Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xóa tín dụng đen bằng cách nào?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen là một yêu cầu cấp thiết hiện nay của các cấp, các ngành nhằm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, giữ gìn an ninh, trật tự.


Quang cảnh talkshow

Sáng 7-12, Báo Người Lao động tổ chức talkshow “Làm sao để không rơi vào cạm bẫy tín dụng đen”. Talkshow được tổ chức với mục đích giúp người dân nhận thức rõ hơn nguy hiểm của tín dụng đen; những tổ chức, đơn vị mà người dân cần liên hệ khi có nhu cầu vay tiền…

Tín dụng đen gây ra hệ lụy lớn đối với người vay

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ – Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự VKSND TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP.HCM trong những năm gần đây liên tục xảy ra những vụ đòi nợ thuê bằng những hình thức như tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà người vay tiền hoặc người thân của họ. 

Điển hình là vụ bỏ con gián vào tô phở ở quán Phở Hòa nổi tiếng trên đường Pasteur (Q.3) hoặc là vụ cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (giáo viên một trường tiểu học ở quận 8) làm đơn xin các đối tượng "xã hội đen" cho mình được đi dạy. 

“Nguyên nhân, cô giáo không phải là người vay tiền nhưng bị nhóm người gây áp lực để đòi món nợ của chị dâu. Trong gần nửa tháng, nhóm hơn chục người đã đến nhà cô ném mắm tôm, đổ keo dán sắt, khóa trái cửa nhốt cả nhà… gây hoang mang”, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ cho hay.

Ông Lâm Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN TP.HCM cho biết, thực trạng tín dụng đen hiện nay là một vấn đề mà tổ chức công đoàn cũng như cán bộ, đoàn viên công đoàn chúng tôi hết sức quan tâm trong hoạt động của mình. 

Tín dụng đen đã len lỏi vào đoàn viên, công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp với nhiều hình thức hết sức tinh vi và rất đa dạng. Ví dụ như thông qua ứng dụng trên điện thoại (app), qua tin nhắn hoặc gọi điện, qua mạng xã hội; với những lời quảng cáo như có thể vay với thời gian ngắn nhất, thủ tục vay đơn giản nhất…

Tín dụng đen cũng tập trung vào những đoàn viên, công nhân lao động có khó khăn đột xuất trong đời sống hằng ngày như tiền cơm, tiền trọ, tiền học của con cái…

Nhóm đối tượng khó khăn này cũng đang trong thời gian chờ đợi để làm thủ tục vay tại các ngân hàng. Khi vay tín dụng đen, họ quên đi mức lãi suất. Khi phải trả lãi ngày, hoặc  lãi tháng, họ không đủ khả năng trả nợ, dẫn đến tình trạng lãi chồng lãi. Có những trường hợp không có lối ra.

Bên cạnh đó thì cũng có một bộ phận không nhỏ đoàn viên, công nhân lao động mê cờ bạc, vướng vào các tệ nạn xã hội khác rồi dẫn đến vay tín dụng đen.

Đáng chú ý, tín dụng đen gây ra hệ lụy lớn đối với người vay. Nếu không trả nợ kịp sẽ có những tin nhắn, cuộc gọi đến công ty, đồng nghiệp gây áp lực, buộc những người này phải trả tiền. Điều này làm cho công nhân bị căng thẳng, áp lực về tinh thần. Đây là thực trạng đang diễn ra tại các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, các khu công nghiệp, chế xuất của TP.HCM.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc – Trưởng Bộ môn nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Trường Đại học Ngân hàng, có thể nhận dạng tín dụng đen ở các hình thức quảng cáo thông qua phát tờ rơi, dán các quảng cáo trên cột điện, góc tường, quảng cáo thông qua các app, trang web tiếp cận người vay.

Khi vay ở các công ty được cấp phép thì thủ tục rất chặt chẽ, cần nhiều giấy tờ, yếu tố mới được phê duyệt. Đánh vào việc nhiều thủ tục gây nản lòng người có nhu cầu, tín dụng đen đưa ra các quảng cáo cho vay nhanh, không cần nhiều thủ tục, chỉ cần CCCD, giấy tờ xe… và trong thời gian ngắn là giải ngân được dễ dàng. Đó là cái bẫy giăng sẵn cho người có nhu cầu vay vốn nhanh, dễ dàng.


Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ – Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự VKSND TP.HCM phát biểu tại  talkshow

Cạnh đó, nếu là tín dụng đen thì sẽ yêu cầu cung cấp thông tin về người thân hoặc cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, hình ảnh để sử dụng trái phép các thông tin nhằm xử lý nợ khi con nợ không trả được về sau này. Lãi suất thường tín dụng đen có thể lên đến vài trăm %/năm.

Cần giải pháp đồng bộ, hiệu quả

Ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen là một yêu cầu cấp thiết hiện nay của các cấp, các ngành, nhằm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, giữ gìn an ninh, trật tự.  Nhiều chuyên gia cho rằng cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về tín dụng đen, bẫy tín dụng đen, nhất là hệ lụy của nó gây ra.

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ cho rằng, người đi vay thường là lao động tự do, thu nhập thấp, thiếu kiến thức về pháp luật nên khi nhìn thấy các quảng cáo dạng tờ rơi, áp phích dán trên các tuyến đường, cộng với thủ tục nhanh gọn, đơn giản nên thường bị "dính bẫy".

“Để tránh thành nạn nhân của tín dụng đen, trước khi vay, người vay cần tìm hiểu xem pháp nhân đó có được quyền cho vay cũng như tính hợp pháp của việc cho vay”, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ nói.

Ở góc độ khác, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng núp dưới vỏ bọc "công ty, cửa hàng hỗ trợ tài chính" đang mọc ra phổ biến hiện nay.

Các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhân dân cần mở rộng các khoản vay tín dụng tiêu dùng, có thêm nhiều các sản phẩm cho vay nhỏ, ngắn hạn; thực hiện tín dụng chính sách gắn với các chương trình xóa đói, giảm nghèo.

Ông Lương Quốc Cường – Trưởng phòng Quản lý tín dụng Tổ chức tài chính vi mô CEP nhấn mạnh hiện nay, việc ngân hàng cho vay phải đòi hỏi nhiều thủ tục như phương án cho vay, mục đích sử dụng. Mà điều này người lao động, người buôn bán nhỏ lẻ không thể đáp ứng được.

Chính vì vậy, các nhóm tín dụng đen đã lợi dụng điều này mà lôi kéo, quảng bá những hình thức cho vay với thủ tục đơn giản, nhanh gọn.

“Từ thực tế này, chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động cho vay của các tổ chức, cá nhân cho vay chặt chẽ; tạo thủ tục đơn giản cho người vay được thuận lợi”, ông Lương Quốc Cường nói.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, nhà quản lý, về lâu dài, cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay theo hướng chặt chẽ hơn; quy định chế tài xử lý về hình sự, hành chính cần nghiêm khắc hơn so với luật hiện hành.

N.Trinh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)