Một trong 4 cây xoài ngự vua hàng năm vào thời nhà Nguyễn
|
Quần thể xoài Đá Trắng vừa được công nhận là Cụm cây di sản Việt Nam. Thế nhưng, ít ai biết rằng, thời nhà Nguyễn, giống xoài này chỉ dành để ngự vua.
“Rủ lên Đá Trắng ăn xoài (sài)/ Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì”… Hay “Xoài Đá Trắng, sắn Phường Lụa”… những câu ca ấy đủ để nhắc nhớ người ta về vùng đất Tuy An (tỉnh Phú Yên) được thiên nhiên ban tặng nhiều loại sản vật quý, hiếm. Đặc biệt là giống xoài trên 220 năm tuổi chỉ dành tiến vua mang nhiều huyền tích. Vì là sản vật quý tiến vua hàng năm nên xoài Đá Trắng còn có tên là xoài ngự vua hoặc xoài tiến vua.
Sản vật tiến vua
Xoài Đá Trắng được trồng quanh ngôi chùa cùng tên (còn gọi là chùa Từ Quang, thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), trên khu đồi toàn là đá trắng. Tương truyền, thời nhà Nguyễn (Nguyễn Ánh) trên đường hành quân đánh nhau với anh em nhà Tây Sơn, khi dừng chân bên vịnh Xuân Đài (nay thuộc thị xã Sông Cầu, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đã có lần thưởng thức xoài Đá Trắng. Sau lần đó, xoài Đá Trắng được nhiều người biết đến, tin cũng đến tai triều đình. Loại sản vật của vùng này có đặc điểm trái nhỏ, mùi thơm lừng không có ở bất kỳ giống xoài nào khác, vỏ cực mỏng, trái bằng nắm tay của trẻ con và có thể để được lâu ngày. Đặc biệt, ngày xưa hoa của xoài Đá Trắng có màu trắng chứ không phải màu vàng như những giống xoài khác.
Sư thầy Thích Đồng Tiến, trụ trì chùa Từ Quang, cho biết quanh chùa chỉ còn bốn cây xoài có những đặc điểm nói trên. Tuy nhiên, nhiều năm nay, có đến ba cây không ra hoa quả. Một cây còn lại thì mùa có mùa không, ra hoa nhiều nhưng tỉ lệ kết trái rất thấp, quả cũng không ngọt.
Cũng thời nhà Nguyễn, một vị quan có dịp qua đây được các vị sư của nhà chùa dâng tặng xoài Đá Trắng. Sau khi ăn, vị quan này tấm tắc khen ngon và mang chuyện kể lại với vua Gia Long. Và xoài Đá Trắng đã trở thành một sản vật được dùng để tiến vua vào dịp Tết Đoan Ngọ hàng năm. Vì đây là giống xoài quý hiếm nên để có từ 1.000 đến 2.000 quả xoài tiến vua, ngay từ lúc xoài ra hoa, quan huyện đã cử quân lính ghi chép cẩn thận số trái xoài non, canh gác, chăm sóc… Khi thu hoạch, quan có nhiệm vụ tổ chức lễ hái trái đàng hoàng. Sau phần lễ nghi, quan huyện lệnh phải hái sạch. Xoài hái xong được cho vào giỏ đan bằng tre, bên trong lót, bao bọc bởi lá cây sầu đâu (sầu đông). Lá cây này vừa có tác dụng hạn chế hỏng dập trái vừa để ủ chín cho vỏ vàng mọng. Dù đã giao việc cho quan huyện nhưng triều đình nhà Nguyễn chưa an tâm, đến ngày đưa xoài ra đất thần kinh Huế ngự vua, vua còn phái một đội quân vận chuyển từ Huế vào.
Ngày 12-11-2013, cụm cây xoài Đá Trắng (gồm 20 cây đều có trên 220 năm tuổi) đã được Hội đồng Cây di sản Việt Nam công nhận là Cụm cây di sản. Ngày 9-2 vừa qua, tỉnh Phú Yên đã chính thức tổ chức lễ đón bằng công nhận.
|
Hiện nay, một số nơi ở vùng đất Tuy An, đặc biệt là vịnh Xuân Đài vẫn còn số ít giống xoài Đá Trắng, tuy nhiên có thể vì điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết hoặc lai tạp do ong, bướm nên xoài ít ra hoa và nếu có thì cũng không thơm, ngọt như xoài trồng ở chùa Đá Trắng. Có được giống xoài này ở một vài nơi là nhờ sau mỗi năm làm lễ hái trái dâng vua, ít nhiều còn sót lại đến khi chín mọng thì rụng xuống, được phật tử của nhà chùa mang đi nhân giống. Vì xoài cao, tán rộng, cành lá xum xuê nên phật tử phát hiện xoài còn sót trên cây cũng nhờ mùi thơm đặc trưng của nó. Theo sư thầy Thích Đồng Tiến, vì quý hiếm, xoài trồng trong đất chùa nhưng đến mùa thu hoạch thì phật tử không được tham gia. Những quả xoài còn sót lại đó là món quà quý dâng lên Phật, người đã che chở, chăm sóc sản vật quý.
Khi hoa xoài thôi nở
Sư thầy Thích Đồng Tiến bên bia công nhận Cây di sản Việt Nam
|
Theo sư thầy Thích Đồng Tiến, nhà chùa cũng đã cho trồng nhiều cây xoài giống từ nơi khác mang đến, cũng trên đất ấy nhưng quả không ngọt, thơm như giống xoài Đá Trắng. Điều này đã phần nào lý giải điều kiện thổ nhưỡng chưa phải là yếu tố quyết định được đặc điểm của xoài mà chính là nguồn gen. Cũng có giả thiết rằng, vì xoài trồng ở vùng đất Phật nên cho quả ngon, ngọt và có những đặc điểm khác thường. Tuy nhiên, những cây xoài này đã được trồng trước khi xây dựng chùa (chùa được xây dựng năm 1797, có mái bằng lá – PV) nên giải thích này cũng chưa có căn cứ chính xác. Theo những bậc cao niên ở thôn Cần Lương, Dốc Xoài (chạy từ dốc lên chùa đến miếu Ông Cọp, trên quốc lộ 1A) có tên trong địa giới hành chính mới đây nhưng thật ra tên gọi này đã có từ hàng trăm năm trước, nghĩa là khi đã có vườn xoài.
Hơn chục năm trước, để lên được chùa Đá Trắng, phải đi qua một đoạn đường dốc cao lát bằng những tảng đá lớn, nhỏ khá bằng phẳng. Hai bên đường dốc còn có những cây xoài hàng trăm năm tuổi. Thuở ấy, dưới mỗi tán cây là nơi khách hành hương ngồi nghỉ chân mỗi ngày. Về sau, Tỉnh hội Phật giáo và chính quyền địa phương đã cho mở một con đường lên chùa. Có đường mới, xe máy, xe ô tô có thể chạy lên được nhưng nhiều người vẫn thích đi bộ trên con đường cũ để tìm lại tuổi thơ, ký ức đang còn vương vất đâu đó. Ông Võ Văn Tụ, người dân cố cựu ở thôn Cần Lương, cho biết: Hồi 8-10 tuổi, vào mùa xoài chín, bọn chăn bò tụi tôi thường tụ lại dưới mỗi gốc cây, chọn tảng đá lớn vừa ngồi chơi ăn ô quan vừa canh xoài rụng. Xoài có mùi thơm lạ, ngọt lịm, ngược gió hàng trăm mét cũng ngửi được mùi”.
Bốn gốc xoài cổ thụ già nua nằm ở bốn góc chùa nhiều năm rồi không ra hoa. Hoa trắng, mùi thơm nức vào mùa xoài chín chỉ còn trong ký ức và trong sử sách. Từ lâu, Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cũng đã bắt tay thực hiện bảo vệ nguồn gen và trồng mới. Mặc dù được trồng trên vùng đất xưa nay khô cằn, đá nhiều hơn đất nhưng giống xoài này sinh trưởng tốt, phát triển nhanh, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu vui.
Ngước mắt nhìn những cây xoài mới trồng sau này từ giống xoài Đá Trắng, ông Tụ trầm ngâm hồi lâu rồi ngược về miền ký ức: “Tôi nhớ hoài thuở nhỏ, mỗi chiều lùa bò về nhà, trong áo đứa nào cũng cuộn ít hoa và một, hai trái xoài nhỏ”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Điểm tham quan du lịch
Vào mùa xuân, mùng 10 và 11 tháng giêng âm lịch hàng năm, Lễ hội chùa Đá Trắng thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan. Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên cũng đã khai thác tuyến du lịch từ TP.Tuy Hòa ra thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan, gành Đá Dĩa, Thành An Thổ (nơi sinh cố Tổng bí thư Trần Phú), chùa Đá Trắng và kết thúc ở vịnh Xuân Đài. Tiếc rằng, hôm nay, khách đến chùa Đá Trắng chỉ còn được ngắm và nghe những câu chuyện huyền tích của một giống xoài ngự vua chứ không được thưởng thức…
|
Bình luận (0)