Sự kiện giáo dụcTin tức

Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 4-12, tại TP.Đà Nẵng đã diễn ra chương trình họp cấp cao về “Dự án xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025” (EVAWC), dự án phối hợp của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Australia và Liên hợp quốc.

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc 

Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo các vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), đại diện Chính phủ Australia và đại diện các cơ quan Liên hợp quốc.

Theo báo cáo từ Ban tổ chức, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một thách thức đáng kể ở Việt Nam. Theo nghiên cứu quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam, cứ mỗi 3 phụ nữ thì có gần 2 người đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, kinh tế hoặc tâm lý, lạm dụng tình cảm và kiểm soát hành vi từ bạn tình của họ trong suốt cuộc đời. Vấn đề này còn nghiêm trọng hơn khi 90,4% phụ nữ không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà cung cấp dịch vụ hoặc chính quyền.

Khoảng 4,4% phụ nữ được khảo sát đã từng trải qua bạo lực tình dục trước 15 tuổi. Theo khảo sát năm 2020 về các chỉ số mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ, 72% trẻ em Việt Nam từ 3 đến 14 tuổi bị các thành viên trong gia đình kỷ luật bằng bạo lực. Và trong số hơn 2.000 trường hợp lạm dụng trẻ em được báo cáo chính thức hàng năm, trong đó 75% liên quan đến lạm dụng tình dục theo dữ liệu hành chính chính thức.

Để ứng phó, Chính phủ Việt Nam và Australia đã hợp tác với Quỹ dân số Liên hợp quốc, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ để thực hiện dự án chung “Dự án xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025”.

Ông Matthew Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc cho biết: “Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em  (VAWC) vẫn là một thách thức. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn của VAWC và thúc đẩy sự thay đổi lâu dài, cần có một cách tiếp cận toàn diện: cải thiện chính sách, tăng cường năng lực thể chế, tăng cường phối hợp đa ngành và trao quyền cho cộng đồng để bảo vệ phụ nữ và trẻ em”.

Bà Caroline Nyamayemombe, Trưởng Đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam, cho biết: “Dựa trên những thành công và kinh nghiệm đạt được, Liên hợp quốc nỗ lực mang đến một chương trình hỗ trợ toàn diện và tích hợp với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia để Đà Nẵng trở thành một thành phố an toàn và đáng sống dành cho phụ nữ và trẻ em được công nhận trên toàn cầu, nhằm xóa bỏ tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.

Về Dự án EVAWC giai đoạn 2021-2025, để ứng phó với vấn đề bạo lực, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện các chính sách và luật pháp như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật Trẻ em năm 2016, và Luật Bình đẳng giới năm 2006.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Tại TP.Đà Nẵng, một trong những thành phố được chọn thực hiện dự án, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết Dự án EVAWC triển khai từ năm 2021 đến nay đã mang nhiều ý nghĩa nhân văn và giá trị đối với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. “Chúng tôi cũng đã có nhiều dự án thực hiện cùng các cơ quan Liên hợp quốc với đối tượng tiếp nhận là phụ nữ và trẻ em như Dự án sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em; Dự án sáng kiến xây dựng Đà Nẵng thành Thành phố an toàn và phi bạo lực cho phụ nữ và trẻ em; chương trình Làm cha…”.

Tháng 4-2024, Đà Nẵng đã phê duyệt Quyết định số 851 về việc ban hành Quy chế phối hợp về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.Đà Nẵng và tổ chức trao đổi học tập cho Điện Biên để học hỏi kinh nghiệm của Đà Nẵng về phối hợp đa ngành về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Đà Nẵng đã xây dựng năng lực cho các bên liên quan thông qua ba khóa đào tạo về gói dịch vụ thiết yếu dành cho cán bộ chính quyền Đà Nẵng, mạng lưới tư vấn TP.Đà Nẵng, thành viên các địa chỉ đáng tin cậy và câu lạc bộ ủng hộ nam giới; các hoạt động truyền thông về phòng ngừa và ứng phó với quấy rối tình dục tại nơi công cộng tại Đà Nẵng.

Trong chuyến thăm lần này, đoàn công tác cấp cao còn có chuyến thăm thực tế tới Trung tâm Công tác xã hội TP.Đà Nẵng thảo luận về những nỗ lực ứng phó với bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ và tham quan các hoạt động của trung tâm, trao đổi với cán bộ Tổng đài 111, tìm hiểu về các hoạt động trị liệu cho trẻ em khuyết tật cũng như thăm thực tế quận Liên Chiểu, gặp gỡ những người được thụ hưởng để thảo luận về những nỗ lực cấp phường/xã nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em…

Vĩnh Yên

Bình luận (0)