Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Xoá độc quyền sách giáo khoa: Không cần sửa luật!

Tạp Chí Giáo Dục

"Tính khả thi của giải pháp viết nhiều bộ SGK cho một chương trình cần xem xét ở khâu tổ chức thực hiện việc biên soạn SGK chứ không phải ở khâu ban hành luật. Luật Giáo dục hiện hành quy định theo hướng mở nên hoàn toàn không cản trở việc quyết định biên soạn một hay nhiều bộ SGK với một chương trình học".

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trần Thị Tâm Đan trao đổi về chủ trương sửa Luật Giáo dục để ở bậc học phổ thông, sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân biên soạn. 
HS Trường THCS Mường Khương (Lào Cai) trong giờ học. Ảnh: Lê Anh Dũng
 Mấu chốt nhất vẫn là tổ chức chỉ đạo thực hiện
– Thưa bà, hiện Bộ GD-ĐT đang có dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (GD), trong đó dự kiến sửa đổi hướng làm sách sẽ từ “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (SGK)”. Bà có nhận xét gì về điều chỉnh này?
Trước đây, đã có thời gian Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn hai bộ SGK cấp trung học phổ thông (THPT) nhưng rồi không thu được kết quả như mong muốn.
Do đó, nên nghiên cứu kỹ hơn những nguyên nhân thành công cũng như chưa thành công trong tổ chức biên soạn SGK trước đây cũng như hiện nay để tìm ra hướng khắc phục từ thực tiễn thì mới mong giải quyết vấn đề tốt được.
Bà Trần Thị Tâm Đan: "Nên nghiên cứu hiệu quả trong tổ chức biên soạn 2 bộ SGK trước đây để có hướng khắc phục…"  (Ảnh: K.O)
Bà có đồng ý với nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện “một chương trình nhiều bộ SGK” không chỉ cần đội ngũ người viết am hiểu thực tế từng vùng miền, có kỹ năng sư phạm… mà phải có một “nhạc trưởng” đủ tâm, tầm để triển khai?
Theo tôi, vấn đề mấu chốt nhất vẫn là tổ chức chỉ đạo thực hiện sao cho chọn được những tác giả phù hợp để viết SGK phổ thông.
Người viết SGK phổ thông không những cần có kiến thức chuyên môn mà còn phải có kỹ năng sư phạm, am hiểu tâm sinh lý học sinh, có phương pháp trình bày phù hợp, nắm vững yêu cầu của chương trình phổ thông cũng như tình hình thực tế của nhà trường.
Mặt khác, về cơ chế, chính sách, quy trình trong thẩm định sách, phê duyệt và lựa chọn sách để sử dụng trong nhà trường hoàn toàn không đơn giản mà đòi hỏi một sự chỉ đạo đồng bộ của người “tổng chỉ huy”.
Ở một số nước, SGK do nhiều tác giả viết và tự chịu trách nhiệm về sách của mình. Bộ GD chỉ quản lý chương trình và tổ chức lựa chọn sách đưa vào sử dụng.
Còn chọn bộ sách nào dùng cho nhà trường là do giáo viên quyết.
Kinh nghiệm của các nước có thể tham khảo nhưng quyết định vẫn phải căn cứ thực tiễn Việt Nam.
Vì vậy, muốn xem giải pháp “một chương trình nhiều bộ sách” có khả thi hay không thì phải xem phương án tổ chức chỉ đạo thực hiện cùng với cơ chế chính sách cụ thể thì mới có thể nhận xét được.   
-Có ý kiến cho rằng, nên có nhiều bộ SGK theo cách viết cho từng đối tượng học sinh, ở các vùng khác nhau. Vì có những khái niệm đúng với thành thị, nhưng lại xa lạ với vùng núi, vùng sâu, vùng xa… Quan điểm của bà về vấn đề này? 
Hiện nay, chúng ta có một bộ SGK dùng cho cả nước và có văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong việc sử dụng cho phù hợp với các đối tượng học sinh.
Việc viết SGK riêng cho những đối tượng cụ thể chỉ nên áp dụng với những trường chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật, học sinh thiểu năng trí tuệ…
Ở các vùng, miền khác nhau về điều kiện kinh tế, xã hội, hoàn toàn có thể sử dụng SGK chung trong cả nước.
Để đảm bảo chất lượng học sinh cần tăng cường các điều kiện như: giáo viên, nâng cấp trường sở, cung cấp SGK, trang thiết bị dạy học và sự linh hoạt trong quá trình tổ chức dạy và học cho phù hợp với học sinh.
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải giải quyết đồng bộ các điều kiện để nhà trường có đủ khả năng thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông dù ở vùng, miền nào. Điều đó sẽ góp phần tích cực trong việc giải quyết công bằng trong giáo dục.
– Có nghĩa, theo ý kiến của bà thì “một chương trình nhiều bộ sách” không cần quy định trong Luật GD?
Giải quyết vấn đề này cần trở lại nguyên tắc xây dựng pháp luật.
Nghĩa là chỉ nên quy định trong luật những nội dung đã rõ ràng được kiểm nghiệm qua thực tiễn.
Đối với những vấn đề đặt ra nhưng chưa qua kiểm nghiệm thực tế, chưa có kinh nghiệm xử lý thì nên quy định ở văn bản dưới luật sẽ tiện hơn là quy định trong luật.
Biên soạn nhiều bộ SGK là việc không đơn giản. Từ cơ chế, chính sách đến công tác quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT trong lĩnh vực này cũng cần xác định cụ thể và rõ ràng.
Bởi không phải giải quyết vấn đề chuyên môn nghiệp vụ nào cũng phải quy định trong luật.
Mặt khác, việc tổ chức biên soạn một hay nhiều bộ SGK cho một chương trình, hiện nay Chính phủ hoàn toàn có thể căn cứ vào tình hình thực tiễn để quyết định trong một văn bản dưới luật.
– Cảm ơn bà! 
Kiều Oanh (Vietnamnet)

Nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học Nguyễn Kế Hào: "Thống nhất không có nghĩa là "duy nhất"
Theo Luật Giáo dục 2005, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT duyệt SGK để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
Để thực hiện nhiều bộ SGK, chính phủ chỉ cần xử lý bằng một nghị định. Nghị định nói rõ thế nào là thống nhất.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)