Rất nhiều SV Việt Nam đạo văn mà không hề biết đây là sai phạm. Ảnh chụp SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng tra cứu tài liệu tại thư viện
|
Nếu sử dụng nội dung của người khác mà không dẫn nguồn là đạo văn thì việc học thuộc và sao chép… văn mẫu của thầy cô giáo (được sự cho phép) khi đi thi, thậm chí đi thi HS giỏi có phải “đạo” không? Thắc mắc của một sinh viên (SV) tiêu biểu thuộc Trường ĐH Hoa Sen khiến nhiều người bất ngờ.
Từ “đọc – chép” đến… đạo văn!
Bà Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen) cho biết, tọa đàm về vấn đề đạo văn được nhà trường tổ chức cho những SV tiêu biểu, giỏi, được tuyên dương khen thưởng nhiều lần của trường. Thế nhưng đa số SV không hiểu thế nào là đạo văn. Do đó, các em sao chép mà không hề biết mình đang sai phạm, thậm chí có em không hiểu “đạo” có nghĩa là gì.
Bà Phượng còn cho biết, một SV tiêu biểu được cử đi Phần Lan trong chương trình trao đổi SV với một trường đối tác. Em này đã “dính” ngay điểm 1 đầu tiên trong đời vì lấy tài liệu trên mạng cho bài làm mà không trích dẫn nguồn. Ở Phần Lan lỗi này thậm chí bị điểm 0 và kỷ luật rất nặng.
Ở nước ta, vấn đề đạo văn trong SV đã được đề cập rất nhiều, nhưng những giải pháp vẫn chưa thực sự đủ mạnh để cải thiện tình thế. Ông Nguyễn Hoàng Thiện (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) lý giải, chuyện đạo văn có thể xuất phát từ việc SV ngại đi tìm cái mới, nét riêng. “Chính tâm lý sợ… mạo hiểm, thất bại, sợ không đậu tốt nghiệp đã dẫn đến việc SV sao chép kiến thức của người khác gần như nguyên vẹn” – ông Thiện khẳng định. Ngoài ra, cách dạy “đọc – chép” tồn tại trong nền giáo dục suốt thời gian qua cũng là một hình thức hướng dẫn đạo văn… vô tình.
Việc thực hiện công trình trong thời gian quá ngắn, lại yếu kém trong kỹ năng quản lý thời gian cũng là một trong những nguyên nhân khiến người học “đạo cho chắc”.
Phân tích khác cũng cho thấy, chuyện đạo văn còn được “thổi bùng” từ sự thiếu trách nhiệm và nhiệt tâm của người dạy. Tại các trường ĐH trong nước, SV được yêu cầu làm những bài tập quá chung chung, các em chủ yếu có tư tưởng dựa vào việc tìm kiếm tài liệu chứ ít tự thân suy nghĩ. Một số bài tập chỉ đơn thuần kiểm tra đúng, sai mà không đề cao ý tưởng cá nhân. Trong khi đó, không ít giảng viên xem nhẹ hoặc thiếu quan tâm đến việc SV đạo văn. Đối với bài tiểu luận, thậm chí một số công trình có tính học thuật cao như khóa luận tốt nghiệp, có giảng viên chỉ nhìn tên bài, bố cục, lướt sơ vài trang rồi cho điểm. Giảng viên thiếu hẳn sự quan tâm xem đây có phải là công trình nghiêm túc, có vi phạm đạo đức học thuật hay không.
Đáng nói nhất, chính bản thân nơi đào tạo chưa xem trọng vấn đề giáo dục đạo đức học thuật và chưa có biện pháp xử lý thích đáng cho hành vi này. “Sự mơ hồ và thiếu chặt chẽ sẽ gây khó cho những SV nhiệt tâm và là môi trường tốt cho những em không trọng đạo đức học thuật” – đại diện một trường nhấn mạnh.
Khẳng định năng lực “chính chủ”
Trường ĐH Hoa Sen là một trong những đơn vị hiếm hoi ở nước ta vừa thành lập Câu lạc bộ FACE (vì một nền giáo dục trong sạch), đồng thời triển khai đề án “Phòng tránh đạo văn” trong năm qua nhằm tăng cường nhận thức chung cho toàn thể giảng viên, SV về đạo đức học thuật, không chung tay với đạo văn. Trên thực tế, website của các trường ĐH, CĐ ở nước ta hầu như vắng bóng những mục về đạo đức học thuật như vấn đề đạo văn, hướng dẫn SV chống đạo văn… Trong khi đó, hầu hết các trường ĐH ở các nước phát triển đều quan tâm đến vấn đề này. SV châu Âu chỉ cần được nhắc nhở và đưa ra những quy tắc trích dẫn một lần vào lúc nhập môn nhưng đối với SV Việt Nam, khâu này cần được thực hiện liên tục. Bởi SV nước ta hầu như không nhận thấy tác hại của đạo văn, mặc dù những hành vi này về lâu dài làm giảm khả năng tìm tòi, suy luận, “ăn mòn” sự sáng tạo, tự tin của người học. Ngay cả khi kiến thức đã được vay mượn cũng dễ dàng bị trôi tuột nếu thiếu nghiền ngẫm, tìm tòi.
Ông Nguyễn Hoàng Thiện nhấn mạnh, đạo văn nếu nhìn rộng ra còn ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường, đất nước. Giảng viên có vai trò rất lớn trong việc định hướng, nâng cao ý thức của các em. Nhà trường cũng cần chú trọng đến việc cung cấp những dịch vụ hỗ trợ như website công khai những công trình SV và mọi phản hồi liên quan. Và nhà tuyển dụng cũng hướng đến việc đề cao năng lực thực sự lẫn đạo đức của ứng viên thay vì chuộng bằng đỏ, điểm đẹp. Điều này chắc hẳn sẽ góp phần loại bỏ tư tưởng học vì điểm số trong SV, bất chấp hành vi vi phạm đạo đức học thuật.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Theo ông Nguyễn Hoàng Thiện (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), nhiều giảng viên ĐH than rằng ngày nay chấm luận văn tốt nghiệp của SV rất chán vì đều sao chép nhau. Do vậy, bây giờ người ta gọi thời điểm làm luận văn tốt nghiệp là… “mùa copy”, “chép – dán”… |
Bình luận (0)