Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai trò chuyện với các phụ huynh tại Trường THCS Lê Quí Đôn |
Làm thế nào xóa bỏ khoảng cách giữa cha mẹ và con cái là điều trăn trở của nhiều ông bố, bà mẹ có con trong độ tuổi dậy thì. Không ít ông bố, bà mẹ không hiểu tại sao dạo này con mình lại hay cãi lại bố mẹ và thường xuyên nói dối. Vậy làm sao để con nói ra những điều bố mẹ muốn biết?
1. Tại Trường THCS Bàn Cờ, Q.3, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai đưa ra tình huống 1. Cô giáo gọi điện đến nhà thông báo với phụ huynh là hôm nay học sinh Lan nghỉ hai tiết văn. Tan học, người mẹ tới trường đón con. Vừa về đến nhà, mẹ hỏi: “Hôm nay học văn có vui không con?”, Lan trả lời mẹ: “Dạ, cũng bình thường ạ”. Người mẹ tức giận, quát: “Tại sao con bỏ hai tiết văn. Cô giáo đã gọi điện báo cho mẹ biết”. Lan không giải thích mà xin phép mẹ về phòng và đóng cửa lại. “Nếu các anh, các chị ở vào tình huống này thì sẽ giải quyết như thế nào?”, bà Mai hỏi.
Hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng phải rầy la, thậm chí đánh con vì tội “nói dối”. Tuy nhiên, bà Mai cho rằng: “Người mẹ cần phải kiên nhẫn, bình tĩnh tìm hiểu sự thật, tuyệt đối không nên quy chụp. Làm như vậy, vô tình người mẹ đã đẩy con ra xa mình, làm giảm mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ và con cái. Trở lại tình huống 1, khi rước Lan về nhà, người mẹ có thể vờ như không biết chuyện gì. Buổi tối sau khi ăn cơm xong, mẹ lên phòng con gái và nhẹ nhàng hỏi: “Hôm nay cô giáo gọi điện cho mẹ báo con nghỉ hai tiết văn. Mẹ rất lo lắng không biết có chuyện gì xảy ra với con. Thực ra đã có chuyện gì, con có thể tâm sự với mẹ được không?”. Chắc chắn Lan sẽ tâm sự cho mẹ biết lý do tại sao mình lại nghỉ hai tiết văn. Thậm chí, sau này mỗi khi có chuyện gì, Lan cũng tâm sự và chia sẻ với mẹ. Như vậy, cha mẹ vừa chia sẻ, quan tâm vừa có thể dễ dàng quản lý được con…”.
2. Tại Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1), bà Mai đưa ra tình huống 2: Trong lúc con không có ở nhà, người mẹ đã vào phòng con lục lọi đồ đạc và phát hiện một vài đĩa phim dành cho người lớn. Người mẹ hốt hoảng và không thể tin rằng đứa con bé bỏng của mình đã dám xem những bộ phim như vậy.
Với tình huống này, một phụ huynh có con gái đang học lớp 7 cho rằng: “Nếu tôi phát hiện con xem phim “người lớn” hay bất kỳ một cuốn sách, tạp chí nào nói về vấn đề nhạy cảm này, tôi sẽ nghiêm cấm triệt để. “Trời sinh voi, sinh cỏ”, lớn lên rồi nó cũng sẽ biết như ông bà, cha mẹ nó ngày xưa…”. Một phụ huynh khác có con trai đang học lớp 9 cũng cho biết: “Mặc dù con tôi học rất giỏi và cũng có thể nói là ngoan nhưng đã có lần tôi vô tình phát hiện con trai vào một trang web đen. Sau đó, tôi từ tốn vỗ vào vai con và nói: “Tuổi con còn nhỏ, chưa đến lúc con phải xem những loại phim như thế này”. Và tôi sẽ giáo dục giới tính cho con, định hướng để con tiếp cận với những tư liệu về giáo dục giới tính sao cho phù hợp…”.
Với tình huống này, bà Mai cho biết: “Trẻ em bây giờ dậy thì rất sớm, trẻ em nam từ 13 tuổi, trẻ em nữ là 11, cá biệt cũng có những bé gái mới 8, 9 tuổi đã có kinh nguyệt. Khi con bước vào giai đoạn dậy thì, người cha phải là “thầy giáo” của con trai, người mẹ phải là “cô giáo” của con gái để giáo dục giới tính. Nói làm sao để trẻ hiểu và không gây kích thích, tò mò. Cha mẹ phải dạy con biết nói “không” với những gì cần nói “không”…”.
3. Tại Trường THCS Lê Quí Đôn (Q.3), bà Mai đưa ra tình huống 3: Ba đưa con tới trường và trên đường về thì nhận được tin nhắn. Người cha mở ra đọc thì phát hiện con gái nhắn tin cho bạn trai nhưng nhắn nhầm sang máy mình. Tin nhắn có nội dung: “Bảo tới trường chở mình đi chơi”. Các anh, chị sẽ làm gì khi rơi vào tình huống trớ trêu này?”, bà Mai hỏi.
“Đành phải vào vai thám tử bằng cách quay xe lại trường và chờ đợi. Phải bắt quả tang để con hết chối cãi…”, một phụ huynh lên tiếng. Một phụ huynh khác cho biết: “Tôi sẽ nhắn tin lại cho con gái và nói rằng: “Bảo nhờ ba tới rước con, con muốn đi đâu ba sẽ chở đi”. Còn chị Hạnh, phụ huynh học sinh lớp 8 thì cho rằng: “Buổi tối, tôi sẽ hỏi con về bạn Bảo và nói con mời bạn tới nhà chơi. Qua đó tôi quan sát để hiểu về mức độ quan hệ của hai đứa trẻ, từ đó có những định hướng trong quan hệ với bạn khác giới cho con”…
Bà Mai đồng tình với ý kiến của chị Hạnh, bởi theo bà trẻ đã lớn nên cũng cần có quan hệ với bạn khác giới. Tuy nhiên, “Mối quan hệ này phải nằm trong tầm kiểm soát của cha mẹ, cha mẹ phải biết con mình quen với ai. Ở lứa tuổi này, trẻ thường có khuynh hướng nghe lời bạn hơn là nghe lời cha mẹ nên nếu con chơi với bạn tốt thì không có gì đáng phải bận tâm, ngược lại con chơi với bạn xấu thì phải cẩn thận…”, bà Mai nhấn mạnh.
Thực ra, xóa bỏ “rào cản” giữa cha mẹ và con cái không phải là khó, chỉ cần cha mẹ là nơi tin cậy thì nhất định con cái sẽ không đi lệch “quỹ đạo”.
Bài & ảnh: Kim Anh
Bình luận (0)