Tại một số vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa nước ta, nhiều người dân đã thoát khỏi đói nghèo, trở thành khá, đặc biệt vươn lên thành giàu có nhờ nuôi trồng dược liệu.
Ảnh minh họa. |
Đất nước ta với truyền thống sản xuất nông nghiệp và đến nay một minh chứng cho thành quả nền nông nghiệp là chúng ta đã trở thành đất nước đứng thứ nhất, nhì thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu và điều… Nhưng hiện nay trên ¾ đất đai của chúng ta là rừng núi, và ở những vùng rừng núi này theo nghiên cứu chúng ta có khoảng 14 600 loài thực vật; 275 loài thú có vú, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng thể, 2.400 loài cá, 5.000 loài sâu bọ. Việt Nam đã giữ gìn và bảo tồn một số vườn quốc gia đa dạng sinh học quý hiếm như Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn (khu vực núi Phan-xi-păng, Lào Cai), Vườn quốc gia Cát Bà (Quảng Ninh), vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), vườn quốc gia Pù-mát (Quảng Bình), vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), vườn quốc gia Côn Đảo (đảo Côn Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu), vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai)…
UNESCO cũng đã công nhận 8 khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam là khu dự trữ sinh quyển thế giới như Cần Giờ, Cát Tiên, Cát Bà, Châu thổ sông Hồng, Cù Lao Chàm, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau…và điều đáng quan tâm đặc biệt là phần lớn cư dân đang sống tại vùng rừng núi còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội và hội nhập văn hoá. Có nơi còn nghèo đói, bệnh tật và có nguy cơ khó phát triển gióng nòi.
Tuy nhiên, tại một số vùng nông thôn, vùng núi sâu, vùng xa nhiều người dân đã thoát khỏi đói nghèo, trở thành khá, đặc biệt vươn lên thành giàu có nhờ nuôi trồng dược liệu. Như Hà Giang, Cao Bằng phát triển cây Thảo quả, Chè dây, Hà thủ ô. Thái Bình với cây Hoa hoè, Hưng Yên với cây Kinh giới, Cúc hoa. Thanh Hoá với cây Quế. Hà Tĩnh với nuôi Hươu lấy nhung, Quảng Nam, Kontum với cây sâm Ngọc Linh, Phú Yên với cây Diệp hạ châu. Đà Lạt, Tam đảo với Actiso… Thậm chí ở thành phố rất nhiều người khá lên nhờ bán lá dược liệu để làm nồi nước xông…
Hiện nay, thế giới đang đối mặt với bệnh không lây nhiễm và nâng cao chất lượng cuộc sống. Giải quyết vấn đề này, chúng ta có nhiều bằng chứng chứng minh rằng thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và thực phẩm chức năng từ dược liệu là một trong những thế mạnh để chúng ta quan tâm đến. Để đáp ứng được nhu cầu này, chắc chắn mọi người đều muốn có dược liệu sạch, rõ nguồn gốc, chất lượng bảo đảm, giá cả phù hợp, dịch vụ cung cấp thuận lợi và số lượng dược liệu có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng…
Để thỏa mãn các nhu cầu trên, rất có nhiều giải pháp. Một giải pháp lâu dài và chắc chắn là chúng ta phải nuôi trồng dược liệu theo mô hình GAP và việc nuôi trồng dược liệu không để tự cung tự cấp dựa vào thiên nhiên là chủ yếu như hiện nay mà hoạt động nuôi trồng dược liệu cần được hướng dẫn, trợ giúp và quản lý. Quản lý của Nhà nước về dược liệu có nhiều nội dung, một trong những nội dung là quy hoạch xây dựng vùng trồng dược liệu để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho vùng được quy hoạch. Cơ sở hạ tầng về cấp thoát nước, Vấn đề cung cấp giống, quy trình canh tác, phòng ngừa sâu bệnh, về sử dụng xe cơ giới để gieo trồng, vận chuyển; kho đạt tiêu chuẩn để bảo quản, cất giữ giống, sản phẩm thu hoạch; phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, phát triển dược liệu cho vùng quy hoạch…Tất cả các nội dung này sẽ được bảo đảm nếu chúng ta quy hoạch phù hợp và đầu tư theo cách hiệu quả. Thì chúng ta đã quản lý được một phần rất cơ bản về chất lượng dược liệu.
Để thực hiện các nội dung trên chúng ta cần tập hợp các nhu cầu về dược liệu của các Công ty dược, các Bệnh viện, Viện nghiên cứu và nhân dân cũng như các bạn bè quốc tế để có dự báo về quy hoạch.
Hội thảo “ Ứng dụng công nghệ trong phát triển và chiết xuất dược liệu sạch tại Việt Nam “ do Báo Tiền Phong kết hợp công ty cổ phần truyền thông Bách An tổ chức tới đây vào ngày 20/12/2012 có sự tham gia của các lãnh đạo cơ quan chuyên nghành: Bộ y tế, cục quản lý dược, các chuyên gia, giáo sư, bác sĩ đầu nghành trong công tác giảng dạy và nghiên cứu dược phẩm. Các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất dược phẩm uy tín hàng đầu tại Việt Nam như Traphaco, Nam Dược, Eco,… là cơ hôi giao lưu để doanh nghiệp và ban nghành cùng nhìn lại chặng đường thực hiện đề án “Phát triển công nghiệp dược và xây dựng mô hình hệ thống cung ứng thuốc của Việt Nam giai đoạn 2007 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020” của Chính phủ, khi đã xác định: xây dựng cơ sở chiết xuất hoạt chất tinh khiết từ dược liệu để đảm bảo 20% nhu cầu hoạt chất cho sản xuất thuốc vào năm 2015 và 30% vào năm 2020.
TS. Đậu Xuân Cảnh (TPO)
Bình luận (0)