Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Xoay xở sống bằng đồng lương công nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Tại TPHCM có khoảng 1,3 triệu công nhân đang làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp, khu công nghiệp. Với đồng lương công nhân thấp, họ đang phải chật vật xoay xở chuyện cơm áo gạo tiền.

Thu nhập thấp, công nhân phải đi chợ vỉa hè buổi tối, dù thực phẩm không tươi ngon nhưng giá rẻ hơn. Ảnh: THU HƯỜNG

Thu nhập thấp, công nhân phải đi chợ vỉa hè buổi tối, dù thực phẩm không tươi ngon nhưng giá rẻ hơn. Ảnh: THU HƯỜNG

Xuất phát điểm thấp, lương thấp

Đa số công nhân là người từ các tỉnh, còn rất trẻ, rời quê đến TPHCM kiếm sống trong khi chưa có bằng cấp, chưa qua đào tạo nghề, không có kinh nghiệm làm việc. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu tuyển dụng lao động tại TP đang có sự gia tăng về lao động đã qua đào tạo, có kinh nghiệm, trình độ và có tính chuyên nghiệp. Với những yêu cầu như vậy, lực lượng lao động phổ thông từ các tỉnh về TPHCM làm việc không có khả năng tìm được những vị trí có mức lương cao, ổn định.

Số liệu thống kê nhu cầu tuyển dụng nhân lực theo mức lương vào thời điểm tháng 4-2017 tại TPHCM cho biết, mức lương công nhân từ 3 – 5 triệu đồng/tháng chiếm 7,03%. Hầu hết đều là lao động phổ thông làm việc ở các ngành dệt may, giày da, nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn, công nhân môi trường… Tuy đây là mức lương căn bản cho những người mới vào làm, nhưng lương công nhân lâu năm cũng không cao hơn là mấy.

Chị Phạm Thị Trinh (34 tuổi, đến từ Bắc Giang) làm công nhân môi trường hơn 10 năm nay, đã lập gia đình và sinh sống tại quận Thủ Đức, chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi được ký hợp đồng chính thức làm công nhân môi trường đã hơn 7 năm, mức lương mỗi người gần 6 triệu đồng. Tuy đã có nhà ở, không phải lo tiền thuê nhà trọ, nhưng cuộc sống chúng tôi vẫn còn nhiều vất vả. Phải trang trải lo cho 2 con trai đang học phổ thông và lo cho bố mẹ già, tiết kiệm lắm mới đủ chi tiêu cho 6 miệng ăn. Không có đồng nào để dành lo khi có người đau bệnh. Nhận lương đầu tháng, nhưng nhiều lúc chưa đến ngày lương đã phải đi vay. Lương của tôi cao hơn các công nhân quét đường mà còn chật vật như vậy”.

Trăm nỗi lo toan

Với những công nhân còn độc thân, mức thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/tháng nếu rất tằn tiện còn có thể dành dụm được chút ít; nhưng với những công nhân đã lập gia đình, có con cái, thì số tiền đó không đủ để sống.

Chị Phạm Thị Thảo (27 tuổi, đến từ Lâm Đồng), hiện là công nhân may, tổng thu nhập của hai vợ chồng gần 8 triệu đồng/tháng, phải rất tằn tiện lo tiền chợ, tiền thuê nhà trọ và bao chi phí khác. Chị kể: “Vợ chồng tôi phải để con lớn ở Lâm Đồng với ông bà ngoại, con nhỏ đang tuổi học mẫu giáo, nhưng không tiền cho con đến trường, hàng ngày cháu phải theo bố đến cơ sở làm đá hoa cương. Làm quần quật cả tháng cũng không thể dành dụm đồng nào. Tháng nào thằng bé ốm là phải chạy đi vay mượn”.

Cũng có nhiều gia đình gặp cảnh thiếu thốn như chị Thảo. Nhiều công nhân đi làm vất vả cả ngày, tối phải gắng sức làm thêm để tăng thu nhập, như nhận hàng may gia công, làm hàng thủ công, chạy xe ôm…

Không thể xoay xở với đồng lương ít ỏi, nhiều công nhân đã phải bỏ việc, trở về quê. Năm nào sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cũng có nhiều công nhân không trở lại làm việc, do thu nhập không đủ trang trải trong bối cảnh giá sinh hoạt ở TPHCM cao. Tình trạng nguồn lao động không ổn định đã trở thành nỗi lo của nhiều doanh nghiệp. Do vậy, chính các doanh nghiệp cũng cần có chính sách phù hợp để giữ lực lượng lao động, giúp cải thiện cuộc sống cho người công nhân.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách khuyến khích công nhân học tập, nâng cao tay nghề, kinh nghiệm, để từ đó có được mức lương cao và ổn định hơn. Chính quyền TPHCM và các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng cần quan tâm việc tổ chức nhà trẻ cho con công nhân, hỗ trợ khắc phục tình trạng con công nhân bị thất học do hoàn cảnh gia đình khó khăn.

THÙY NGA (SGGP)

 

Bình luận (0)