Loại hình trường bán công, dân lập (BC, DL) sẽ bị xóa bỏ ở mọi cấp học. Loại hình trường dân lập chỉ có ở giáo dục mầm non (GDMN). Đó là nội dung chính của Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT vừa ban hành, hướng dẫn về trình tự, thủ tục chuyển đổi mô hình trường ở các hệ GDMN và phổ thông (PT).
- Địa phương chủ động chuyển đổi
Tại TPHCM, các trường MN và PT BC được chuyển sang mô hình CL tự chủ tài chính, gồm 48 trường MN, 5 trường tiểu học, 24 trường THCS và 16 trường THPT. Theo Sở GD-ĐT, các trường trên thuộc CL, được tự chủ tài chính và không thuộc đối tượng chuyển đổi của thông tư này.
|
Theo Bộ GD-ĐT, mục đích chuyển đổi nhằm đảm bảo đủ các trường công lập (CL) đáp ứng yêu cầu phổ cập GD. Việc chuyển đổi phải đảm bảo các hoạt động GD của nhà trường ổn định và phát triển, cơ sở vật chất được nhà nước bảo trợ theo quy định của pháp luật; không gây gián đoạn quá trình học tập của người học; tạo điều kiện tốt hơn cho người học. Các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi để không còn loại hình trường BC ở GDMN; trường BC, DL ở GDPT.
Thông tư cũng cho phép trường MN BC ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn chuyển sang trường CL. Trường MN BC ở vùng còn lại chuyển sang trường DL, tư thục. Trường hợp địa phương chưa có hoặc chưa đủ trường MNCL đáp ứng yêu cầu phổ cập GD mẫu giáo 5 tuổi, ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp quyết định chuyển đổi trường MNBC sang trường MNCL.
Đối với GDPT, trường PT bán công, DL (gồm trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) chuyển sang trường tư thục. Trường hợp địa phương chưa có đủ trường CL để đáp ứng yêu cầu phổ cập GD tiểu học, THCS, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định chuyển trường tiểu học, THCS BC sang CL; căn cứ quy hoạch phát triển trường THPT xem xét chuyển đổi trường THPT BC sang CL.
Học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn trong giờ học môn Anh văn. Ảnh: MAI HẢI
|
- Giải quyết tài sản nhà nước ra sao?
Sau khi chuyển đổi, trường phải hoạt động theo điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của loại hình trường tư thục của cấp học tương ứng. Về nhân sự, người lao động trong biên chế nhà nước được sắp xếp, giải quyết: ký hợp đồng lao động theo hướng đảm bảo tiền lương và các chế độ khác không thấp hơn trước khi chuyển đổi; chuyển về làm việc tại các cơ sở GDCL và được hưởng quyền lợi, chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của nhà nước.
Nếu người lao động có nhu cầu chuyển khỏi biên chế nhà nước hoặc không tiếp tục làm việc với trường tư thục mới chuyển đổi thì được giải quyết chế độ chính sách theo đúng quy định hiện hành của nhà nước. Đối với người lao động ngoài biên chế nhà nước, trường tư thục ký hợp đồng lao động theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động theo quy định hiện hành của nhà nước.
Đối với học sinh đang học tại trường, sẽ được nhà trường thông báo kế hoạch chuyển đổi trước khi kết thúc năm học 1 học kỳ để HS chủ động trong việc học tập. Hoặc HS tiếp tục học ở trường tư thục và được duy trì mức học phí như đang học ở trường BC, DL cho đến khi kết thúc học kỳ hiện thời. Mức học phí của học kỳ tiếp theo khi nhà trường đã thực hiện chuyển đổi do chủ nhà trường tự quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành. HS thuộc diện chính sách được đảm bảo các chế độ chính sách theo quy định hiện hành của nhà nước. Nếu học sinh có nhu cầu chuyển khỏi trường tư thục mới chuyển đổi, được trường khác tiếp nhận thì nhà trường phải tạo điều kiện để học sinh đó chuyển trường.
Về đất đai, trường BC, DL có trách nhiệm bàn giao toàn bộ diện tích đất đang sử dụng cho trường tư thục. Đối với tài sản thuộc nguồn vốn của nhà nước, nhà nước bán lại toàn bộ tài sản cho trường theo giá sát với giá thị trường tại thời điểm bán để thu hồi nộp về ngân sách nhà nước. Hoặc nhà nước cho trường thuê và sử dụng tài sản.
Tài sản của nhà nước cho trường thuê được chuyển giao cho tổ chức của nhà nước có chức năng cho thuê tài sản của nhà nước hoặc cơ quan tài chính cùng cấp. Trường thanh toán trả tiền thuê tài sản hàng năm theo hợp đồng đã ký và thực hiện việc xử lý tiền cho thuê theo quy định của pháp luật. Giá cho thuê tài sản được xác định theo giá trị do các tổ chức có chức năng định giá tài sản nhà nước đánh giá tại thời điểm chuyển đổi, thời gian sử dụng còn lại của từng loại tài sản để xác định giá cho thuê.
Sở GD-ĐT có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp kết quả chuyển đổi loại hình trường trên phạm vi toàn tỉnh, báo cáo UBND cấp tỉnh và Bộ GD-ĐT. Phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm giúp UBND cùng cấp phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp kết quả việc chuyển đổi loại hình trường trên địa bàn huyện, quận, thành phố, thị xã theo đúng đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, báo cáo UBND, Sở GD-ĐT
DOANH DOANH (SGGP)
Bình luận (0)