Việc có nhiều xuất bản phẩm dành cho người khuyết tật sẽ giúp họ được học tập, rèn luyện. Từ đó giúp người khuyết tật có được môi trường bình đẳng với những người bình thường, không phải chịu cảnh miệt thị, phân biệt đối xử như trước đây.
Xuất bản phẩm hiện đã được chuyển đổi sang những định dạng dễ tiếp cận với người khuyết tật nhưng chưa nhiều
Xuất bản phẩm còn ít
TS. Trần Thị Thư (đại diện Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia) cho biết, những người khuyết tật thường sử dụng các loại sách để học như: Sách giáo khoa chữ phóng to dành cho người nhìn kém; sách chữ nổi dành cho người mù; sách nói và sách điện tử dành cho học sinh khuyết tật nói chung. Khó khăn hiện tại là sách giáo khoa chữ phóng to được làm thủ công, chất lượng không đảm bảo. Sách chữ nổi Braille có giá thành cao, chưa có ngân sách để chuyển và nhân bản sách, chưa có chiến lược điều phối và sử dụng sách giáo khoa chữ nổi hiệu quả. Còn sách nói và sách điện tử còn mang tính tự phát, chưa có quy chuẩn. “Để giải quyết khó khăn này, chúng ta cần huy động kinh phí chuyển đổi sách giáo khoa chữ in sang sách giáo khoa chữ nổi; huy động kinh phí nhân bản để đáp ứng nhu cầu của học sinh cần sử dụng sách giáo khoa chữ nổi. Cùng với đó, Nhà nước cần xây dựng cơ chế bảo quản và luân chuyển sách nhằm tiết kiệm chi phí và tận dụng tối đa sách chữ nổi”, bà Thư đề xuất.
Bà Đào Thu Hương (cán bộ Chương trình hòa nhập người khuyết tật thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc – Việt Nam) cho hay, chỉ có khoảng 7% xuất bản phẩm đã công bố được chuyển đổi sang những định dạng dễ tiếp cận với người khuyết tật. Hai định dạng được sản xuất nhiều nhất là sách nói và sách chữ nổi. Đối tượng phục vụ lớn nhất là người khiếm thị. Chưa có tổ chức nào sản xuất sách cho người khuyết tật nhận thức (khó đọc). Hai loại sách có nhu cầu cao nhất là sách truyện và sách giáo khoa. Một số tỉnh như: Hậu Giang, Long An không có sách chữ nổi cho trẻ em lớp 3, 4 ở trường hòa nhập. Các em đi học chỉ nghe giảng và nghe các bạn đọc sách. Ở Kon Tum có trường có đến 15 em học ở trường hòa nhập không có sách chữ nổi. Học sinh chỉ nghe loáng thoáng, không biết đọc, viết, không thể học cao và phát triển toàn diện do đó các em chỉ có thể kiếm sống bằng nghề tay chân. “Tôi kiến nghị, Nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cho các bên liên quan về quy trình sản xuất, phân phối và báo cáo về hoạt động của các tổ chức, đáp ứng điều kiện của Chính phủ. Đẩy mạnh cơ chế cấp quyền và thực hiện các hoạt động bảo trợ cho các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ nghe, đọc, xem các xuất bản phẩm với mục đích phi lợi nhuận dành cho người khuyết tật. Xây dựng cơ chế “một cửa” trong quản lý kho xuất bản phẩm dễ tiếp cận. Xây dựng cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan chủ chốt, thúc đẩy việc xóa nạn “đói sách” cho người khuyết tật. Kết nối với các thư viện sách dễ tiếp cận quốc tế để người khuyết tật được hưởng lợi và đóng góp cho các nguồn sách đó…”, bà Hương ý kiến.
Giúp người khuyết tật vươn lên hòa nhập
ThS. Đinh Việt Anh (Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam) khẳng định, tiếp cận tri thức thông qua xuất bản phẩm là quyền cơ bản của con người, là điều kiện tiên quyết của sự phát triển hòa nhập và phát huy tiềm năng cá nhân. Điều đó còn mở ra cho mọi người các cơ hội học tập, việc làm, chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội. Việc thiếu những ấn phẩm ở định dạng dễ tiếp cận đã hạn chế, thậm chí tước đi quyền tiếp cận tri thức của một bộ phận người khuyết tật.
Vừa qua tại TP.HCM, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Hiệp ước Marrakesh. Hội nghị có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội dành cho người khuyết tật, các nhà xuất bản, thư viện, trường học. Các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin, tri thức của người khuyết tật đồng thời phối hợp để thực hiện tốt Hiệp ước Marrakesh trong thời gian tới.
|
Để xóa “nạn đói sách” cho người khuyết tật, Việt Nam đã gia nhập vào Hiệp ước Marrakesh và hiệp ước này chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 6-3-2023. Hiệp ước Marrakesh tạo ra môi trường pháp lý nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các tác phẩm đã công bố cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường, tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa việc bảo vệ quyền tác giả và bảo vệ lợi ích chung.
Ông Trần Hoàng (Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, ngay sau khi Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (năm 2007), Chính phủ Việt Nam đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách, các hoạt động nhằm trợ giúp người khuyết tật, để người khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và đề xuất việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, đề xuất bổ sung Điều 25a về ngoại lệ quyền tác giả dành cho người khuyết tật vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, được Quốc hội thông qua ngày 16-6-2022. Hồ sơ đề xuất gia nhập Hiệp ước Marrakesh đã được Chính phủ chấp thuận và có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 6-3-2023. “Cục Bản quyền tác giả sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, ban ngành để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chung tay xây dựng tương lai hòa nhập, thực hiện có hiệu quả Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, Hiệp ước Marrakesh và Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật có liên quan”, ông Hoàng cho biết.
Hồ Trinh
Bình luận (0)