Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Xóa sổ nhà ổ chuột”: Có xóa nổi?

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Trần Thị Nguyệt trong căn nhà tạm ở khu ổ chuột thuộc P.Tân Hưng, Q.7

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đề ra là: Xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Theo đó, đã đưa ra 7 chương trình đột phá, trong đó có chương trình Chỉnh trang và phát triển đô thị. Với chương trình này, từ nay đến năm 2020 TP sẽ “xóa sổ” khoảng 19.000 căn nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch. Liệu có xóa nổi?

Trong thời gian chính quyền TP đang nỗ lực thực hiện chương trình này, chúng tôi đã đến những khu “nhà ổ chuột” ven kênh rạch để nghe tâm sự, trải lòng của người dân bao năm thấp thỏm chờ đợi được di dời…

Cận cảnh xóm “ổ chuột”

Chỉ tay về phía kênh Tẻ, đoạn qua P.Tân Thuận Tây, Q.7, ông Nguyễn Hồ Thành ngụ đường Trần Xuân Soạn nói: “Trước đây chỉ có vài chiếc ghe của thương hồ mua bán trái cây cập bến vào mỗi sáng, nay chật kín. Con kênh này vốn ô nhiễm, nay ô nhiễm nặng hơn bởi ý thức giữ gìn vệ sinh của một bộ phận người dân còn hạn chế”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ có những gia đình thương hồ đến từ các tỉnh miền Tây neo đậu ghe buôn bán mà có không ít hộ gia đình chọn kênh này làm nơi tá túc. Theo đó, nhà cửa của họ chính là những chiếc ghe cũ nát, che nắng mưa cho những mảnh đời khốn khó.

Bắt chuyện với người đàn ông đang soạn lại mớ trái cây bán lẻ cho khách, ông cho biết mình tên Hồ Ngọc Quý (Q.8, TP.HCM). Trước gia đình thuê nhà trong xóm lao động nghèo thuộc P.Tân Hưng, Q.7 nhưng thu nhập từ công việc phụ hồ bữa có bữa không, không có để trả tiền nhà nên quyết định ra đây ở tạm. “Thằng cháu bán rẻ chiếc ghe cũ, tôi mua làm nhà tạm sống cho qua bữa. Hơi cực nhưng không phải lo lắng đến ngày trả tiền nhà, tiền điện nước”, ông Quý chia sẻ.

Hàng xóm đối diện bên kia sông của gia đình ông Quý là những hộ dân đang sinh sống ở xóm nhà nằm dọc đường Tôn Thất Thuyết (Q.4) – nơi được mệnh danh là “nhà ổ chuột” nhỏ nhất Sài Gòn. Ở đây có những căn nhà cấp 4 vốn chỉ rộng 30-40m2 nhưng đã tách ra làm 5, thậm chí là 6 căn. Mỗi căn là một hộ, mỗi hộ có từ 4-6 người chen chúc. Chúng tôi đi sâu vào trong, con hẻm ngoằn ngoèo bề ngang chỉ tròm trèm nửa mét, không dễ kiếm một căn nhà tường kiên cố mà hầu hết là nhà tạm được che chắn bằng gỗ tạp, nilon và giấy bìa các tông… Chị Lê Thị Hành, sống bằng nghề bán chuối chiên tâm sự: “Nói xui xẻo chứ lỡ có cháy thì chỉ có chết, không cách nào chạy kịp. Địa phương thường xuyên nhắc nhở bà con rằng, việc che chắn vật liệu dễ cháy rất nguy hiểm nhưng không che nó thì nhà trống trơn, xây tường thì lấy đâu ra tiền?…”.

Mơ về ngôi nhà mới

Dự án nạo vét rạch Văn Thánh (đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh) thuộc tuyến hành lang bảo vệ rạch này dự kiến sẽ di dời 827 căn nhà. Nhắc chuyện sắp có nơi ở mới, ông Trần Văn Hợi, người dân cố cựu ở đây vui mừng, cho biết: “Nghe nói di dời, giải tỏa phục vụ dự án, chúng tôi mừng đến mất ngủ. Thiệt cả đời không dám mơ đến ngày mình có được một nơi ở cao ráo, văn minh, dù biết rằng để thích nghi một nơi ở mới với chúng tôi là không dễ”. Nói đoạn, ông Hợi nheo mắt nhìn xa xăm, giọng chùng xuống: “Tui bị bệnh gan, không biết có sống được đến ngày về nhà mới không nữa”.

Nghe ông nói vậy, chị Lành – con gái út của ông chen vào: “Từ hồi có tin giải tỏa, đêm nào trước khi ngủ ba cũng hỏi: “Chừng nào có chỗ ở mới vậy bây?”.

Còn với bà Đào Thị Lụa (81 tuổi) – là hàng xóm của ông Lợi thì: “Bao năm vất vả rồi, chỉ mong được ngủ ở nhà tái định cư một đêm, có nhắm mắt xuôi tay cũng mãn nguyện”.

Gia đình bà Lê Thị Hoa cũng như bao hộ gia đình khác, hàng chục năm nay bám trụ bên dòng kênh Tẻ (Q.4) bởi muốn đi mà không được. “Chú thấy đấy, môi trường sống ô nhiễm, ẩm thấp khiến trẻ con và người già bệnh đau triền miên, có chỗ tá túc là đi chứ ở đây rồi cũng chết vì bệnh”, bà Hoa trải lòng. Mong ước của bà Hoa cũng là mong ước của hàng trăm hộ dân với cả ngàn nhân khẩu ở đây là được tới nơi ở mới. Và cứ mỗi lần nghe đến chuyện được di dời là lại hồi hộp chờ đợi. Ấy vậy mà ngót nghét đã hơn chục năm.

Cách đó không xa, xóm nhà nằm ven rạch Đỉa cũng không thoát cảnh nhếch nhác, bừa bộn của nhà tạm mà theo chính quyền địa phương là “đã khá hơn và không còn cách nào khác”. Hơn 20 năm sống trên rạch Đỉa, bà Nguyễn Thị Hòa (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) không nhớ có bao lần được mời đi họp để nghe thông báo về kế hoạch di dời, giải tỏa. Tuy nhiên đến nay mọi thứ vẫn còn nằm trên giấy, trong khi đó nhà tạm lấn kênh rạch, nhà trên ghe vẫn xuất hiện.

(Còn tiếp)
Bài, ảnh: Trần Anh

Bình luận (0)