Trăn trở trước con số người bệnh chờ ghép tạng ngày càng kéo dài, quỹ thời gian sống của họ mỗi lúc lại càng rút ngắn, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu cùng những người đồng nghiệp phải bất đắc dĩ đi “xin” tạng từ những người vừa khép lại sự sống. Tất cả quy trình “xin – cho” đều phải đảm bảo được tính chặt chẽ, công bằng, minh bạch, hướng đến những giá trị nhân đạo cao cả thiêng liêng.
Kíp mổ ghép tạng BV Chợ Rẫy và BV Việt Đức (ảnh bệnh viện cung cấp) |
Đơn vị điều phối ghép tạng duy nhất tại Việt Nam
TS.BS Dư Thị Ngọc Thu – Trưởng đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhớ lại: “Năm 2006, Luật hiến và lấy ghép mô trên cơ thể người đã được ban hành, bước đầu quy định việc hiến tạng đối với những trường hợp người bệnh chết não (hội đồng chuyên khoa thẩm định người bệnh bị tổn thương não không thể cứu chữa), tuy nhiên trong khoảng thời gian đó chưa có trường hợp nào được thực hiện. Đến năm 2007, mới được áp dụng trên ca đầu tiên”.
Khi nhu cầu được ghép các bộ phận của cơ thể người tại Việt Nam bắt đầu gia tăng, tình trạng mua bán nội tạng xuất hiện ở nhiều nơi, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Trước tình trạng mua bán nội tạng ngày càng diễn ra phức tạp, GS.TS Trần Ngọc Sinh khi đó là Trưởng khoa Tiết Niệu của BV Chợ Rẫy đã xông xáo bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng quy trình ghép tạng trên người cho chết não. Quy trình đó phải đảm bảo công bằng, minh bạch, nhân đạo, đặc biệt cần phải hình thành Đơn vị Điều phối có chức năng và nhiệm vụ đặc biệt. Tháng 6-2014, Đơn vị Điều phối ghép tạng chính thức được thành lập với 6 thành viên, do TS.BS Thu làm trưởng đơn vị. Cho đến nay đây vẫn là đơn vị điều phối ghép tạng đầu tiên trên cả nước.
TS.BS Dư Thị Ngọc Thu cho hay: “Quy trình ghép tạng đặc biệt phức tạp, hệ thống điều phối chỉ là một nhánh. Trong đó cấu trúc của hệ thống cũng bao gồm rất nhiều khâu phải được thực hiện một cách chặt chẽ: Từ tiếp nhận thông tin đến xử lý hồ sơ, hội đồng chuyên môn thẩm định, điều phối người cho, điều phối người nhận… Để tránh tình trạng buôn bán tạng, người điều phối viên không được là bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ trực tiếp điều trị. Tuy nhiên, người này phải có chuyên môn để giám sát từ đầu đến cuối quá trình; đồng thời có thể tinh tế phát hiện ngăn chặn những trường hợp thiếu minh bạch. Để đảm bảo y đức, công bằng, pháp lý và nhân đạo, tức là cả gia đình người cho lẫn gia đình người nhận đều không biết nhau nhằm tránh tình trạng trao đổi, mua bán”.
Do mọi người còn rất dè dặt trong việc hiến tạng, với mong muốn tăng thêm “nguồn cung” để cứu bệnh nhân, TS.BS Thu cùng đồng nghiệp đã thầm lặng xin sự sống từ những người chết não. Cho đến nay đơn vị điều phối tại BV đã vận động được 21 trường hợp hiến đa tạng, cứu sống hàng trăm bệnh nhân thoát khỏi “thần chết”. Những cố gắng của tập thể y bác sĩ, cũng nhận được nhiều tín hiệu tích cực, hiện đơn vị cũng đã nhận được hàng nghìn trường hợp đăng ký tình nguyện hiến tạng khi qua đời từ khắp nơi trên cả nước gửi về bằng nhiều cách: đến trực tiếp tại bệnh viện, qua bưu điện và email.
Chạy đua với thời gian để cứu người
TS.BS Thu chia sẻ, một người có thể hiến nhiều loại mô, tạng cho người khác, từ mặt, mũi, xương, da, tứ chi đến lục phủ, ngũ tạng, chỉ trừ cơ và mô mỡ. Khi một bệnh nhân chết não hiến tạng có thể cứu sống được đến 6-7 bệnh nhân khác. Trong đó, tạng phủ là cần thiết hơn cả vì có những người bị suy thận, suy gan, suy tim… có nguy cơ tử vong rất cao trong một thời gian ngắn. “Ngoài việc phải chạy đua với “thần chết”, thì việc thuyết phục thân nhân của người hiến tạng cũng là một khó khăn đối với các điều phối viên. Trong hoàn cảnh đau đớn vô hạn rất khó để họ chấp nhận… Vận động 20-30 trường hợp thì mới có một trường hợp hiến tạng”, TS.BS Thu kể.
Xin tạng đã khó như vậy, nhưng việc tìm được cơ thể phù hợp cũng rất phức tạp. Để có thể nhận tạng, trước hết người bệnh cần phải có sự hòa hợp về nhóm máu, hòa hợp về miễn dịch với người hiến và thể trạng độ tuổi có những tương đồng nhất định. “Khi có người hiến, trong thời gian ngắn nhất bệnh viện phải xét nghiệm nhóm máu, miễn dịch của người đó so sánh với kết quả đã có sẵn của những người đang chờ trên danh sách. Tìm ra người hòa hợp nhất và sức khỏe đảm bảo để phẫu thuật”.
Vừa qua tại Hội nghị ghép tạng Việt Nam lần thứ 4 được tổ chức tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy đón nhận kỷ lục: Tổ chức vận chuyển tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người. TS.BS Dư Thị Ngọc Thu – Trưởng Đơn vị Điều phối được trao tặng kỷ lục “Người tổ chức điều phối tạng hiến với hành trình chuyển tạng dài nhất từ Nam ra Bắc để cứu người”. |
Khó khăn nhiều như vậy, nhưng đến quá trình bảo quản tạng cũng không kém “cân não”. “Trái tim sau khi đưa ra khỏi lồng ngực của người cho chỉ có thể giữ được tối đa 8 tiếng nên việc phẫu thuật ghép phải được thực hiện rất gấp rút. Đối với ghép gan, thận… thời gian có thể kéo dài hơn khoảng vài giờ đồng hồ. Việc ghép tạng tại bệnh viện đã khó, những ca phải di chuyển tạng đi xa vất vả còn được nhân lên gấp bội. Tính cho đến thời điểm này BV Chợ Rẫy đã thực hiện được 3 ca điều phối tạng đi xa (hai lần chuyển đến BV Việt Đức – Hà Nội, một lần chuyển đến BV Trung Ương Huế (Thừa Thiên – Huế)”. TS.BS Thu chia sẻ.
Kể về chuyến nghẹt thở điều phối tạng đi xa, TS.BS Thu hồi ức: “Năm 2015, BV Chợ Rẫy tiếp nhận được người hiến đa tạng, thời điểm đó tại BV chưa thực hiện được ghép tim, còn gan thì chưa có người nhận. Tôi đã liên hệ với Trung tâm điều phối Quốc gia, thì nhận được phản hồi BV Việt Đức có bệnh nhân cần tạng. Tất cả quá trình tiếp nhận thông tin chỉ được thực hiện qua điện thoại. Ở BV Chợ Rẫy, trái tim vừa được đưa ra khỏi lồng ngực, nhanh chóng được bảo quản và được các nhân viên chờ sẵn vận chuyển thẳng ra sân bay. Cùng thời điểm đó, tại BV Việt Đức các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật mở lồng ngực của bệnh nhân nhận tạng. May mắn tất cả mọi kế hoạch, thời gian đều thuận lợi nên trái tim được đưa vào lồng ngực người nhận vừa khớp thời gian, người bệnh được cứu sống trong gang tấc”.
Thương Thương
Bình luận (0)