Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Xin việc thời @ và “mánh lới” của một nhà tuyển dụng… dỏm

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể khẳng định có hai thời điểm trong năm mà "thị trường" việc làm ở các thành phố lớn bước vào giai đoạn nhộn nhịp nhất: Đầu mùa xuân ngay sau mỗi tết Nguyên đán và giữa mùa hè khi SV các trường ĐH, CĐ tốt nghiệp ra trường (không kể SV nghỉ hè kiếm việc làm thêm). Đây cũng là thời điểm nhiều bạn trẻ thiếu kinh nghiệm đã bị một số thành phần xấu lợi dụng lừa đảo, vừa mất tiền vừa mất thời gian mà việc làm chẳng thấy đâu, đặc biệt là đối với những người tìm kiếm việc làm qua các thông tin tuyển dụng trên mạng internet. Dưới đây là câu chuyện của một người đã từng là nạn nhân của trò lừa đảo tuyển dụng như thế. Dù câu chuyện đã xảy ra từ tháng 9/2008 nhưng thiết nghĩ vẫn là bài học nóng hổi cho những bạn trẻ đi tìm việc trên mạng…

Tôi đã được tuyển dụng dễ dàng như thế nào:

Sau một buổi sáng tìm kiếm trên trang web google.com, tôi đã có “địa chỉ vàng” tuyển dụng nhân sự đăng trên rất nhiều website của Công ty CPTM và ĐT T.A với những đòi hỏi về tiêu chuẩn khá đơn giản. Ngay buổi chiều đó, tôi mang hồ sơ đến trụ sở công ty tại đường Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tiếp tôi là một nhân viên tên Dũng. Xem qua hồ sơ, anh này nhận xét nhìn chung đạt và cho biết sẽ gửi về Tổng công ty xét duyệt, đồng thời yêu cầu nộp 50.000 đồng lệ phí xét hồ sơ, hẹn chiều hôm sau trở lại, nếu hồ sơ không được xét thì sẽ hoàn trả hồ sơ và tiền.

Tiếp tôi ngày hôm sau là một người có cái tên khá ấn tượng: Thân Công Mạnh. Anh ta nói hồ sơ của tôi đã được xét duyệt. Tôi bày tỏ băn khoăn vì một số lý do nên có thể tôi sẽ không thể làm việc cả ngày. Anh chàng này trấn an ngay: nếu thế công ty sẽ sắp xếp cho làm ca với mức lương khởi đầu 1.000.000 đồng/tháng. Tiếp đó, để đảm bảo tôi sẽ làm việc cho công ty trong thời gian ít nhất là 6 tháng, anh ta yêu cầu đóng 500.000 đồng gọi là tiền… đặt cọc (?). Cầm tiền xong, Mạnh gọi một người khác đưa tôi đến nơi mà họ gọi là Tổng công ty. Ngoài cửa ghi: Công ty CPTM H.P, nằm trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tại đây, tôi “được” yêu cầu nộp thêm 100.000đ để làm thẻ nhân viên và mua các văn phòng phẩm cần thiết trong thời gian đầu, kèm một ảnh 3×4. Người ta đưa ra một bản hợp đồng đã được soạn thảo sẵn, trong đó nói công việc của tôi làm nhân viên văn phòng, lương 1.500.000/tháng, thử việc 01 tuần và thời gian làm việc tính từ ngày thử việc đầu tiên; ngoài ra còn có thưởng và các khoản phụ cấp khác, được tham gia đóng bảo hiểm, được tăng lương trong các tháng tiếp theo, không áp dụng mức lương thử việc… Nói tóm lại, đó là những điều khoản khá “thoáng” và đương nhiên, khá hấp dẫn. Khi tôi ký hợp đồng xong thì được biết do giám đốc công ty đi công tác, chưa kí được nên hẹn tôi tuần sau đến lấy hợp đồng, đồng thời bắt đầu làm việc luôn. Nghĩa là tôi đã được tuyển dụng, với cái cách không thể nhanh gọn và đơn giản hơn…

Những công việc "trời ơi"…

Đúng hẹn, tôi trở lại công ty và được một phụ nữ cho biết sẽ bắt đầu tuần thử việc bằng nhiệm vụ nhận từ công ty một danh sách 10 tour du lịch khác nhau, sau đó về khảo sát rồi báo lại giá cho công ty. Điều quan trọng là giá các tour mà tôi báo về công ty chỉ được chênh lệch 100.000 đồng so với giá công ty đưa ra. Chị này ghi cho tôi số điện thoại của Công ty H.P và nói trong thời gian làm việc nếu có vướng mắc gì cứ gọi về công ty, giới thiệu là nhân viên văn phòng đang thử việc thì sẽ được giúp đỡ.

Thực tế công việc cũng không có gì khó khăn và không cần tốn nhiều thời gian. Đúng 1 tuần sau, tôi nộp bản báo cáo. Lại một người phụ nữ khác ra tiếp tôi (họ đã chủ ý không để người nào của mình tiếp xúc với tôi quá 2 lần). Người phụ nữ mới xuất hiện đã mang ngay bộ mặt lạnh lùng, chỉ lật qua bản báo cáo rồi yêu cầu tôi đưa xem bản hướng dẫn (tức là danh sách 10 tour du lịch mà tôi đã nhận từ tuần trước). Chị ta hỏi tôi hai câu hỏi với thái độ rất lạnh nhạt: Có biết Phong Nha cách Hà Nội bao nhiêu cây số không? Vân Đồn ở tỉnh nào, Quảng Ninh cách Hà Nội bao nhiêu cây số? Rồi chị ta ném (không thể có từ nào chính xác hơn) cả bản báo cáo và tờ hướng dẫn vào ngăn bàn, nói công ty sẽ chấm bản báo cáo này, rồi đưa cho tôi một số điện thoại, nói đúng 15.30 chiều hôm sau gọi tới số này, đó là quản lý, anh ấy sẽ cho biết kết quả. Ra tới cửa, chị ta còn quay lại nhắc: Gọi điện thôi, đừng đến gặp, anh ấy bận nhiều việc (!).

Cái người quản lý bận nhiều việc ấy trả lời điện thoại của tôi với giọng điệu khó có thể gọi là thoải mái. Anh ta nói không biết gì về vấn đề này và yêu cầu tôi chờ máy để nói chuyện với một người khác. Khi tôi nhắc lại nội dung, anh ta mới à lên và ậm ừ đại ý bản báo cáo của tôi không đạt và cho tôi suy nghĩ, nếu đồng ý làm việc với tháng đầu không lương thì gọi điện đến công ty và… xin làm việc.

Ngày hôm sau, tôi gọi điện đến công ty T.A, trình bày lại sự việc và yêu cầu sự giải quyết thoả đáng thì được trả lời phải đến trực tiếp công ty, vào cuối buổi chiều hôm sau. Khi tôi đến đây, có một số bạn trẻ đang cầm hồ sơ xin việc đứng chờ, bên trong có một bạn trẻ đang trao đổi với người có tên là Thân Công Mạnh. Tôi gặp người có tên là Dũng đã tiếp tôi lần trước. Anh ta từ chối tiếp, nói không nhớ tôi và gợi ý sang quán nước bên cạnh ngồi, lát nữa quay lại vì anh ta đang có một cuộc hẹn quan trọng. Tôi nói các anh hẹn tôi đến đây vào 4.30, là giờ này đấy. Anh ta hỏi lại: "Ai hẹn?". Tôi trình bày lại nội dung. Anh ta à lên: "Thế em là người đã gọi điện đấy à?" rồi ráo hoảnh: "Anh không thu tiền của em, anh Mạnh thu, em chờ lát nữa anh ấy giải quyết”. Lát sau người tên Mạnh ra, hỏi luôn: "Em đến đây để trình bày công việc hay bằng cấp?". Tôi cố gắng lắm mới giữ được bình tĩnh để trình bày lại tất cả sự việc kể từ khi tôi được đưa sang công ty Hữu Phúc. Tôi để ý, trong khi tôi nói, anh ta quay ngang quay ngửa rồi lại lôi điện thoại di động ra… xem. Chỉ đến khi tôi nói xong, anh ta mới ngẩng lên, nhắc đi nhắc lại rằng tôi không thể được nhận lại số tiền đã đặt cọc (500.000đ) với lí do tôi không đáp ứng yêu cầu của công việc.

Tôi có nên… cảm ơn?

Thực sự, tôi không có một câu nhắc đến số tiền mà chính tôi cũng đã quên ấy. Anh ta đã nhắc đến thì tôi cũng phải hỏi lại: "Anh có thể cho tôi biết một lần nữa số tiền ấy được dùng vào việc gì được không?" Anh ta trả lời: "Anh đã nói hai lần rồi, không muốn nói lại nữa". Tôi hỏi tiếp: "Anh nói Công ty CPTM và ĐT T.A chỉ là phòng nhân sự của công ty H.P, vậy tại sao phòng nhân sự lại mang tên của một công ty khác?" Câu trả lời bắt đầu khó chịu: "T.A không phải là phòng nhân sự của công ty H.P mà cả hai đều là hai phòng chức năng, T.A là phòng nhân sự còn H.P là phòng kinh doanh của cùng một Tổng công ty". Tôi lại hỏi: "Vậy tại sao hai phòng chức năng của cùng một công ty lại mang hai tên của hai công ty riêng?". Lần này thì anh ta cáu thật sự: "Cái này tôi không nắm được, chỉ có ban giám đốc mới biết". Tôi vẫn cố gắng hỏi tiếp: "Vậy Tổng công ty của các anh có tên đầy đủ là gì?" Đáp lại là một sự cáu kỉnh gần như gắt lên: "Không biết". Tôi đứng lên, nhẹ giọng: “Cảm ơn anh”. Anh ta trợn mắt nhìn tôi, như nhìn… sinh vật lạ.

Tôi có nên cảm ơn không? Không phải dành cho anh chàng có cái tên Thân Công Mạnh khá ấn tượng ấy mà là cho hai “nhà tuyển dụng” kia: Công ty T.A và Công ty H.P. Kể ra, chỉ đổi 650.000 đồng để có được một bài học “quý” đến thế trong cuộc sống vốn khá tẻ nhạt này thì hoàn toàn không phải là đắt. Chắc chắn, đó không chỉ là bài học cho riêng cá nhân tôi trong thời đại @ này…

Theo GDTĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)