Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xóa đào tạo trung cấp trong trường đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều trường ĐH, nhất là trường mới nâng cấp mong muốn giữ lại một số ngành là thế mạnh của trường mà xã hội đang có nhu cầu…

Từ nay trở đi, các trường ĐH không được đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp. Chủ trương này đúng đắn nhưng để thực hiện cần có lộ trình.
Giảm rồi mới bỏ
Từ nay, chủ trương các trường ĐH không được phép đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp sẽ là cơ sở để các trường tập trung làm đúng chuyên môn, đào tạo đúng “hệ” của mình. Song, sự bị động là khó tránh khỏi đối với không ít trường ĐH, nhất là các đơn vị mới nâng cấp lên ĐH nếu cắt hẳn chỉ tiêu đào tạo trung cấp ngay trong năm nay.
PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn (Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) phân tích, đối với những trường ĐH mới nâng cấp, việc ngưng đào tạo đột ngột hệ trung cấp sẽ nảy sinh hai vấn đề: thiếu việc làm cho giáo viên và không đủ người học do số đăng ký ở hệ ĐH chưa nhiều. Đơn cử tại trường, hằng năm chỉ tiêu trung cấp đã chiếm đến 800 trong tổng số 1.500, việc bù lấp con số này khi xóa hệ trung cấp là điều không dễ. PGS.TS Đặng Vũ Ngoạn (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cũng đồng quan điểm, nếu chấm dứt đào tạo trung cấp, giải quyết việc làm cho 100 giáo viên trình độ CĐ đang đảm nhiệm dạy các lớp trung cấp ở trường hiện nay không đơn giản. Hiện tại trường, số lượng trung cấp chiếm khoảng 30% tổng chỉ tiêu mỗi năm. Cũng theo PGS.TS Ngoạn, khi người học đổ dồn vào các trường trung cấp sẽ gây áp lực lớn cho chính các đơn vị này đối với vấn đề đảm bảo cơ sở vật chất. Bởi trong một thời gian gấp rút, các trường sẽ gặp khó khăn trong đầu tư đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. PGS.TS Ngoạn cho rằng, thời gian chuẩn bị là cần thiết đối với cả hai phía các trường ĐH lẫn trung cấp chuyên nghiệp, không thể nào “đạp thắng ngay” như lái xe được. Hầu hết các trường cũng cho rằng, chủ trương đúng đắn nhưng cần có lộ trình 2-3 năm để thực hiện.
Giữ những ngành đặc thù
Cụ thể theo các trường, chỉ tiêu trung cấp trong các năm tới sẽ giảm dần xuống 80%; 50% rồi tiến đến bỏ hẳn. Đồng thời, nhiều đơn vị đang xin Bộ GD-ĐT giữ lại những ngành vốn là thế mạnh đào tạo, đang thu hút đông học viên. Tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, PGS.TS Tuấn thống kê, chỉ tính riêng ở trình độ trung cấp, nhu cầu nhân lực ngành trắc địa mỗi năm lên đến vài trăm. Tương tự, ngành khí tượng thủy văn cũng chiếm rất đông. Đây là những ngành đào tạo bấy lâu là thế mạnh của trường, công tác chuẩn bị sẽ mất khá lâu đối với những nơi khác nếu cũng muốn tổ chức đào tạo. Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, các ngành thực phẩm, hóa, công nghệ thông tin, điện – điện tử, may – giày da… là thế mạnh nên muốn tiếp tục được đào tạo thêm vài năm nữa. PGS.TS Ngoạn nêu hướng giải quyết, khi xóa hệ trung cấp, số 100 giáo viên đảm nhiệm dạy bậc này sẽ được đào tạo nâng cao trình độ để tiếp tục giảng dạy. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ không thể đưa tất cả số giáo viên trên đi học cùng một lúc được, do đó rất cần thời gian.
Trao đổi với Giáo Dục TP.HCM, ông Nguyễn Văn Áng (Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ GD-ĐT) cho rằng,lộ trình 2-3 năm là không cần thiết bởi trên thực tế các trường khi làm đề án nâng cấp lên ĐH đã cam kết phải từng bước thu hẹp quy mô cấp đào tạo thấp. Phần lớn các trường đang đào tạo hiện nay đã được nâng cấp lên ĐH lâu năm rồi nhưng gần như “lờ” đi việc thu hẹp quy mô đào tạo trình độ trung cấp. “Lộ trình 2-3 năm là không cần thiết, thực ra chỉ cần không giao chỉ tiêu một năm thôi, năm tới các trường đào tạo tiếp các khóa mới vào là hết, vì thời gian đào tạo hệ trung cấp chỉ kéo dài 2 năm”. Ông Áng khẳng định: “Có kéo giãn thêm một vài năm nữa cũng không giải quyết được gì. Thực sự nếu các trường trung cấp đầu tư một hệ thống cơ sở vật chất tốt (có thể sẽ có thêm một trường trung cấp nữa cùng đào tạo, thành một pháp nhân độc lập), sẽ tạo được sự minh bạch giữa các trường ĐH và trung cấp. Khi đó, khối các trường ĐH cũng có điều kiện tập trung vào nhiệm vụ chính là đào tạo bậc ĐH và CĐ. Khi làm Luật Giáo dục từ năm 2005, các nhà làm luật cũng đã cân nhắc chính sách này, nhưng thời gian qua, các trường đã không thực hiện nghiêm quy định. Đã đến lúc phải thực hiện nghiêm chỉnh”.
Liên quan đến vấn đề giải quyết việc làm cho giáo viên dạy trung cấp tại các trường ĐH, ông Áng cho rằng, có rất nhiều phương án, chẳng hạn chuyển lượng giáo viên này về các trường trung cấp giảng dạy. Chất lượng đội ngũ giáo viên các trường trung cấp hiện nay còn yếu, việc tiếp nhận đội ngũ giảng viên từ các ĐH về là một hướng tốt cho chính các đơn vị.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Theo thống kê, chỉ 40% quy mô đào tạo hệ trung cấp được tổ chức tại các đơn vị này, trong khi đến 60% lại nằm trong chương trình của các trường ĐH – CĐ nên gây khó khăn cho tuyển sinh của chính các trường trung cấp. Ngoài khía cạnh thực hiện nghiêm luật, nếu các trường ĐH còn tranh “thị phần” đào tạo trung cấp, sẽ gây khó cho các trường trung cấp trong vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cũng như phát triển đội ngũ. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)