Để có thể giảm bớt tình trạng thừa thầy thiếu thợ, cần phải có đột phá, tạo sức hấp dẫn để các phụ huynh cho con em mình học trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).
Đột phá như thế nào là vấn đề đã được bàn tại hội thảo “Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp TP.HCM” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 23-1 với sự tham dự của hơn 200 cán bộ quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp… ở TP.HCM và các tỉnh thành.
Giờ thực hành của học sinh hệ TCCN lớp 9T-DT1 Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng
Bỡ ngỡ khi ra trường
Tại hội thảo, TS Huỳnh Công Minh – giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – khẳng định: “Thước đo giá trị của trường chuyên nghiệp ngày nay là thời gian và điều kiện tổ chức cho người học thực hành nghề nghiệp. Thế nhưng, thực tế thiết bị thực hành tại các trường giới hạn cả về số lượng lẫn chất lượng do chưa có khả năng cập nhật trang thiết bị dạy học kịp với yêu cầu đổi mới kỹ thuật của xã hội”.
Trong khi đó, cơ chế đầu tư cho giáo dục chuyên nghiệp chủ yếu là ngân sách (đối với trường công lập) và học phí (đối với trường ngoài công lập). Ông Minh cho rằng: “Hoạt động đào tạo khép kín trong nhà trường, không có sự hợp tác với cơ sở lao động và môi trường hoạt động thực tế nên khi tốt nghiệp, học sinh TCCN phải mất thời gian tập luyện để hòa nhập. Thậm chí phải đào tạo lại, tốn kém và ảnh hưởng đến uy tín trường TCCN”.
Ông Nguyễn Minh Thành, chủ tịch Hội Dạy nghề TP.HCM, cho rằng tồn tại trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng lâu nay ngành giáo dục chuyên nghiệp luôn trong tình trạng “không khỏe mạnh”. Theo ông Thành, lâu nay nói nhiều đến đại học quốc gia nhưng lại chưa có một trường chuyên nghiệp nào ở tầm cỡ quốc gia. Đó cũng là lý do dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ, học sinh không muốn học giáo dục chuyên nghiệp.
Ông Phạm Ngọc Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thừa nhận: “Tự thân hệ thống giáo dục chuyên nghiệp chưa có điều kiện đáp ứng nhu cầu của người học. Xét về góc độ quy hoạch, mạng lưới các trường chuyên nghiệp hiện có ở TP chưa bố trí hợp lý về mặt địa bàn khu dân cư và khu vực phát triển kinh tế. Đa số trường tập trung ở nội thành, số lượng trường trên địa bàn quận huyện không cân đối”.
TS Nguyễn Đức Trí, người có thâm niên 30 năm nghiên cứu về giáo dục chuyên nghiệp (thuộc Viện Khoa học giáo dục VN), thông tin: “Sự đầu tư của Nhà nước đã hạn chế lại dàn trải. Việc thực hiện phân bổ nguồn lực theo chỉ tiêu ngân sách hằng năm chưa dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn hoạt động của nhà trường”.
Nhà trường phải thay đổi
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhà tư vấn tuyển dụng. Không phải ngẫu nhiên khi TS Nguyễn Văn Hường, tổng giám đốc Công ty Global Book, góp ý: “Các trường nên chú trọng đến đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn vì đào tạo TCCN là đào tạo những người làm việc chứ không đào tạo trình độ lý luận và tư duy quản lý. UBND TP cần có giải pháp thông thoáng trong việc xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho quá trình đầu tư được nhanh chóng và thuận lợi. Thủ tục xây dựng càng nhiêu khê thì việc kiến tạo những ngôi trường khang trang đạt chuẩn sẽ khó thực hiện”.
Bên cạnh đó, ông Hường đề nghị các trường nên chấn chỉnh phong cách phục vụ học sinh, “vì nếu học sinh luôn gặp những trường hợp quan liêu tại nhà trường, tất yếu sẽ lấy phong cách đó khi đi làm ngoài xã hội”.
Ông Hồ Quang Minh, Công ty BeeLogistic, có chung nhận định: “Chương trình đào tạo TCCN có các môn chung không liên quan đến chuyên ngành nhiều quá. Các trường cần xây dựng chuẩn đầu ra. Phải xác định được khi ra trường những nơi nào sẽ nhận các em, thu nhập của các em là bao nhiêu. Để tạo được sự liên kết ấy, nhà trường phải năng động và linh hoạt trong việc tiếp xúc với các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn nhân lực ở lĩnh vực mình đào tạo để biết họ cần gì, mức độ hiện đại của họ đến đâu. Bởi thực tế, lý thuyết trong nhà trường và môi trường, điều kiện làm việc tại doanh nghiệp là hoàn toàn khác nhau”.
Muốn mạnh, phải thu về một mối
Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều băn khoăn vì việc quản lý chồng chéo đối với giáo dục chuyên nghiệp. Ông Phạm Ngọc Thanh bức xúc: “Ngoài hệ thống các trường TCCN do Sở GD-ĐT quản lý, hiện còn nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP có tuyển sinh hệ TCCN theo chỉ tiêu phân bổ của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh đó còn có nhiều trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề thuộc ngành lao động – thương binh & xã hội quản lý. Điều này gây khó khăn cho công tác xây dựng, quy hoạch, kế hoạch đào tạo nhân lực của từng trường và của TP một cách hợp lý, thống nhất. Chưa kể còn gây tâm lý bất an cho học sinh khi chọn trường và làm phân tán việc đầu tư các nguồn lực”.
Cũng như nhiều hội thảo về giáo dục chuyên nghiệp trước đó, một lần nữa các đại biểu lại kiến nghị: “Quản lý giáo dục chuyên nghiệp phải thu về một mối: thống nhất hệ thống tổ chức quản lý mới tạo được sức mạnh chung”.
Những đơn đặt hàng mới
Một đơn đặt hàng mà hầu hết các doanh nghiệp đều đưa ra là: nhà trường cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống và cách làm việc trong cộng đồng, trong công sở, nhà xưởng… để học viên biết hòa nhập vào tổ chức, biết hỗ trợ nhau trong công việc.
Theo ông Huỳnh Công Minh, giải pháp cốt lõi và đột phá chính là đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị kỹ thuật cho các trường TCCN. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục chuyên nghiệp; thu hút đầu tư của xã hội thành lập thêm nhiều trường chuyên nghiệp tại các khu vực. Xây dựng và bổ sung hệ thống pháp luật về quy chế phối hợp trách nhiệm giữa đơn vị đào tạo và người sử dụng lao động, từ đầu tư đến thực tập và chế độ tu nghiệp.
Mục tiêu phát triển giáo dục chuyên nghiệp đến năm 2020
Mỗi năm TP.HCM có 67.000 học sinh tốt nghiệp THCS và 55.000 học sinh thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến tỉ lệ phân luồng như sau:
Sau THCS: có 70% học sinh vào học trường phổ thông và 30% (khoảng 20.000 học sinh/năm) vào giáo dục chuyên nghiệp.
Sau THPT: có 40% vào cao đẳng, đại học và 60% (khoảng 33.000 học sinh/năm) vào giáo dục chuyên nghiệp.
Hiện hằng năm các trường chuyên nghiệp của TP mới chỉ thu hút 30.000 học sinh vào học, trong đó trên 50% là học sinh ở các tỉnh thành khác.
TP sẽ ưu tiên mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo theo nhu cầu các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, góp phần tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào TP.
|
HOÀNG HƯƠNG /TTO
Tin liên quan
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, việc xây dựng một lớp học hạnh phúc không chỉ dừng lại ở những giờ...
Sử dụng nền tảng số, AI để sáng tác nhạc, thiết kế sách điện tử, xây dựng video, biển báo biết nói…...
TP.HCM xây dựng 7 giải pháp phấn đấu đến hết năm 2030 có 35% công chức ngành GD-ĐT đạt trình độ ngoại...
Tôi đang theo học một lớp cao học tại TP.HCM, đồng thời cũng nắm bắt cách học của một số bạn bè...
Bình luận (0)