Hiện nay trong học đường có một chuyện đáng buồn gây bức xúc không chỉ cho người dạy, mà cho cả người học ngoan hiền, chăm học. Đó là có một bộ phận học sinh hư, cá biệt đến trường không bao giờ học mà tìm mọi cách quậy phá, gây rối làm mất trật tự trong giờ học, vi phạm nội quy nhà trường liên tục làm ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy học và chất lượng giáo dục, nhất là làm hại học sinh ngoan hiền, chăm học.
Các em này ở hai dạng: Một dạng thuộc gia đình khá giả, nhưng thiếu sự quan tâm, quản lí của gia đình; dạng thứ hai là do lí do này, lí do nọ (trong đó không có chuyện việc không cho học sinh nghèo không có điều kiện đi học) không muốn học mà bị bắt buộc phải đi học nên cả hai đối tượng trên khi đến trường thì tìm mọi cách chọc ghẹo bạn, quậy phá trường. Điều đáng nói là các trường học thường đưa những học sinh học giỏi, ngoan hiền ngồi gần các đối tượng trên nhằm mục đích là để tạo điều kiện kèm cặp giúp đỡ các em cá biệt đó; song đố em nào nói được mà ngược lại còn bị các đối tượng trên tìm mọi cách quậy phá không cho học, như giật sách vở, phá bút mực, viết vẽ bậy vào cả áo quần. Thậm chí khi được thầy cô giáo gọi lên kiểm tra bài cũ thì giấu vở, kéo áo quần, nhất là khi có kiểm tra 15 phút, 1 tiết kể cả thi học kì, nếu không cho xem bài thì bị đánh, nên những học sinh chăm ngoan, ham học lại thường là nạn nhân của các đối tượng này.
Đáng buồn hơn là các đối tượng này rất ít, một lớp chỉ vài em nhưng nhà trường không dám xử lí kỷ luật, bởi lẽ xếp các em đạo đức yếu, học tập kém thì ở lại lớp, hoặc bị đuổi học và như thế thì lại không đảm bảo chỉ tiêu thi đua của trường, của ngành, kể cả của địa phương. Vì vậy nhà trường bằng mọi cách phải cho các đối tượng này đi học, cho lên lớp nên các em chẳng cần học mà càng quậy phá hơn và những học sinh chăm ngoan, ham học lại bị bạn quậy phá không cho học nên học không được tốt; có em thấy bạn không học mà vẫn lên lớp nên cũng nản luôn, bắt chước quậy phá, không học. Và cũng từ đây dạng học sinh khó dạy, cá biệt ngày càng tăng lên lại làm vấn nạn cho các em ngoan hiền và cả thầy cô giáo.
Điều nghịch lí hơn là những học sinh ngoan hiền, học giỏi thì ít quan tâm giúp đỡ mà ngược lại học sinh quậy phá, cá biệt thì được chăm sóc đến tận răng. Phần thưởng cho học sinh học giỏi cuối năm không đáng giá là bao, song các em thuộc thành phần cá biệt trong năm học nhận nào là quà, tiền, xe đạp… của các đoàn thể, mạnh thường quân quan tâm đến giáo dục với mục đích là đầu tư để các em đi học vì sợ các em bỏ học thì mất thành tích thi đua…
Trước thực trạng trên, ngành giáo dục nên coi đây là “dịch bệnh học đường” vô cùng nguy hiểm nhất thiết phải ngăn chặn và tiêu diệt sớm. Phải lập lại kỷ cương nề nếp trong học sinh, mạnh dạn, cương quyết xử lí kỷ luật những học sinh mượn chuyện đi học để quậy phá, vi phạm kỷ luật học đường; em nào không học, không muốn học thì cho nghỉ đi học nghề hoặc đưa vào dạng giáo dục đặc biệt như trường giáo dưỡng, chứ không nên “ép chuối chín non” như hiện nay để rồi ảnh hưởng xấu đến rất nhiều mặt không chỉ trong ngành giáo dục mà cả chất lượng con người có học sau này.
Hãy vì đa phần học sinh ngoan hiền, chăm học mong có ngôi trường, lớp học bình yên để được học nên người mà hành động, chứ đừng vì vài học sinh cá biệt, một bộ phận nhỏ học sinh không chịu học mà để học đường không như mong muốn như hiện nay thì hại lắm thay.
Nguyễn Văn Tú
Bình luận (0)