Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Xoắn tinh hoàn ở bé trai: Không thể xem thường

Tạp Chí Giáo Dục

Xoắn tinh hoàn là bệnh thường gặp nhất ở trẻ mới lớn (12-16 tuổi), do cấu trúc giải phẫu chưa hoàn thiện nên có khả năng xoay hoặc xoắn, hoặc do trẻ vận động nhiều. Khi đã bị bệnh này, trẻ có khả năng bị tái lại, hoặc trong trường hợp gia đình có người bị bệnh này thì trẻ cũng sẽ có nguy cơ mắc phải.

Có thể gặp ở bất cứ tuổi nào

Không thể xem thường khi các bé trai bị xoắn tinh hoàn

Cần phát hiện sớm để bảo toàn tinh hoàn

Tình trạng xoắn tinh hoàn thường xảy ra khi các bé nghỉ ngơi hoặc khi ngủ (nghĩa là sau thời gian vận động nhiều). Các em thường không có tâm lý e ngại hay giấu bệnh, nhưng tiếc là do phụ huynh và học sinh không biết nên thường nhập viện quá trễ, có bệnh nhân nhập viện sau 3 ngày đau nên đã không bảo toàn được tinh hoàn. Việc phát hiện sớm để bảo toàn tinh hoàn là rất quan trọng, đồng nghĩa với bảo vệ khả năng sinh sản của nam giới, do đó vấn đề này cần được tuyên truyền cho học sinh thông qua các buổi chuyên đề trong học đường, nhằm giúp học sinh nắm vững kiến thức một cách gãy gọn và đầy đủ. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho phụ huynh cũng rất cần thiết, nhằm giúp sớm phát hiện triệu chứng để bảo toàn “giờ vàng điều trị” (6 giờ sau khi bắt đầu có dấu hiệu đau).

Một trường hợp bị xoắn tinh hoàn được cấp cứu gần đây nhất tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược (ĐHYD) TP.HCM là một bệnh nhân nam 15 tuổi, vào viện với tình trạng đau hố chậu và bìu trái khoảng một ngày. Kết quả chẩn đoán cho thấy em bị xoắn tinh hoàn trái nên các bác sĩ đã chỉ định mổ cấp cứu với hy vọng có thể tháo xoắn, cứu được tinh hoàn. Tuy nhiên, cuối cùng phải cắt bỏ tinh hoàn trái do cuống tinh hoàn bị xoắn 3600 làm tinh hoàn bị thiếu máu nuôi, hoại tử nên không thể bảo tồn được.

Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn xoay làm xoắn thừng tinh (trong có cuống mạch máu của tinh hoàn), thường gây đau dữ dội và phù nề. Xoắn tinh hoàn thường xảy ra ở trẻ em từ 12-16 tuổi nhưng có thể gặp ở bất cứ tuổi nào, kể cả trước khi sinh. Tần suất mắc bệnh là 1/4.000 ở người trẻ dưới 25 tuổi. Xoắn tinh hoàn cần phải được chẩn đoán và can thiệp sớm mới cứu được tinh hoàn vì tình trạng thiếu máu lâu sẽ làm cho tinh hoàn bị hoại tử cần phải cắt bỏ.

Đa số nam giới bị xoắn tinh hoàn thường là do đặc điểm di truyền làm cho tinh hoàn xoay dễ dàng bên trong bìu và thường cho cả hai bên. Người ta cho rằng tinh hoàn nặng lên sau dậy thì, cũng như sự co thắt đột ngột của các cơ bìu (chen vào thừng tinh theo hình xoắn ốc) cũng có thể là tác nhân gây xoắn tinh hoàn cấp. Xoắn tinh hoàn thường xảy ra vài giờ sau một hoạt động mạnh, một chấn thương nhẹ của tinh hoàn hoặc khi đang ngủ. Thời tiết lạnh, rối loạn thần kinh thực vật cũng có thể gây nguy cơ xoắn tinh hoàn.

Bệnh nhân cần lưu ý, xoắn tinh hoàn thường có các triệu chứng như đau đột ngột và dữ dội ở trong bìu, lan lên ống bẹn và hố chậu hoặc đau liên tục, ngày càng tăng; phù nề da bìu tăng dần và có thể lan sang bên đối diện; da có thể đỏ hay bầm tím;  tinh hoàn nằm cao hơn bình thường; có thể có cảm giác buồn nôn và nôn; tiểu tiện đau buốt; sốt (có thể có do phản ứng). Đối với những trường hợp bị đau tinh hoàn đột ngột rồi tự khỏi, cũng cần đi khám ngay và cần được phẫu thuật để tránh bị tái lại.

Chẩn đoán và điều trị

Xoắn tinh hoàn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng như tổn thương hay hoại tử tinh hoàn, không thể có con. Bác sĩ Liên lưu ý, thành công của phẫu thuật, khả năng bảo tồn và hồi phục chức năng tinh hoàn sau mổ phụ thuộc vào thời gian từ lúc bắt đầu đau cho đến khi được phẫu thuật: Dưới 6 giờ sẽ bảo tồn được tinh hoàn khoảng 90-100%; 20-50% trong khoảng từ 12-24 giờ và 0-10% trong khoảng trên 24 giờ.

Chẩn đoán xoắn tinh hoàn thường được xác định qua thăm khám vùng bìu, tinh hoàn, bụng hoặc thử các phản xạ. Cọ hay cấu véo phía trong đùi bên bị đau, khi bình thường thì tinh hoàn co lên nhưng nếu tinh hoàn bị xoắn thì có thể mất phản xạ này. Biện pháp thứ hai là siêu âm vùng bìu, khi thấy giảm hoặc mất tưới máu tinh hoàn là một dấu hiệu của xoắn tinh hoàn. Khi đã chẩn đoán xoắn tinh hoàn, bệnh nhân cần được phẫu thuật ngay để bảo tồn được tinh hoàn.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất để tháo xoắn tinh hoàn nếu tinh hoàn còn tốt hoặc cắt bỏ nếu tinh hoàn đã bị hoại tử do thiếu máu lâu. Việc phẫu thuật được tiến hành dưới gây mê, rạch một đường nhỏ của bìu, tháo xoắn thừng tinh, nếu cần thì khâu đính một hay hai tinh hoàn vào phía trong bìu để phòng ngừa bị xoắn về sau.

BS. Lê Phúc Liên
(CKI – Bệnh viện ĐH Y dược, TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)