“Với độ tuổi 15-35, chúng tôi đương nhiên phải theo dõi để hoàn thành trách nhiệm phổ cập giáo dục. Nhưng với độ tuổi trên 36, có thống kê được bao nhiêu mù chữ thì cũng không sử dụng làm gì vì những đối tượng này không thuộc phạm vi ngành giáo dục ưu tiên, phải thường xuyên, cấp bách dạy dỗ”.
Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội trao đổi về thông tin liên quan đến việc nhầm lẫn số lượng người mù chữ ở Hà Nội vừa được công bố cuối tháng 10/2008.
Chỉ là lỗi cơ học
Trong lúc dư luận đang xôn xao trước thông tin Hà Nội là địa phương có số người mù chữ cao nhất cả nước thì Sở GD-ĐT Hà Nội đã có công văn đính chính con số đó không đúng vì có sai sót của nhân viên đánh máy. Bà có thể giải thích cụ thể, rõ ràng về sự việc này?
– Trước tiên, tôi xin khẳng định: Con số thống kê bị nhầm lẫn rơi vào những đối tượng mù chữ trên 36 tuổi, tức là không thuộc diện phổ cập, chứ không phải là nhầm số lượng của độ tuổi đã phổ cập xong.
Về vấn đề này, tôi xin giải thích như sau: Hàng năm, chúng tôi chỉ báo cáo kết quả phổ cập và xóa tái mù chữ đối với độ tuổi 15-35. Khi tổng kết đề án “Xây dựng xã hội học tập và phát triển trung tâm học tập cộng đồng”, Bộ GD-ĐT có yêu cầu báo cáo cả lượng người mù chữ từ 36 tuổi trở lên.
Con số hàng năm đều đúng với báo cáo của các quận, huyện, nhưng đến khâu cuối là cộng tổng thì người đánh máy đánh thêm số 2 vào trước kết quả, khiến con số 18.200 người mù chữ ở độ tuổi trên 36 biến thành … 218.200 người.
Như vậy, đây hoàn toàn là lỗi cơ học, do chuyên viên của Sở gây nên.
Việc vội vã đính chính như vậy dễ khiến dư luận nghĩ là Sở không minh bạch khi công bố số liệu liên quan đến một vấn đề khá “nhạy cảm” là mù chữ giữa Thủ đô. Bà nghĩ sao về điều này?
– Chúng tôi không bao biện, vì cấp dưới sai, chúng tôi kí duyệt cũng có nghĩa là chúng tôi có lỗi vì đã không cẩn thận rà soát lại. Đến thời điểm này, khi mọi sự đã “nhỡ” rồi, việc thanh minh là rất khó, dư luận dễ nghĩ là chúng tôi cố tình nói sai sự thật hoặc che giấu thông tin thật. Nhưng trách nhiệm của chúng tôi bây giờ là phải sửa sai, bằng cách là chứng minh với các cấp lãnh đạo dựa vào các con số cụ thể.
Thực tế là chúng tôi đã cùng phòng GD thường xuyên rà soát, kiểm tra lại toàn bộ. Chúng tôi đã làm lại bản thống kê chính xác, các con số hàng năm vẫn giữ nguyên, chỉ có số tổng là thay đổi.
“Thống kê người mù chữ trên 36 tuổi không để làm gì!”
Bà theo dõi hàng năm, có báo cáo thường xuyên? Con số 218.000, lệch tới 200.000 so với 18.200 người không làm bà sửng sốt hoặc cảm thấy vô lý?
– Sự việc này xảy ra, quả tình là có mấy lí do như sau:
Thứ nhất: Khi làm báo cáo trình Bộ, chúng tôi quá vội. Vì hàng năm Bộ không hỏi đến số liệu của đối tượng này. Khi tổng kết mới hỏi khiến chúng tôi phải lo chuẩn bị tổng hợp từ đầu.
Thứ hai: Ở độ tuổi trên 36, người ta không yêu cầu cao về nhu cầu xóa mù chữ, vì những người thuộc diện này ít có khả năng, mong muốn học tập. Mặt khác, với độ tuổi 15-35, chúng tôi đương nhiên phải theo dõi để hoàn thành trách nhiệm phổ cập giáo dục theo quy định. Nhưng với độ tuổi trên 36, có thống kê được bao nhiêu người mù chữ thì cũng không để làm gì cả vì những đối tượng này không thuộc phạm vi trọng tâm ngành giáo dục phải cấp bách, thường xuyên dạy dỗ.
Vì thế, khi chúng tôi nhìn số liệu thì thấy không có gì bất thường. Chỉ khi báo chí giật lên thông tin “Hà Nội nhiều người mù chữ nhất cả nước” thì chúng tôi mới giật mình rồi kiểm tra lại.
Thế khi Sở gửi kết quả cho Bộ, Bộ cũng không có phản ứng gì?
– Cả nước có tới 63 tỉnh, thành. Mỗi tỉnh thành vô cùng nhiều bảng, biểu, các con số dày đặc. Bộ cũng không thể xem hết được. Nhất là khi đối tượng trên 36 tuổi không thuộc diện trọng tâm như độ tuổi bắt buộc phổ cập 15-35.
Đối tượng trong độ tuổi trên 36 có vẻ như bị “lãng quên” và “đứng ngoài cuộc” trong các đề án, chiến dịch xóa mù chữ hoặc nâng cao trình độ dân trí. Điều này, theo bà, có mâu thuẫn với mục tiêu “xây dựng xã hội học tập” và chính sách giáo dục cho người lớn tuổi mà ngành giáo dục đang phấn đấu thực hiện?
– Dù xác định người trên 36 tuổi không phải là đối tượng ưu tiên và trọng tâm của các chương trình giáo dục trên địa bàn thành phố nhưng chúng tôi cũng cố gắng thúc đẩy các trung tâm học tập cộng đồng tại địa phương, các trung tâm giáo dục thường xuyên để cải thiện trình độ cho họ.
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy còn nhiều người mù chữ, kể cả diện nằm trong độ tuổi phổ cập. Nhưng lãnh đạo các phòng giáo dục tại đây khẳng định không có số liệu thống kê nào về người mù chữ vì không còn người mù chữ. Bà nói Sở giải trình sai sót bằng các báo cáo, số liệu cụ thể của địa phương gửi lên. Vậy số liệu này thực chất là từ đâu ra?
– Ở huyện nào cũng vậy, lượng người mù chữ ở mọi độ tuổi, kể cả đã được phổ cập, là vẫn còn, nhất là độ tuổi trên 36. Số liệu Sở có là do các huyện, quận cung cấp. Việc “vênh nhau” đúng là còn tồn tại, nguyên nhân cũng là vì vẫn còn có những cán bộ vẫn có tư tưởng về bệnh thành tích, hình thức! Chúng tôi sẽ có kiểm tra thực tế để kịp thời nắm bắt tình hình.
Xin cảm ơn bà!
Cẩm Quyên (thực hiện)
Theo Vietnamnet
Bình luận (0)