Bộ GD&ĐT vừa có quyết định đình chỉ tuyển sinh 3 trường ĐH, CĐ và 12 ngành đào tạo được xem là động thái quyết liệt để xốc lại kỷ cương, chất lượng đào tạo.
Chấn chỉnh lại chất lượng đào tạo, kỷ cương giáo dục đại học để nâng cao trình độ cho sinh viên. Images: Quỳnh Anh
Nhưng đây cũng là dịp để nhìn lại chất lượng thực của các trường ĐH ngoài công lập vốn tồn tại không ít chuyện.
Vi phạm ở khắp các trường
Trong đợt thanh tra những trường được thành lập từ năm 1998 trở lại đây, vừa rồi, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã dựa trên hai tiêu chí chính là tỷ lệ sinh viên/giảng viên, diện tích đất/sinh viên để đánh giá và làm cơ sở xử lý vi phạm. Tuy việc kiểm tra mới chỉ thực hiện ở 24 trường, song kết quả bước đầu đã cho thấy nhiều bất ổn. Theo thanh tra của Bộ, hầu hết các trường dù đã cố gắng xin đất, xây dựng cơ sở vật chất, củng cố lực lượng, nhưng chiểu theo các điều kiện, nhiều trường chưa thực hiện được cam kết thành lập trường. Thậm chí, có trường còn chưa định hình được đường hướng phát triển, như ĐH Hà Hoa Tiên. Đặc biệt, có những trường đã thành lập được trên dưới 10 năm, nhưng vẫn đi thuê địa điểm như ĐH Đông Đô, ĐH Văn Hiến, ĐH Hòa Bình…
Giảng viên là vấn đề đáng nói nhất trong số các vi phạm. Theo quy định của Bộ, khi mở ngành phải có ít nhất 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ, nhưng thực tế có tới 41 ngành học của 16/24 trường không có tiến sĩ, 12 ngành không có cả tiến sĩ lẫn thạc sĩ, thậm chí có ngành chưa có giáo viên cơ hữu. Về tỷ lệ sinh viên/giảng viên, so với quy định cứng (25 sinh viên/giảng viên) của Bộ, nhiều trường đều "vượt" khá xa. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, những năm gần đây, số trường và quy mô sinh viên tăng, nhưng số giảng viên không tăng tương ứng. Một số trường mới thành lập không thực hiện cam kết tuyển đủ giảng viên cơ hữu mà chỉ dựa vào lực lượng giảng viên thỉnh giảng. Sau đợt kiểm tra này, Bộ sẽ chấn chỉnh những mặt còn hạn chế để các trường khắc phục nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.
Ồ ạt "chữa cháy"
Có thể nói, đợt kiểm tra vừa qua là một tiếng chuông cảnh tỉnh không chỉ với các trường vi phạm, đặc biệt vấn đề "lấp đầy" đội ngũ giảng viên theo quy định. Đây cũng là điều kiện để xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm nay, nên trên website của nhiều ĐH thông báo tuyển dụng "giảng viên cơ hữu". Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang có kế hoạch tuyển 150 giảng viên mới, ưu tiên tuyển người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Trường ĐH Hoa Sen, ĐH Hùng Vương, ĐH Văn Lang… cũng vậy.
Kể cả những trường có uy tín, có thương hiệu, dịp này cũng đẩy mạnh hoàn thiện đội ngũ. TS Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết: Trong 2 – 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm học viện tuyển mới 30 – 40 giảng viên, nhưng những ngày cuối năm 2011, trường vẫn tiếp tục tuyển thêm đợt 2 với tổng chỉ tiêu tuyển của cả năm lên đến 70 – 80 giảng viên cơ hữu. Theo quy định mới, chỉ tính tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu, các trường dù được tự xác định chỉ tiêu, nhưng có thể bị xử rất nặng nếu vi phạm nên không có cách nào khác là phải tuyển.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: "Việc tuyển thêm giảng viên để nâng cao đội ngũ là tín hiệu tích cực, nhưng kế hoạch tuyển ồ ạt chỉ để "làm đẹp" chỉ tiêu, giữ vững số tuyển sinh có thể dẫn đến việc tuyển người chưa đạt chất lượng".
Nhiều người cho rằng, Bộ mạnh tay với các trường không thực hiện đúng cam kết là một bước tiến và bước đầu đã thấy có tác dụng. Như lãnh đạo Bộ khẳng định: Đến năm 2013, nếu 3 trường bị đình chỉ tuyển sinh không khắc phục được các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học như cam kết, Bộ sẽ đình chỉ hoạt động giáo dục, thậm chí xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường. Nhưng bên cạnh sự hài lòng, người ta cũng không khỏi băn khoăn liệu Bộ có mạnh tay hơn? Bởi những lỗi mà Bộ nêu ra với các trường bị đình chỉ cũng xảy ra ở nhiều trường khác.
Khi đi kiểm tra có trường giải thích khi mở ngành, trường có giảng viên là tiến sĩ, nhưng sau họ chuyển trường khác. Có trường đưa ra đủ lý do… nhưng chúng tôi cho rằng, có thể các trường chưa thu hút được giảng viên có trình độ tiến sĩ. Bản thân các trường cũng chưa có uy tín và Bộ kiên quyết đình chỉ.
Ông Nguyễn Huy Bằng Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT
|
Theo Trung Anh
(KTĐT)
Bình luận (0)