Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xóa hơn 20.000 căn nhà ở các xóm nước đen Sài Gòn

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM thực hiện chương trình di dời hơn 20.000 căn nhà nằm trên và ven kênh rạch nhằm chỉnh trang và phát triển đô thị thành phố từ nay đến 2020.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, phần lớn trong số hơn 20.000 căn nhà này tập trung tại quận 4, 7, 8, và Bình Thạnh… với hàng chục ngàn hộ dân nhiều năm qua sinh sống trong cảnh xập xệ, không đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.

Dọc theo các dòng kênh Đôi, kênh Tẻ (Q.4, Q.8), hàng ngàn căn nhà chỉ che chắn tạm bợ bằng vật liệu như tôn, ván gỗ tồn tại từ hàng chục năm qua nên hầu hết đều đã xuống cấp trầm trọng. Sống trong các “xóm nước đen” này chủ yếu là người dân lao động nghèo, làm đủ thứ nghề để kiếm sống, từ buôn thúng bán bưng, làm thuê, bốc vác, bán vé số, nhặt ve chai…

Hầu hết nhà trên và ven kênh rạch ở Q.4, Q.8 (TP.HCM) đều tạm bợ	 /// Ảnh: Thiên Bảo
Hầu hết nhà trên và ven kênh rạch ở Q.4, Q.8 (TP.HCM) đều tạm bợ – Ảnh: Thiên Bảo

Cũng vì hoàn cảnh sống của các gia đình quá khó khăn nên hầu hết các căn nhà trên và ven kênh rạch không có nhà vệ sinh; nguồn thải đều dồn hết xuống kênh rạch qua chiếc “cầu tõm” tạm bợ. Mặc dù chính quyền địa phương có vận động làm nhà vệ sinh tự hoại nhưng chi phí cho việc thực hiện khoảng 5 – 6 triệu đồng nên không ai dám làm.
Điều chỉnh quy hoạch
 
 
 
Quan điểm của thành phố là đảm bảo bố trí tái định cư cho tất cả các hộ dân, không để gia đình nào phải ra đường để ở

 
 
Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM
 

Ngày 16.11, ông Lê Quỳnh Đài, Phó chủ tịch thường trực UBND Q.8, cho biết qua thống kê chưa đầy đủ, riêng trên địa bàn Q.8 đã có hơn 1.000 hộ không có nhà vệ sinh mà phải dùng “cầu tõm”. Theo ông Đài, đa số nhà trên và ven kênh rạch đều thiếu tiện nghi cơ bản: một số hộ thiếu đồng hồ điện riêng, thiếu nhà vệ sinh, nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống kênh rạch làm mức độ ô nhiễm ngày càng tăng, gây ngập úng.

Ông Đài cho biết thêm, trước đây tổng số nhà trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn Q.8 có khoảng 12.369 căn. Trong thời gian qua, quận đã tổ chức di dời, giải tỏa dân để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (P.9, P.10, P.11); đến nay còn khoảng 9.503 căn.
Đa phần người dân “sở hữu” những căn nhà này sinh sống bằng làm thuê, làm mướn nên đời sống rất khó khăn. “Chúng tôi đang tiếp tục khảo sát, điều tra xã hội học nhằm nắm kỹ về hiện trạng, tâm tư nguyện vọng của bà con để thực hiện việc di dời, tái định cư có kết quả tốt hơn”, ông Đài nói.
Theo một lãnh đạo Sở QH-KT, Sở đang phối hợp UBND Q.8 và các sở, ngành liên quan điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 cho khu vực rộng hơn 75 ha, quy mô dân số gần 20.000 người. Chiều cao công trình dọc hai bên kênh Đôi từ 20 – 25 tầng, mật độ xây dựng 30 – 50%, phần còn lại là đất cây xanh, sân bãi và giao thông để phục vụ công tác di dời nhà trên và ven kênh rạch.
“Không để gia đình nào phải ra đường ở”
Theo Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa, nhà tạm bợ nằm trên và ven kênh rạch là “một tồn tại của lịch sử phát triển đô thị trên địa bàn TP mấy chục năm qua”. Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, TP tập trung nguồn lực chỉnh trang. Ông Khoa cho biết, hiện có một số nhà đầu tư có mong muốn tham gia thực hiện dự án di dời nhà ở trên và ven kênh rạch. Riêng tại địa bàn Q.8, một doanh nghiệp có ý định đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng để thực hiện đại dự án này. Tuy nhiên, để di dời, giải tỏa hết hơn 20.000 căn, nguồn kinh phí sẽ còn lớn hơn con số 12.000 tỉ đồng.
Ông Khoa cho biết thêm, để đảm bảo tính khả thi, TP huy động các sở ngành liên quan khẩn trương phối hợp các quận, huyện để thực hiện. TP cũng đang tính đến nhiều phương án, giải pháp cụ thể.
Theo đó, xây dựng cơ chế tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút nguồn viện trợ quốc tế, sử dụng nguồn vốn ODA đối với các dự án thuộc chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị; rà soát những quỹ đất hiện có, nguồn nhà, đất dôi dư từ chương trình di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm… nhằm thực hiện phương án hoán đổi hoặc bán đấu giá, tạo nguồn vốn thực hiện chương trình; chuyển đổi một phần nhà tái định cư thuộc sở hữu nhà nước sang nhà ở xã hội, dùng quỹ nhà xã hội này để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các hộ nghèo hoặc có thu nhập thấp không đủ điều kiện tái định cư nhưng không còn nơi ở nào khác, nhằm giảm bớt áp lực về vốn ngân sách bồi thường cho các hộ dân phải di dời…
“Quan điểm của thành phố là đảm bảo bố trí tái định cư cho tất cả các hộ dân, không để gia đình nào phải ra đường để ở”, ông Khoa khẳng định.
Xây dựng cơ chế ưu đãi
Theo ông Lê Văn Khoa, TP đang xem xét cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư khi tham gia thực hiện dự án di dời nhà ở trên và ven kênh rạch. Thứ nhất là tăng hệ số sử dụng đất đối với các khu đất cách nhà ga metro trong bán kính 400 m trở xuống; các khu đất có bến thủy nội địa được Sở GTVT chấp thuận vị trí và quy mô…
Thứ hai, để ưu tiên phát triển công trình cao tầng với mật độ xây dựng thấp, hạn chế xây tầng hầm, gia tăng hiệu quả chống ngập và giảm chi phí xây dựng cho nhà đầu tư, các công trình có tầng để xe trên cao và không xây tầng hầm thì diện tích tầng để xe trên cao không tính vào hệ số sử dụng đất.
Thứ ba, hoán đổi quỹ nhà ở xã hội từ tiền sử dụng đất của dự án nhà ở thương mại; phát triển quỹ nhà ở xã hội từ các nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách và ngoài ngân sách. Thứ tư, xây dựng chính sách ưu đãi hỗ trợ di dời, giá bán nhà cho người dân tái định cư xa nơi ở ban đầu phục vụ mục tiêu giãn dân ra ngoại thành…

Tân Phú – Đình Sơn (TNO)

 

Bình luận (0)