Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

XK rau quả Việt Nam: Bất lợi cạnh tranh từ nhiều phía

Tạp Chí Giáo Dục

Theo ông Huỳnh Quang Đấu – Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VN), chi phí vận chuyển cao đang là yếu tố khiến cho rau quả xuất khẩu của VN kém cạnh tranh hơn so với một số nước.Bất lợi nội tại.

“Chi phí vận chuyển đường biển, đường hàng không đối với rau quả VN vẫn còn cao hơn so với các nước như Thái Lan, Trung Quốc” – ông Đấu cho biết. Song đây không phải là yếu tố bất lợi duy nhất. Vấn đề lớn hơn là năng suất. Năm 2007 đã đánh dấu tăng năng suất của trái cây VN, đạt mức 40% (đạt bình quân 10 tấn/ha) so với năm 2002 (7 tấn/ha), thế nhưng so ra vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Theo ông Nguyễn Văn Nga (Trung tâm Khuyến nông quốc gia), bình quân năng suất cam, bưởi của VN chỉ bằng 55-60% của Ấn Độ; năng suất dứa chỉ bằng 56% so với Thái Lan, bằng 35% so với Philippines; năng suất chuối chỉ bằng hơn 60% so với Trung Quốc…

Chôm chôm Việt Nam đang có nhiều hứa hẹn tại thị trường Mỹ. Ảnh: Đ.T

Dù đã trở thành quốc gia có sản lượng rau quả XK đứng thứ năm ở khu vực Châu Á, nhưng chất lượng luôn là vấn đề khiến cho rau quả VN dễ gặp rủi ro trên đường XK. Theo ông Đấu, rau quả VN còn bị khiếu nại về chất lượng, ATVSTP như ruồi đục quả, dư lượng thuốc trừ sâu, hàm lượng kim loại nặng, bao bì không bảo đảm v.v… Công nghệ thu hoạch, bảo quản và chế biến rau quả VN còn yếu. Song còn một yếu tố nội tại khác kéo giảm sức cạnh tranh của rau quả VN chính là quan hệ mua bán. Người nông dân khi được mùa thì sản phẩm dễ bị thương lái ép giá và rớt giá. Ngược lại khi khan hàng, các đầu mối đẩy giá lên cao tranh mua tranh bán, người nông dân thấy lợi cũng chạy theo, khiến cho thị trường không được ổn định.

Đường ra dần mở…

Hiện rau quả VN xuất ra nước ngoài được kiểm dịch thực vật thông qua hai phương pháp chiếu xạ và hơi nước nóng. Thanh long là loại quả của VN được xuất đầu tiên sang thị trường Mỹ. Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu thuộc Cục Bảo vệ thực vật – từ năm 2008 đến nay, lượng thanh long XK sang Mỹ liên tục tăng, đạt 100 tấn năm 2009, 850 tấn vào năm 2010 và dự kiến hơn 1.300 tấn trong năm 2011. Quả thanh long cũng đã vào thị trường Nhật với khối lượng khoảng 500 tấn/năm, đồng thời cũng đã bước đầu vào thị trường Hàn Quốc. Theo tiến sĩ Đạt, đầu năm 2012, quả xoài VN sẽ được xuất sang New Zealand và Hàn Quốc; thanh long sẽ tiếp tục mở rộng thị trường XK sang Mexico và Ấn Độ…

Quả thanh long VN đang có ưu thế XK so với các nước, nhưng theo tiến sĩ Đạt, khả năng cạnh tranh sẽ xảy ra vì một số nước như Mỹ, Nhật, Israel đã có trồng thanh long. Từ năm 2010, thanh long Đài Loan đã được xuất sang Nhật. Trong khi đó, Thái Lan cũng đã nộp đơn xin xuất thanh long sang thị trường Mỹ. Tháng 3.2011 vừa qua, quả chôm chôm VN cũng lần đầu tiên đã được xuất sang Mỹ. Ông Đạt cho biết: “Ban đầu chôm chôm VN không cạnh tranh được với sản phẩm của Thái Lan và Mexico. Thế nhưng cách đây một tháng, chúng ta xuất lô chôm chôm trái vụ đầu tiên sang Mỹ đã không gặp được sự cạnh tranh nào và sắp tới là nhãn và vải”.

Thế Lâm

Theo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)