Sau 30 năm được phê duyệt và triển khai, cho đến nay, nhiều dự án thành phần vẫn còn dở dang, hạ tầng chưa kết nối, công tác đền bù giải tỏa vẫn còn tiếp tục… Đó là tình trạng của dự án Khu đô thị phát triển An Phú có quy mô 100ha thuộc xã An Phú, huyện Thủ Đức (nay là phường An Phú, TP Thủ Đức). Hiện các đơn vị liên quan đang xúc tiến tiếp tục triển khai dự án.
Nhiều doanh nghiệp tham gia
Ngày 15-7-1993, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 1093/QĐ-UB về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung khu thương nghiệp và nhà ở cao cấp có tên gọi là Khu đô thị phát triển An Phú do Công ty Dịch vụ phát triển đô thị TPHCM liên doanh với Công ty City Horse Trading LTD HongKong thực hiện. Tuy nhiên, do chậm triển khai và không có khả năng thực hiện nên ngày 1-10-1998, Văn phòng UBND TPHCM có công văn truyền đạt ý kiến của lãnh đạo thành phố giao Sở Xây dựng, Kiến trúc sư trưởng thành phố hướng dẫn Công ty Dịch vụ phát triển đô thị nghiên cứu phương thức đầu tư mới để triển khai đầu tư xây dựng.
Theo đó, phần đất của Công ty City Horse Trading LTD HongKong được chia thành nhiều dự án thành phần để kêu gọi các nhà đầu tư cùng thực hiện, đồng thời giao cho Công ty Dịch vụ phát triển đô thị đầu tư xây dựng hạ tầng chính để tạo điều kiện triển khai các dự án thành phần và đầu tư từng bước theo tiến độ thích hợp.
Một góc Khu đô thị phát triển An Phú trên đường Nguyễn Hoàng, phường An Phú, TP Thủ Đức
Đến ngày 26-1-2000, Kiến trúc sư trưởng thành phố chính thức phê duyệt quy hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1/2.000 dự án nói trên với diện tích 88,76ha. Kiến trúc sư trưởng cũng đề xuất lựa chọn nhiều doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư các dự án thành phần. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TPHCM lúc bấy giờ cũng có kết luận: Thành phố sẽ quyết định các đơn vị tham gia đầu tư các dự án thành phần, trên cơ sở quy hoạch phân bổ đất đai do Kiến trúc sư trưởng trình. Các chủ đầu tư phải góp vốn xây dựng hạ tầng chính, đền bù giải tỏa, tiền sử dụng đất, theo phương thức khi thành phố chấp thuận địa điểm, các chủ đầu tư phải nộp đủ tiền đền bù giải tỏa và tái định cư theo quy định; các chủ đầu tư dự án thành phần ứng trước 20% tiền sử dụng đất cho thành phố (theo giá quy định, chưa có hạ tầng được tính lãi suất ngân hàng cho đến khi được giao đất chính thức và được cấn trừ vào tiền sử dụng đất).
Sau một thời gian triển khai và thay đổi, dự án Khu đô thị phát triển An Phú được giao cho Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm (tiền thân là Công ty Dịch vụ phát triển đô thị TPHCM) và một số chủ đầu tư thành phần mới thực hiện, như Công ty CP Bất động sản Nova Lexington (trước đây là Công ty CP Địa ốc 11 chuyển nhượng lại cho Công ty TNHH Bất động sản Đại Hưng Phú), Công ty Dịch vụ dầu khí Sài Gòn (nay là Công ty TNHH Xây dựng thương mại Tân Tạo)…
Hoàn tất xây dựng hạ tầng chính
Theo quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật chính của toàn dự án gồm 5 tuyến đường chính, 3 công viên và một trường học. Tuy nhiên, mới đây, kết luận thanh tra của Sở TN-MT TPHCM về việc thực hiện triển khai dự án, đặc biệt là công tác đầu tư xây dựng hạ tầng của dự án cho thấy, nhiều hạng mục vẫn còn dở dang: tuyến đường Bắc Nam 1 (nay là đường Nguyễn Hoàng) có chiều dài 1,2km nối từ đường Lương Định Của đến đường Song Hành, đường Võ Nguyên Giáp đến nay chỉ đắp cát nền đường một số đoạn đã bồi thường (khối lượng thực hiện chỉ đạt 2,6%), còn 11 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng do chưa hoàn tất việc bồi thường với diện tích khoảng 8.166m2; tuyến đường Bắc Nam 2 có chiều dài 1.085m, rộng 20m nhưng khối lượng thực hiện cũng ước đạt 35%, hiện còn 16 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng với diện tích gần 10.000m2; tuyến đường Bắc Nam 3 có chiều dài 1.229m, rộng 32m cho đến nay chỉ có một số đoạn thi công đường cống thoát nước mưa, nước thải, đắp cát nền đường, rải đá dăm (khối lượng thi công ước đạt 22%), hiện còn 5 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng với diện tích hơn 10.000m2 …
Ngoài ra, dự án công viên trung tâm có tổng diện tích 6,68ha mới chỉ xong một phần và bàn giao cho địa phương quản lý, vẫn còn 5 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng với diện tích hơn 26.600m2; dự án công viên tại ngã ba Cát Lái tiếp giáp xa lộ Hà Nội, đường Mai Chí Thọ và Pháp viện Minh Đăng Quang có diện tích 1,4ha cũng còn 4 hồ sơ chưa thỏa thuận đền bù với diện tích gần 5.600m2… Về kinh phí xây dựng hạ tầng, theo báo cáo của chủ đầu tư vào tháng 11-2022, với quyết định điều chỉnh quy hoạch, hồ sơ thiết kế hạ tầng, biến động giá vật liệu xây dựng, đơn giá bồi thường… dự kiến tổng mức đầu tư mới là 5.988 tỷ đồng. Riêng chi phí dự kiến để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng theo thiết kế phê duyệt thêm gần 420 tỷ đồng nữa, chưa tính chi phí đền bù giải tỏa.
Đối với các dự án thành phần, hiện chỉ có 8 chủ đầu tư thành phần hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và được thành phố giao đất chính thức; 2 chủ đầu tư dự án thành phần đã hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng chưa được giao đất; 1 dự án được giao đất một phần; 3 chủ đầu tư chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng kiến nghị UBND TPHCM giao Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm tiếp tục thực hiện việc đền bù, giải tỏa, hoàn tất xây dựng hạ tầng chính của dự án Khu đô thị phát triển An Phú; giao chủ đầu tư 13 dự án thành phần cam kết chịu trách nhiệm trước Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm về đóng góp kinh phí xây dựng hạ tầng theo thỏa thuận; giao Sở TN-MT kiểm tra, rà soát việc thực hiện nghĩa vụ của các chủ đầu tư có phần đất nhà nước nằm trong dự án, báo cáo đề xuất UBND TPHCM xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất đối với phần đất này.
Mặt khác, giao UBND TP Thủ Đức tham mưu UBND TPHCM biện pháp xử lý đối với các chủ đầu tư dự án thành phần không có khả năng bồi thường để tiếp tục thực hiện dự án.
|
ĐỖ TRÀ GIANG (theo SGGP)
Bình luận (0)