quả tốt nhất.
Bùi Minh Tuấn
(Trường THPT Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An)
Bình luận (0)