Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Xơ mướp xuất ngoại

Tạp Chí Giáo Dục

Không ai nghĩ những quả mướp quá thời hạn sử dụng thực phẩm, khô cong giòn dưới cái nắng gắt của miền Trung lại có một ngày được làm thành những chiếc bông tắm, đôi dép hay chiếc túi đựng xà phòng hữu cơ để xuất ngoại sang Mỹ, Canada, Úc… Người viết nên câu chuyện cổ tích có thật ấy là chị Võ Thị Ngọc Thư ở phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng).

Chị Võ Thị Ngọc Thư tái chế thành công xơ mướp thành sản phẩm thân thiện môi trường

Sản phẩm thân thiện môi trường

Sau hơn 2 năm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, ý tưởng đưa những quả mướp khô già ở các miền quê trở thành sản phẩm hữu ích trong cuộc sống, chị Võ Thị Ngọc Thư đã bước đầu gặt hái những thành quả đáng ghi nhận. “Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê thuộc tỉnh Quảng Nam, nơi đó, nhà nào cũng có giàn mướp, giàn bầu. Mướp không dùng hết, vào mỗi cuối vụ quả khô già chỏng chơ. Thi thoảng, bà con dùng quả già đó bỏ vỏ, bỏ hạt còn lại chiếc xơ dùng để lau chùi xoong nồi. Sự thân thuộc ấy là một phần động lực cho tôi hình thành và phát triển ý tưởng của mình, xây dựng dự án “Xơ mướp thủ công mộc xơ – Sản phẩm từ thiên nhiên”, chị Thư mở đầu câu chuyện.

Tốt nghiệp đại học, chị Thư từng là giảng viên một trường cao đẳng trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Một công việc nhiều người mơ ước. Nhưng với chị, tận sâu trong tiềm thức, niềm trăn trở với môi trường, với những nông sản bà con nông dân một nắng hai sương làm ra phải bán với giá rẻ mạt vẫn luôn thao thức. “Năm 2022, tôi quyết định thử sức với sản phẩm xơ mướp. Bắt đầu với quy mô nhỏ hẹp nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Muốn có nguồn xơ mướp ổn định và đảm bảo chất lượng thì phải có sự hợp tác của người nông dân. Khi mình chưa có thành quả thì niềm tin trao đi rất khó, đó là chưa kể việc phải tìm kiếm giống mướp cho chất lượng xơ đảm bảo để tạo sản phẩm thủ công”, chị Thư bộc bạch.

Việc mở rộng quy mô trồng mướp mở ra hướng du lịch nông nghiệp

Bằng nỗ lực của mình, chị Thư lựa chọn từ giống mướp trâu truyền thống của người dân để cho ra đời nhiều sản phẩm thủ công từ xơ mướp như bông tắm, dép, túi đựng xà phòng hữu cơ, đai chà lưng, đồ chơi cho thú cưng…

Sản phẩm được chị giới thiệu trên sàn thương mại điện tử với mục tiêu sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng. “Hiện, mỗi tháng tôi xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Úc và một số nước châu Âu khoảng 4.000 sản phẩm bông tắm và các loại. Riêng thị trường trong nước bán được khoảng 2.000 sản phẩm”, chị Thư cho biết.

Cầu nối cho nông dân và phụ nữ khó khăn

Hai năm nay, nhiều hộ dân ở ven sông Thu Bồn (thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã ký kết hợp đồng bán sản phẩm mướp cho cơ sở của chị Thư. Từ vài sào ban đầu trồng mướp, nay diện tích được bà con mở rộng lên đến hơn 10ha của 14 hộ dân. Ông Lê Văn Tám vui vẻ cho biết: “Trước đây gia đình tôi trồng mướp chủ yếu bán ra chợ. Giá mướp rẻ và nhu cầu thị trường bấp bênh nên chỉ trồng vài luống. Từ ngày có chị Thư ký kết bao tiêu đầu ra cho mướp, tôi mở rộng diện tích lên 2ha. Mỗi năm trồng 2 vụ, một vụ thu hoạch tầm tháng 11 âm lịch và vụ còn lại vào tháng 5 âm lịch hàng năm. Mướp được bán với giá từ 3 đến 12 ngàn đồng/một trái, tùy kích thước trái mướp. Mỗi sào mướp cho khoảng 500 trái. Đây là nguồn thu đáng kể giúp gia đình phát triển kinh tế và an tâm canh tác”.

Sản phẩm từ xơ mướp được sản xuất thủ công, thân thiện môi trường, không gây phát thải chất độc hại. Quả mướp già được thu hoạch, bóc vỏ, làm sạch hạt, mang đi phơi khô dưới nắng rồi cho vào máy móc cán ép thành tấm, sau đó cắt may theo yêu cầu sản phẩm. Theo chị Thư, xơ mướp có khả năng tái chế tốt, sản phẩm có tuổi thọ cao nên tiết kiệm được chi phí. Khi sử dụng xơ mướp không chỉ giúp giảm bớt đi sự lãng phí tài nguyên nông nghiệp sẵn có trong thiên nhiên mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Đó là lợi ích thấy rõ từ việc tái chế và sử dụng sản phẩm này.

Từ ý tưởng của chị Thư, người nông dân Duy Xuyên đã có thêm nguồn thu từ trồng mướp

Tháng 6-2024 vừa qua, dự án “Xơ mướp mộc xơ” xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024” do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê tổ chức.

Chị Thư luôn hướng mục tiêu sản xuất phát triển kinh tế của mình gắn với cộng đồng. Xưởng của chị đã tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và 6 lao động làm việc tại nhà. Đa số lao động này đều là phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn với mức thu nhập ổn định từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng. “Tôi muốn chia sẻ để các chị em khó khăn có cơ hội vươn lên trong cuộc sống”, chị Thư nói. Ở một góc độ khác, dự án của chị Thư đang góp phần thúc đẩy người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm thân thiện môi trường, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa.

Tháng 6 vừa qua, dự án “Xơ mướp mộc xơ” xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024” do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê tổ chức. Chị Thư chia sẻ: “Về lâu dài, tôi muốn tạo được thêm nhiều công ăn việc làm cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn, mẹ đơn thân để chị em vươn lên trong cuộc sống. Phần khác, tạo thêm nguồn thu giúp bà con nông dân các miền quê. Tuy nhiên, để làm được điều đó, tôi rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, ngành chức năng hỗ trợ để có thể mở rộng quy mô cơ sở, đầu tư thêm máy móc, thiết bị sản xuất. Tôi cũng đang nỗ lực hướng đến việc xây dựng sản phẩm đặc trưng du lịch để phục vụ du khách trong và ngoài nước cũng như tìm kiếm thêm cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài”.

Phan Lệ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)