Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Xóa sổ” điểm sàn: Trường trung cấp hoang mang

Tạp Chí Giáo Dục

Việc bỏ điểm sàn được xem là sẽ gây “hao hụt” nguồn tuyển của các trường TC. Ảnh: Học viên Trường TC Kỹ thuật – Nghiệp vụ Nam Sài Gòn đo huyết áp cho học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do Báo Giáo dục TP.HCM mới tổ chức
Nhiều trường trung cấp (TC) đặt vấn đề siết chặt chỉ tiêu khi tính đến phương án xóa bỏ điểm sàn, bởi nếu hệ ĐH tuyển sinh quá dễ thì bậc đào tạo thấp hơn khó có người học.
Các trường hiện rất hoang mang, lo sợ một mùa tuyển “trắng” thí sinh vì gần như ai cũng “mộng” vào ĐH.
Hao hụt nguồn tuyển
Hai khía cạnh lớn nhất mà các trường TC đề cập trước thay đổi điểm sàn chính là hao hụt nguồn tuyển và nguy cơ mất cân đối thị trường lao động trong nhiều năm tới. ThS. Đặng Văn Sáng – Hiệu trưởng Trường TC Ánh Sáng – nhìn nhận, việc bỏ điểm sàn giúp các trường ĐH lấp đầy chỉ tiêu nhưng đẩy các trường TC đến bờ vực… đóng cửa. Điều quan trọng hơn là trong 3 đến 4 năm tới thị trường lao động sẽ rơi vào tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.
ThS. Nguyễn Công Danh – Hiệu trưởng Trường TC Việt Khoa – cũng bày tỏ lo ngại, khi không có điểm sàn, các trường ĐH ngoài công lập tốp dưới sẽ tuyển “thả ga”. Ngay cả học sinh cũng sẽ chọn học bất cứ ngành gì miễn là ĐH. Khi đó, nguồn tuyển cho các trường TC sẽ cực kỳ hạn hẹp. Dù học phí không quá cao (2,4 triệu đồng/học kỳ) nhưng tại trường năm 2013 chỉ tuyển được 150 học sinh, chưa bằng phân nửa năm trước đó. Thực tế, lượng nhập học chỉ còn 100, mỗi lớp hiện chỉ từ 10-12 học sinh.  ThS. Danh cho rằng, lượng người học ít như thế này, nguồn thu được từ học phí chưa đủ trang trải. Năm nay, trong tình hình thay đổi điểm sàn, khả năng trường sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn lớn.
TS. Trần Mạnh Thành – Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt – cũng nhận định, lo lắng của các trường TC là có cơ sở. Bởi mọi năm, khi thi “3 chung”, điểm sàn có tác dụng như một “màn lọc”, đồng thời giúp phân luồng. Những thí sinh “lọt sàn” ĐH hoặc CĐ thì sẽ xuống học một bậc thấp hơn là TC. Nay khi bỏ điểm sàn đi, đồng nghĩa “màn lọc” không còn nữa thì khả năng thí sinh sẽ “ùa” hết vào ĐH. Như vậy, các trường TC không còn nguồn để tuyển sinh, đào tạo. TS. Thành đánh giá: “Hiện các trường đã được tự xác định chỉ tiêu rồi, ngưỡng sàn ĐH thấp xuống một chút là trường cấp dưới khó tuyển ngay”.
ThS. Đỗ Hữu Khoa – Hiệu trưởng Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn – cũng đồng quan điểm, nếu việc bỏ sàn nghiêng về chiều hướng giúp các trường ĐH “vơ vét” thí sinh thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn tuyển của các trường TC.
Bỏ sàn, cần siết chỉ tiêu
ThS. Đặng Văn Sáng đề nghị, khi chưa đưa ra được những giải pháp, chính sách phân luồng hữu hiệu thì bộ không nên vội vàng bỏ điểm sàn. Vì hiện nay điểm sàn đang là công cụ phân luồng hiệu quả, phần nào giúp giữ cơ cấu về trình độ lao động. “Bộ cũng cần có giải pháp để giữ hệ thống các trường nghề vì nếu các trường này phải giải thể đồng nghĩa với việc toàn bộ kinh phí đã đầu tư sẽ đổ sông, đổ bể” – ông Sáng nói.
Nhiều trường TC đặt vấn đề siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh khi tính đến phương án xóa bỏ điểm sàn. Theo các đại diện này, nếu bỏ điểm sàn mà không siết chỉ tiêu các ĐH thì trường TC gần như… giải tán. ThS. Nguyễn Công Danh nhấn mạnh, chỉ có siết chỉ tiêu các trường ĐH lại thì các trường TC mới “hy vọng”. Cũng theo ông Danh, các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào thay thế điểm sàn cần chặt chẽ, sao cho giới hạn được việc vào ĐH-CĐ chỉ dừng ở mức 60% trên tổng số học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm; số 40% học sinh còn lại sẽ đi học nghề. Ngoài ra còn cần tăng cường chính sách đối với người học nghề, như vấn đề việc làm, lương bổng khi ra trường… để khuyến khích người học.
ThS. Đỗ Hữu Khoa đề cập, mấu chốt hiện nay, bộ cần quản tổng chỉ tiêu hằng năm của tất cả các bậc học chứ không chỉ riêng ĐH-CĐ. Chỉ tiêu ĐH hiện được dành quá nhiều, không khuyến khích được những người thiếu khả năng học ĐH theo đuổi bậc thấp hơn như TC, nghề…
Bài, ảnh: Mê Tâm
ThS. Đỗ Hữu Khoa – Hiệu trưởng Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn – cho rằng, nếu việc bỏ sàn nghiêng về chiều hướng giúp các trường ĐH “vơ vét” thí sinh thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn tuyển sinh của các trường TC.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)