Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xóa bỏ rào cản kỳ thị trong giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Những đứa trẻ nhiễm và nghi nhiễm HIV gặp rất nhiều khó khăn khi đến trường. Ảnh: H.Triều

Bộ GD-ĐT và UNESCO tại Việt Nam vừa tổ chức xây dựng kế hoạch hành động về phòng chống HIV/AIDS của ngành giáo dục (GD) giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 và vận động tài trợ xây dựng mô hình triển lãm GD sức khỏe sinh sản, giới và phòng chống HIV/AIDS cho thanh niên.
Thế nào để nhà giáo, cán bộ quản lý GD, nhân viên được trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng và phương pháp giảng dạy về GD phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với từng cấp học? Cha mẹ HS trong các cơ sở GD mầm non, tiểu học, THCS, THPT và phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) được nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi trang bị kiến thức và kỹ năng về phòng chống HIV/AIDS? Tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV/AIDS hoàn toàn được xóa bỏ trong các cơ sở GD?… Đây là những mục tiêu được đặt ra tại hội thảo lần này. 
Khoảng 1.400 trẻ sơ sinh nhiễm HIV mỗi năm
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay số trẻ em phát hiện nhiễm HIV là 4.205 em, trong đó có 2.153 em đang được điều trị ARV. Với tỷ lệ nhiễm 0,25% trong số 1,5 triệu bà mẹ sinh con mỗi năm, VN sẽ có khoảng 4.000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV/năm. Nếu không được can thiệp, với tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con là 35% thì trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 1.400 trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV từ mẹ. Nếu được can thiệp, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con sẽ giảm xuống còn khoảng 5-10%.
Đại diện Sở GD-ĐT Quảng Ninh cho biết, toàn tỉnh có 7.272 người bị nhiễm HIV đã xác định được địa chỉ. Trong số này có 3.495 người được điều trị kháng thuốc virus, số này có 129 trẻ em. Tuy nhiên, cho tới nay con số chính xác về số trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV ở VN vẫn chưa được thống kê đầy đủ, nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn trong việc xác định con của những người bị nhiễm HIV, do thiếu cơ sở xét nghiệm HIV đặc biệt cho trẻ em, và hệ thống giám sát phát hiện chưa đầy đủ. Các khảo sát cho thấy sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS vẫn còn thấp trong thanh thiếu niên, HS, SV và dân cư vùng kinh tế kém phát triển, đặc biệt những người dễ bị tổn thương, điều đó góp phần cho hành vi tiêu cực làm gia tăng sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư, hiện tượng kỳ thị và phân biệt đối xử trong cộng đồng, dẫn tới sự hạn chế tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. 
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó không thể không kể đến công tác truyền thông GD về phòng, chống HIV/AIDS trong hệ thống GD quốc dân còn hình thức, chưa mới, không hấp dẫn đối với HS, SV nên không thu hút được sự tham gia của các em. Công tác tư vấn, hỗ trợ HS, SV trong GD, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên còn rất thiếu. Các dịch vụ y tế thân thiện và an toàn cho HS, SV còn thiếu. Một số ban chỉ đạo của các sở GD-ĐT và các cơ sở đào tạo làm việc chưa tích cực và chưa hiệu quả. Cán bộ, giáo viên phụ trách phòng, chống HIV/AIDS còn kiêm nhiệm nên rất thiếu thời gian đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, chất lượng công việc chưa cao. Năng lực của cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS không đồng đều, nhiều cán bộ còn thiếu kinh nghiệm, một số lãnh đạo đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.  Chưa có chế độ kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong các trường học và thực tế là kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về phòng, chống HIV/AIDS…
Phòng chống HIV trong trường: Không thể chậm trễ
Trong kế hoạch hành động phòng chống HIV/AIDS của ngành GD giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030, Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 100% người học trong các cơ sở giáo dục được trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng chống HIV/AIDS phù hợp với từng cấp học. Trong đó, bộ cũng đưa ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn 2015, 2020. HS, SV là đối tượng đang trong quá trình cần được quan tâm, chăm sóc, bảo vệ và phát triển về thể chất và tinh thần, ham tìm tòi, khám phá cái mới và thích thể hiện mình. Để các em phát triển toàn diện về thể chất và hình thành nhân cách, GD phòng, chống HIV/AIDS là một trong các nội dung góp phần xây dựng đạo đức, lối sống cho các em. Trong những năm vừa qua, công tác phòng, chống tác động của đại dịch HIV/AIDS trong nhà trường cũng đã được quan tâm. Hệ thống các ban chỉ đạo được kiện toàn từ cấp bộ cho tới từng trường học, làm việc nề nếp, tích cực, có trách nhiệm, chủ động triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng các hoạt động cụ thể. Nội dung phòng, chống HIV/AIDS chính thức được đưa vào giảng dạy lồng ghép trong các môn học: Tự nhiên – xã hội (GD tiểu học), sinh học, GD công dân, ngữ văn, địa lý và GD ngoài giờ lên lớp (GD trung học). Ngoài ra, nội dung phòng, chống HIV/AIDS được quy định trong nội dung của tuần sinh hoạt công dân đầu khóa đối với HS, SV ở các trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp và  được đưa vào các học phần như: Dân số, môi trường, HIV và ma túy (học phần tự chọn) trong các trường CĐ sư phạm. Do thời lượng hạn chế, chương trình GD chỉ chuyển tải được những kiến thức cơ bản nhất về phòng, chống HIV/AIDS.
Tuy nhiên, trước dự báo dịch còn diễn biến phức tạp, đặc biệt khi Việt Nam ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đầu tư phòng, chống HIV/AIDS cho quốc gia sẽ có cơ hội gia tăng, tuy nhiên các nguồn đầu tư hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS sẽ giảm nhanh là thách thức không nhỏ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)