Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Xóm chài cầu Bình Lợi

Tạp Chí Giáo Dục

Thế hệ thứ 3 sinh ra và lớn lên tại xóm chài nghèo
Màn đêm buông xuống, những ánh đèn hắt từ cầu Bình Lợi (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xuống xóm chài càng có cảm giác phố thị sầm uất và xóm nghèo côi cút cách biệt xa lắm.
Chẳng biết từ bao giờ, dưới chân cầu Bình Lợi đã hình thành một cộng đồng dân cư sống bằng nghề chài lưới, mua bán trái cây, nhặt ve chai trên sông… Xóm nhà này nằm dưới chân cầu, con đường đất ẩm thấp, nặng mùi xú uế và nước thải đọng. Nhà là những chiếc ghe cũ, rách bươm có tuổi đời bằng hoặc hơn tuổi của chủ.
Thị dân… trên sông
Không thể nhớ nổi đã qua bao con nước lớn ròng nhưng những chiếc ghe rệu rã tựa vào nhau không rời như những mảnh đời lang bạt mấy mươi năm rồi dừng chân ở cái xóm nghèo nương tựa vào nhau mà sống. Người có vốn thì mua bán trái cây. Người không có vốn thì theo nghề chài lưới hoặc nhặt ve chai… “Trước đây ghe là phương tiện đánh bắt, chở thuê…, nay đã rách nát, nằm một chỗ còn không vững và nghiễm nhiên trở thành nơi chúng tôi chui ra chui vào tránh mưa nắng”, bà Nguyễn Thị Hai (70 tuổi) chỉ tay về phía chiếc ghe của mình nằm yên vị dưới bùn, nói.

Bà Hai nấu cơm từ nước sông
Cách mươi mét là khu dân cư đông đúc nhưng cư dân xóm chài không thụ hưởng được gì, dù chỉ là những thứ tối thiểu cho sinh hoạt như điện, nước sạch… 7 giờ 30 sáng, con nước ròng khiến xóm chài như tách biệt, xa hơn với khu dân cư. Lối đi xuống xóm chài là những chiếc cầu dã chiến nằm chỏng chơ, trở nên thừa thãi trong lúc này. Cái mùi tanh tưởi đặc trưng bỗng chốc biến mất, nhường chỗ cho mùi khói bếp, làm ấm lên cả một góc xóm côi cút, lạnh lẽo. Ở đuôi ghe, bà Hai cặm cụi thổi lửa nấu nước cho chồng đang đau nặng nằm bất động mấy ngày rồi. “Ổng bị thận nặng biến chứng qua khớp nên đi lại đâu có được. Kiếm được đồng nào thì mua ít thuốc nam về uống, tiền đâu mà đi bệnh viện”, bà Hai nói về bệnh tình của chồng.
Nước vừa sôi, bà Hai tranh thủ lấy gạo nấu cơm. Bà bảo, gần chục năm rồi bà chưa biết đến một bữa ăn sáng. Cơm nguội đêm trước còn thì chan mắm, nước tương ăn qua bữa, sang hơn là nướng con khô, hết thì nấu sẵn cho bữa trưa luôn. Chúng tôi không khỏi ái ngại khi chứng kiến cảnh bà Hai lấy nước sông đen ngòm, đầy rác rưởi vo gạo nấu cơm. Như bằng lòng với hoàn cảnh, bà nói: “Còn tiền thì đổi nước sạch để dành nấu nướng, tắm rửa. Hết tiền thì cứ nước sông mà dùng. Biết là nước bẩn ô nhiễm nhưng đời mình còn sống bao năm nữa mà lo”.
Ngày mưa, cư dân xóm chài, từ già đến trẻ đều chui rúc trong ghe, quang cảnh trở nên quạnh hiu. Trẻ con cũng chỉ biết co ro trong không gian chật chội ấy. Anh Võ Thanh Duy (42 tuổi) ngán ngẩm nói: “Chúng tôi sợ nhất là mưa. Mưa không làm gì được, nằm trong ghe cũng không yên vì dột nát. Trẻ con thì đau bệnh triền miên vì dịch bệnh…”.
Sống là để cứu người
Hầu hết cư dân sống bằng nghề chài lưới bên cầu Bình Lợi đều kiêm công việc vớt xác người chết. Với họ, công việc này không phải để kiếm cơm qua ngày mà hoàn toàn trên tinh thần thiện nguyện. Dù đói bữa, bệnh tật bủa vây, sống lây lất trên chiếc ghe ọp ẹp, mảnh mai trước gió nhưng ông Hai (71 tuổi, mọi người gọi chồng bà Hai theo tên của bà – PV) không ngần ngại trầm mình cả đêm dưới sông để tìm xác. Gần 20 năm sống ở đây, vợ chồng ông Hai không nhớ mình đã vớt được bao nhiêu xác, khi thì mới chết, khi đã trong giai đoạn phân hủy. “Nửa đêm mưa gió, nước triều lên nhưng hễ nghe tin là ông Hai tất tả chèo ghe đi tìm. Chừng tháng trở lại đây, khoảng 2 giờ sáng nhận tin có vụ giết người vứt xác gần đó, dù mưa giông lớn lắm nhưng vợ chồng ông quyết đi cho bằng được. Đúng 5 giờ sáng hai người về với một cái xác…”, chị Nga, người cùng xóm chài, cho biết.

Xóm chài bên cầu Bình Lợi
Làm công việc nguy hiểm đến tính mạng nhưng chưa bao giờ vợ chồng ông ngửa tay cầm tiền của bất kỳ ai. Bà Hai nói: “Không nỗi đau nào hơn nỗi đau mất người thân. Hành động của mình là để chia sẻ với người thân của họ về nỗi đau ấy. Chúng tôi lênh đênh sông nước bao năm với nhiều bất trắc, hiểm nguy nhưng vẫn bình yên vô sự, cớ gì mình không làm việc nghĩa khi việc đó trong tầm tay”. Cuộc sống nơi sông nước đã cho bà Hai chút kinh nghiệm xoay xở khi gặp thời tiết xấu. Chứng kiến những cái chết đau lòng, biết nguyên căn nên bà có phần thấu hiểu nỗi lòng của những người đi tìm cái chết để giải thoát mà bà đã kịp thời ngăn chặn nhiều thanh niên nam nữ có ý định tự tử. “Biết tin, người thân của họ đã tìm đến cảm ơn với số tiền lớn lắm nhưng thú thật vợ chồng tui không lấy, chỉ nhận 5-7kg gạo cho người ta vui”, bà Hai cho biết.
Ngày mưa, cư dân xóm chài, từ già đến trẻ đều chui rúc trong ghe, quang cảnh trở nên quạnh hiu. Trẻ con cũng chỉ biết co ro trong không gian chật chội ấy.
Ở cái xóm chài nghèo này, mọi người đều biết đến vợ chồng bà Nguyễn Thị Hinh và ông Nguyễn Văn Chúc (tên thường gọi là Ba Chúc). Khác với vợ chồng ông Hai, gia đình ông Chút đến với công việc vớt xác từ lúc cha ông còn sống bằng nghề đánh bắt trên đoạn sông này. Hết đời cha, cái “duyên nghiệp” đã vận vào ông Chúc mấy mươi năm rồi. Riết thành thói quen, cứ mỗi hừng đông, ông bà mở mắt là vén tấm bạt nhìn về hướng cầu Bình Lợi xem có ai đứng đó hay không để mà nhanh chóng có mặt tìm hiểu, thuyết phục họ bỏ ý định tự tử. “Cứ nửa đêm mà nghe ai gọi “ông Ba ơi” là biết có chuyện chẳng lành nhưng giờ ổng bị tiểu đường, sức khỏe kém. Nối cái nghiệp ấy của gia đình bây giờ là hai thằng con trai. Hay tin là tụi nó có mặt liền”, bà Hinh tự hào.
Ước mơ được lên bờ để thế hệ thứ 3 sinh ra và lớn lên ở xóm nghèo này còn có tương lai nhưng vẫn còn xa lắm…
Bài, ảnh: Trần Anh
 
Tương lai mờ mịt
Từ quê nghèo Vũng Liêm (Vĩnh Long), anh Võ Thanh Duy đưa vợ con lên ghe chài về Sài Gòn mưu sinh. Dừng chân đã nhiều bến rồi nhưng bên cầu Bình Lợi là bến mà gia đình anh trụ lại lâu nhất. Ngót 10 năm, anh Duy chài lưới, chị Thủy – vợ anh – mua trái cây lên bờ bán kiếm lời. Hỏi chuyện thu nhập, chị Thủy bảo: “Hôm nào xuôi chèo mát mái hai vợ chồng kiếm được khoảng 200.000 đồng, chi tiêu tiết kiệm cũng dành dụm được chút đỉnh”. Nỗi lo lớn nhất với anh chị lúc này là tương lai của hai đứa con. Đứa lớn 13 tuổi theo anh đi lưới, đứa nhỏ 10 tuổi cùng chị bán hàng, chưa một lần được đi học. 
 

Bình luận (0)