Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xóa biên chế với tất cả giáo viên tuyển mới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

"Đến năm 2010, 100% giáo viên được tuyển dụng thực hiện chế độ hợp đồng, ai dạy tốt sẽ được ký hợp đồng tiếp, không có biên chế", Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nguyễn Hữu Châu trao đổi với báo chí, ngày 31/12.

>> Các đại thụ lên tiếng về đổi mới giáo dục

GS Nguyễn Hữu Châu. Ảnh: M.Y.

Ông có thể nói rõ hơn về chủ trương ký hợp đồng lao động với giáo viên mới?

– Chiến lược giáo dục đến năm 2020 có quan điểm tạo ý thức phấn đấu trong mỗi cá nhân, từ học sinh đến giáo viên. Một trong những giải pháp để nâng cao tính cạnh tranh là tạo sự phấn đấu cho người dạy.

Giống như nhiều nước, chúng ta sẽ tiến tới bỏ biên chế, thay bằng hợp đồng và khi làm tốt sẽ được ký hợp đồng tiếp. Đi các nước tôi thấy, những hiệu trưởng giỏi luôn có hợp đồng và ở những trường tốt, chúng ta cũng sẽ làm như vậy. Bộ đang có kế hoạch cụ thể, năm 2008 đã bắt đầu thí điểm và năm 2010 sẽ tiến tới 100% người được tuyển dụng thực hiện chế độ hợp đồng.

– Ngành giáo dục từng khủng hoảng thiếu giáo viên nên phải có giải pháp thu hút người. Nhiều người lo ngại chính sách mới này sẽ khó thu hút được lao động?

– Hiện, giáo viên tiểu học không thiếu, thậm chí còn thừa. Chúng ta thiếu giáo viên ở một số môn học đặc thù, nhất là giáo dục công dân, giáo dục thể chất, ngoại ngữ, tin học… Chủ trương tiến tới ký hợp đồng với giáo viên hoàn toàn là cơ hội để chúng ta có thể tiếp tục mời và ký hợp đồng với những người bên ngoài.

– Nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ giáo viên tồn tại cả diện trong biên chế (cũ)và hợp đồng (mới tuyển) sẽ khó tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Là người tham gia soạn thảo chiến lược này, ông nghĩ thế nào?

Năm 2007-2008, cả nước có hơn 170.000 giáo viên mầm non, gần 350.000 giáo viên Tiểu học, hơn 310.000 giáo viên THCS, hơn 130.000 giáo viên THPT, gần 15.000 giáo viên TCCN, gần 60.000 giảng viên ĐH…

– Trong giai đoạn giao thời, sẽ vẫn có giáo viên trong biên chế và ngoài biên chế. Chúng ta phải chấp nhận thực trạng này nhưng sẽ có giải pháp hỗ trợ để vẫn tạo thái độ làm việc đúng mức, cống hiến nhiều hơn nữa của đội ngũ giáo viên biên chế. Bộ sẽ giao cho Vụ Tổ chức cán bộ lo việc này.

Những người trong biên chế rất dễ cậy mình đã yên vị. Do vậy, chúng ta sẽ có chính sách đánh giá thực chất từng người. Sinh viên đánh giá giảng viên, học sinh đánh giá giáo viên và trao quyền trả lương cho hiệu trưởng. Việc trả lương này sẽ được thực hiện thí điểm vào năm 2009. Tôi tin chắc, bằng cơ chế hiệu trưởng trả lương cho từng giáo viên, người trong biên chế cũng phải thay đổi.

Từ năm 2010, giáo viên mới được tuyển sẽ ký hợp đồng lao động. Ảnh: Tiến Dũng.

– Viện Khoa học Giáo dục vừa khảo sát việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở các trường học và nhận thấy các trường sư phạm chậm đổi mới nhất. Ông có thể nói rõ hơn kết quả về vấn đề này?

– Hiện, việc đổi với giáo dục ở phổ thông rất mạnh nhưng chưa thực chất, nhiều chỗ vẫn chỉ là hình thức. Người ta vẫn nghĩ rằng đổi mới phương pháp dạy và học phải là giơ tay phát biểu, chia nhóm… Nhưng thực ra đó phải là tận dụng những phương pháp truyền thống tốt nhất và làm cách nào để giới trẻ làm việc nhiều nhất. Có thể các em không giơ tay nhưng lại hoạt động rất tích cực về trí não.

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát mang tính tình huống ở 10 trường sư phạm và nhiều trường đại học khác. Ở bậc học này, chủ yếu vẫn là thuyết trình. Trong khi thuyết trình nếu có mức độ thì tích cực nhưng lạm dụng thì sẽ mất tác dụng.

Hệ sư phạm những năm vừa qua làm chưa tốt, đào tạo người thầy chưa vững vàng kể cả kiến thức lẫn nghiệp vụ sư phạm. Trong đổi mới phương pháp giảng dạy, tồi tệ nhất là các trường sư phạm.

 

14 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo đến năm 2020
1. Thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi, duy trì kết quả xóa mù chữ và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, củng cố kết quả phổ cập trung học, và hỗ trợ phát triển giáo dục thường xuyên.
2. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa và các tài liệu dạy học.
3. Đổi mới đánh giá và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục.
4. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
5. Thu hút đội ngũ trí thức Việt kiều và nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
6. Đào tạo, bồi dưỡng học sinh, sinh viên tài năng.
7. Tăng cường chất lượng và hiệu quả giáo dục đạo đức trong nhà trường.
8. Xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động và đào tạo theo nhu cầu xã hội.
9. Xây dựng các trường đại học và các khoa đạt trình độ quốc tế.
10. Tăng cường năng lực giáo dục nghề nghiệp.
11. Hỗ trợ giáo dục miền núi, học sinh dân tộc thiểu số, vùng có nhiều khó khăn và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.
12. Tăng cường giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
13. Tăng cường cơ sở vật chất trường học.
14. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục.

Tiến Dũng (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)