Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Xin được gọi thầy là cha

Tạp Chí Giáo Dục

“Ước nguyện con chỉ xin được gọi thầy là cha! Bởi lòng con đã coi thầy như cha mình rồi” – Huỳnh Phương Thảo ngân ngấn nước mắt trải lòng mình với thầy Võ Đức Chỉnh, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ. Người thầy "kỳ lạ" ấy trong 30 năm đứng lớp chỉ mong học trò của mình làm người tử tế.
Cô học trò Huỳnh Phương Thảo (giữa) và mẹ khóc nức nở trong chương trình trao học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Cần Thơ. Trong nước mắt, Thảo nói mong được gọi thầy (ông Võ Đức Chỉnh – bìa trái) là cha – Ảnh: T.T.D.
Một đêm đầu năm 2009. Sương ướt đẫm. Lạnh. Những thầy cô Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng co ro chờ trời sáng trước Bệnh viện Tiền Giang. Bên trong kia là đứa học trò thân thương vừa nhập viện mà họ muốn vào thăm nhưng kẹt quy định giờ giấc.
Tiếng gọi thiêng liêng

Thầy Võ Đức Chỉnh hướng dẫn học trò thí nghiệm về sự phóng tia lửa điện trong không khí – Ảnh: Thanh Xuân
Huỳnh Phương Thảo cùng các bạn học đi thi học sinh giỏi ở Tiền Giang. Buổi thi vừa xong, bệnh tim bẩm sinh của Thảo tái phát và em phải nhập viện cấp cứu. Từ Cần Thơ, thầy hiệu trưởng Võ Đức Chỉnh nhận được tin điện thoại liền vội vã đón xe lên thăm Thảo.
Thảo mồ côi cha từ lúc lọt lòng. Nhà đã nghèo lại càng khổ hơn khi cả hai mẹ con đều mang bệnh tim. Sức khỏe rất yếu, nhưng mẹ vẫn làm thuê, nhận đồ thêu ren ở nhà để con đi học. Thảo thương mẹ, cố gắng học và đỡ đần việc nhà nên bệnh tim em ngày càng nặng thêm. Thầy Chỉnh lặng nghe rồi động viên em. Những lời chan chứa yêu thương như của người cha với chính con mình…
Bên ngoài phòng bệnh, bác sĩ xác quyết trái tim Thảo như ngọn đèn trước gió. Em cần phải được mổ ngay để giữ mạng sống. Thời gian chạy đua với thần chết đếm từng ngày. Thầy Chỉnh phải ra quyết định tức khắc, như cách vẫn thường làm. Thầy bàn với thầy cô trong trường góp tiền bạc cho Thảo lên TP.HCM mổ tim. Rồi thầy lặng lẽ viết thư xin bệnh viện miễn giảm viện phí cho Thảo.
Suốt cả năm học lớp 12, Thảo được học bổng học sinh nghèo vượt khó do thầy Chỉnh cùng thầy cô và mạnh thường quân trong trường đóng góp. Nhiều lần thầy Chỉnh còn ghé nhà mẹ con Thảo để hỏi han, chia sẻ. Từ những ngày nằm trong bệnh viện, Thảo đã hiểu lòng thầy và em xem thầy như cha mình. Em cũng biết ơn nhiều thầy cô khác như thầy Phú, thầy Sái, thầy Hoàng, thầy Thanh, cô Hà… Người đã lặng lẽ giúp đỡ, người trực tiếp chăm sóc em trong những ngày ở viện.
“Lần đầu nghe Thảo gọi cha, tui xúc động lắm. Tui cũng có cha và đang là cha của hai đứa con nên tui thấm thía tiếng gọi thiêng liêng đó!” – thầy Chỉnh nghèn nghẹn. Còn Thảo đã bật khóc khi nghe thầy gọi con và vợ thầy cũng xưng mẹ với mình. Em không biết mặt cha ruột, nhưng giờ em đã có cha và hai người mẹ yêu thương! Vừa rồi, thầy Chỉnh dẫn Thảo đến cho cô Chi kèm tiếng Anh miễn phí để em thi đại học. Thầy chỉ nhẹ nhàng: “Cô đây cũng là trò của cha. Con ráng học tốt, đừng để cô buồn mà cha cũng buồn!”.
Ông thầy kỳ lạ
"Làm sao em quên những đêm mưa ngồi khóc một mình khi nghĩ đến căn nhà xiêu vẹo, dột nát có mẹ và gia đình em… Làm sao em diễn tả hết sự biết ơn và hạnh phúc khi có mái ấm tình thương như ngôi trường em. Em xin kính gửi lòng biết ơn chân thành đến thầy Chỉnh, thầy Bảo Hòa, thầy Tính, cô Hà, cô Quý và toàn thể các thầy cô… "
Trích một lá thư học trò
Thầy Chỉnh cầm phấn làm thầy từ năm 1981. “Đời tui trải qua nhiều năm tháng đẫm mồ hôi cơ cực nên tui rất đồng cảm với học trò khó khăn!”. Cuộc đời thầy cũng khó khăn chẳng kém các học trò của thầy bây giờ. Hồi còn học cấp III ở TP.HCM, cậu học trò tên Chỉnh phải thuê xích lô đạp thêm. Sáng đi học, chiều đạp xích lô đến tận khuya để phụ gia đình những năm tháng khó khăn.
Lên lớp, cậu học trò đạp xích lô hay ngủ gật. Cô giáo thương, phê học bạ: “Học giỏi, hạnh kiểm tốt nhưng hay ngủ gật trong lớp”. Rồi gia cảnh vẫn quá ngặt nghèo, ba mẹ Chỉnh phải đùm bọc về Cần Thơ. Cả nhà làm ruộng, dồn sức cho con học hành.
“Tui khóc, không chịu! Anh em cùng lòng mẹ mà người khổ người sướng thì ruột gan nào chịu nổi. Nhưng cả nhà cố khuyên tui thương gia đình thì phải gắng học hành đàng hoàng” – thầy Chỉnh nghẹn giọng. Vào đại học, cậu sinh viên Chỉnh vẫn lặng lẽ chạy xe đạp ôm để chia sẻ gánh nặng với gia đình.
Chân phải từ nhỏ đã bị teo rút, yếu hẳn, bình thường đi đứng đã khập khiễng, cậu sinh viên đạp xe chở khách lại càng khó khăn hơn. Có lần chở một bà to con lên dốc cầu bị loạng choạng nên phải xuống đẩy. Phát hiện chân thầy khập khiễng, bà ta nạt xối xả: “Chân cẳng cà ạch cà đụi vậy mà cũng bày đặt chạy xe”. Thầy buồn lắm, cố nén nước mắt đừng chảy giữa đường! Nhưng đến nơi, bà ta ân cần hỏi han và trả thêm tiền. “Tui cứ đứng ngẩn ngơ mãi. Bên đời vẫn nhiều người tốt mà mình chưa hiểu hết!” – thầy Chỉnh xúc động nhớ lại.
Một thời vất vả nhưng may mắn gặp nhiều người tốt, nên thầy Chỉnh ra dạy học cũng “không giống ai”, mà đôi khi làm người ta bị sốc rồi lại đâm thương mến. Cầm phấn từ năm 1981, rồi làm chủ nhiệm từ năm 1982 ở Cần Thơ, thầy Chỉnh rất gần gũi học trò. Từ đầu năm học, thầy đã cà nhắc lội ruộng, chống xuồng đến nhà từng học trò. Thầy ở lại rất lâu, trải lòng với phụ huynh để hiểu tường tận gia cảnh. Khi nhà học trò có chuyện gì xảy ra, thầy cũng là người có mặt sớm nhất để sẻ chia.
Bận đầu một số người, kể cả đồng nghiệp, cũng quái lạ với ông thầy “hay mò đến nhà trò”. Họ nghi ngờ thầy này nọ, nhất là với các em nữ cấp III. Nhưng rồi họ biết chính nhờ hiểu hoàn cảnh trò nên lớp thầy luôn đạt chất lượng cao và ít em phải bỏ học. Thầy Chỉnh cười hiền lành: “Một dịp sau tết, tự dưng lớp tui chủ nhiệm vắng hẳn mấy em học sinh nữ. Tui lo quá, lội bộ tìm tận nhà các em ngay trong tối. Phụ huynh nghi thầy tình ý với con gái họ nên cứ săng sẵng khó chịu, không muốn tiếp. Còn tui ì mặt, tâm sự thiệt bụng mãi, họ mới chịu nói định cho nhỏ út lấy chồng. Gái lứa học nhiều cũng vậy”.
Thầy Chỉnh phải uống rượu với cha học trò suốt đêm để lựa lời khuyên. Sáng ra, người cha cười toe toét với con gái: “Ba thấy ông thầy này đàng hoàng à nghen! Con đi học lại đừng phụ lòng ổng”. Còn thầy Chỉnh ứa nước mắt mừng. Cô học trò sau đậu đại học, làm giáo viên, gặp thầy vẫn nói: “Bận đó mà thầy hổng can ba em thì ổng bắt em đi lấy chồng sớm rồi”.
Mong trò làm người tử tế
Thầy Chỉnh dằn vặt mãi chuyện một học trò học khá nhưng phải bỏ học giữa chừng vì kinh tế gia đình khó khăn. Dù không chủ nhiệm lớp em, thầy Chỉnh vẫn đi tìm. Gặp em làm việc ở tiệm sửa xe, thầy khóc, trò cũng khóc.
Thầy khuyên em đi học lại, nhưng em nói mình đã quyết học nghề. Thầy tâm sự đó cũng là con đường vào đời, nhưng phải ráng học nghề cho thật giỏi và sống làm người tử tế.
Gần 30 năm đứng lớp, thầy Chỉnh chọn mỗi cách dạy gần gũi học trò. Có người ra trường làm tổng giám đốc, bác sĩ nổi tiếng tiếp tục gửi con cho thầy dạy. Gần đây, thầy làm hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng nên không còn nhiều thời gian gần học trò như hồi làm chủ nhiệm. Không chỉ bàn bạc với thầy cô trong trường dạy kèm miễn phí cho học trò yếu, thầy trao đổi với thầy cô và phụ huynh lập học bổng học sinh nghèo vượt khó.
“Làm được điều này là nhờ tâm huyết đóng góp của toàn thể giáo viên. Mình tui không làm nổi đâu” – thầy Chỉnh chia sẻ. Cả nhân viên căngtin cũng hết lòng tham gia suất cơm học trò miễn phí.
Để tạo sự công bằng, thầy cố sắp xếp thời gian cùng thầy cô của trường lặn lội tìm hiểu từng nhà học trò. “Thấy nhiều hoàn cảnh ứa nước mắt. Có em phải đạp xe mấy chục kilômet đến trường, rồi phải gửi xe, đi bộ đường ruộng về nhà. Không dám ở trọ và ăn sáng, em dành tiền phụ mẹ, nhưng vẫn xin nhường học bổng cho bạn khó khăn hơn”.
Cuộc chuyện trò với thầy Chỉnh lại dở dang. Thầy Đoàn Văn Thanh vừa dẫn đến em nữ lớp 11 mồ côi cha, phải bán bắp vỉa hè ban đêm để đỡ đần mẹ. Cả phòng chùng xuống xúc động khi em kể mẹ và bà phải bán vé số để hai chị em được đến trường, rồi chuyện chiếc giường cũ kỹ duy nhất trong nhà cũng là bàn học. Và thầy nhắc thầy Thanh tìm trong trường còn bàn nào chưa sử dụng thì chở đến nhà em. Chuông báo hiệu giờ vào lớp. Thầy Chỉnh dặn dò cô học trò ráng học, rồi thầy sẽ ghé nhà…
Chuyện dạy học, thầy Chỉnh không có triết lý gì to tát. Với thầy, đạo làm thầy chỉ chân chất rằng người cầm phấn phải có tâm, yêu thương học trò như chính con em mình. Để rồi các em sẽ kính yêu thầy, nhân ái với người. Mai này dù không học hành thành đạt, các em cũng nên người tử tế!
QUỐC VIỆT (TTO)

Bình luận (0)