Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Xóm đèn dầu”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Gia đình em Cẩm Tiên sống trong ngôi nhà rách nát, không điện, không nước đã qua ba thế hệ. Ảnh: V.M

“Xóm đèn dầu” ở ấp Tân Hòa, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Trước kia, người dân các tỉnh, thành đến đây sống bằng nghề khai thác đá, sau đó làm phụ hồ, nhặt rác, chăn bò thuê… Trẻ em ở đây lớn lên trong sự nghèo đói và thất học.  
Tuổi thơ mưu sinh
“Xóm đèn dầu” có khoảng 30 hộ đang sinh sống. Ở đây điện chẳng có mà nước cũng không. Hàng ngày, người dân phải ra làng đại học mua nước mang về sinh hoạt, còn tắm rửa thì xuống hồ đá.
“Anh ơi buổi tối đừng vào hồ đá nguy hiểm lắm. Anh muốn vào đây thì đi vào ban ngày hoặc đi nhiều người cho đỡ nguy hiểm”. Cô bé đang lấy nước dưới hồ đá nói vọng lên. “Em học lớp mấy?”. Tôi hỏi. “Em có đi học ngày nào đâu”. Cô bé trả lời nhát gừng. Một bé gái khác chở hai thùng nước từ ngoài vào nghe được câu hỏi của tôi liền nói với vào: “Nó là em họ em đó, có được học hành gì đâu, ngay từ nhỏ đã phải theo mẹ đi bán vé số rồi”.
Bé gái tên Cẩm Tiên. Quê của Tiên ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Tiên là niềm hãnh diện của “xóm đèn dầu” vì chỉ có mỗi mình em học đến hết chương trình THPT. Để được đến trường, Tiên đã trải qua nhiều công việc như: chăn bò thuê, bán vé số, lấy nước… Ước mơ vào giảng đường đại học của em không thành hiện thực bởi cái nghèo. “Cha mẹ em tuổi ngày càng cao, ngày trước làm quá sức bị lao lực, nay bệnh tật thường xuyên. Em đi làm công nhân để có tiền lo cho gia đình, nếu ngày sau có điều kiện thì em học tiếp”. Tiên tâm sự.
Nhiều đứa trẻ khá hơn đời cha mẹ chúng là được làm quen với mặt chữ. Phần lớn chưa hết tiểu học lại nghỉ học để mưu sinh. Huỳnh Thanh Tâm, 15 tuổi là một ví dụ. Tâm khoe: “Lúc trước em được đi học một buổi, một buổi chăn bò thuê, học hết lớp 3 thì nghỉ đi làm. Em sắp hết khổ rồi anh ơi. Em mới xin được một “chân” rửa xe ở gần ngã tư Thủ Đức, ngày cũng kiếm được mấy chục ngàn đồng”.
Anh Nguyễn Văn Hòa, người gần nhà Cẩm Tiên sang góp chuyện: “Trước kia tôi cũng cho các cháu ra học lớp tình thương của ông giáo Tư nhưng các cháu đi học thì lấy gì bỏ bụng nên đành nghỉ học. Tôi đi làm hồ cả ngày cũng không đủ bữa cho bọn nhỏ, nhìn con mình đói cơm, khát chữ tôi buồn lắm nhưng không còn cách nào khác”. Phía trước, mấy đứa trẻ lên 4, lên 5 tuổi đang bò lê gần chuồng bò chơi đùa. Anh Hòa nói: “Chúng nó đã đến tuổi tới trường rồi, nhưng vì không có tiền nên đành cho chúng ở nhà, chờ lớn chút nữa cho tụi nó đi bán vé số”.
Xa lắm cái chữ
Tôi về “xóm đèn dầu” vào những ngày đầu năm, nhìn cảnh xơ xác nơi xóm nghèo mà lòng mang nặng nỗi ưu tư.
Tâm bộc bạch: “Gia đình nghèo quá thì làm gì có nhà, mong sao có đủ cơm ăn là tốt lắm rồi. Tụi em cũng tranh thủ đi giúp việc nhà, đi bán báo, vé số kiếm thêm tiền phụ giúp cha mẹ”. Chị Thanh mẹ của Tâm nhìn tôi với vẻ ái ngại: “Ở đây gia đình nào cũng khó khăn cả. Thấy tụi nhỏ bỏ học đi làm thì thiệt thòi lắm nhưng không đi làm thì còn khổ hơn”.
Hai đứa trẻ con chị Trang, anh Lâm thì cứ lấm lét nhìn khi thấy người lạ đến. Đứa lớn dạn dĩ hơn: “Năm ngoái em được mẹ cho đi học mẫu giáo, năm nay do cha thất nghiệp nên em không được đi học nữa. Thấy nhiều bạn được ăn ngon mặc đẹp, lại được đi học, em thấy tủi thân lắm. Em mong được đến trường như chúng bạn”. Đang vui vẻ, nhắc đến chuyện học hành nét mặt các em buồn rười rượi.
Nhiều người sống bám ở đây từ hàng chục năm qua. Trong đó, có không ít gia đình có hai, ba đời làm nghề khai thác đá. Vì cái ăn, vì tương lai của con cái, đôi khi họ phải đánh đổi cả tính mạng vì sập hầm hay đá rơi, nhưng rồi họ vẫn thiếu ăn, thiếu mặc và cái chữ cho con là chuyện không thể.
Ngọc Hưng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)