Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xóm “độc” ở Sài Gòn: Kỳ 3: Xóm Đáy – chỉ còn cái tên

Tạp Chí Giáo Dục

Nghề đóng đáy chỉ còn trong ký ức của người dân nhưng một thực tế buồn là khi đã đổi nghề, cuộc sống người dân xóm Đáy vẫn rất mong manh.

Xóm Đáy hiện nay chỉ có khoảng 200 hộ dân, trước hơn con số này nhưng bà con phải bỏ lại vườn tược, đất đai, tìm nơi tạm lánh vì sạt lở hoành hành. Chỉ cách hôm tôi đến vài ngày, người dân xóm Đáy trải qua một đêm kinh hoàng vì “hà bá” nuốt chửng 4 căn nhà, khiến già, trẻ phải chạy thoát thân trong đêm.

Quê giữa phố

Mặc dù chỉ cách trung tâm thành phố vài kilômét nhưng lối sống, tập quán của người dân lại rặt nhà quê. Hầu như nhà nào cũng có bếp củi, nước mưa dự trữ trong lu… Xóm Đáy nhà khá thưa thớt, con đường nhỏ dẫn vào xóm bắc qua nhiều con kênh nhỏ bằng một tấm đan mỏng, len giữa đám dừa nước ngút ngàn hai bên. Ông Phan Thanh Minh, người dân xóm Đáy bảo, trước đây có việc phải vào xóm, chẳng mấy ai dám đi vì đường vắng, lại tối om. Xóm nhà thật sự đổi thay khi mở đường Nguyễn Hữu Thọ, địa phương hỗ trợ lát đường đan, tuy không rộng lớn, khang trang nhưng cũng gọi là sạch sẽ, an toàn hơn.

Cái tên xóm Đáy có từ trước những năm 70 của thế kỷ trước, nằm bên bờ sông Mương Chuối (ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè), gọi theo nghề đóng đáy một thời của hầu hết cư dân nơi đây. Đặc thù của dòng chảy của các con sông trên địa bàn thích hợp với đáy cột, cư dân xóm Đáy chỉ vài hộ làm đáy bè. Theo ông Vân, người có hơn 20 năm theo nghề đáy cho biết, đáy cột là dùng những cây gỗ lớn đóng thành hàng ngang sông, dùng dây buột vào đó thả đáy. Người thợ đóng đáy thường xuyên làm việc dưới nước với dòng chảy khá mạnh nên cần người lành nghề và đặc biệt là sức khỏe dẻo dai. Tuy nhiên, dù có khỏe, thạo nghề, hiểu “lòng dạ” ông trời cũng không thể tránh khỏi tai nạn. Ông Vân khẳng định, dòng nước xoáy nơi đặt những chiếc đáy có thể nhấn chìm bất cứ ai.

Nò là dụng cụ đánh bắt chính của cư dân xóm Đáy hiện nay

Thời thịnh vượng của nghề, xóm Đáy cũng đã bao lần tang thương. Vợ mất chồng. Con mất cha. Không ít thợ đóng đáy chết không tìm được xác, mặc dù có thợ lặn chuyên nghiệp, gia đình không còn cách nào khác là làm mộ gió. Đến nay, gia đình ông Vân vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau mất người thân. Đó là đứa cháu gọi ông bằng bác mất năm 19 tuổi. “Sau cơn mưa lớn, đỉnh triều đang lên cao, sợ đáy trôi nó đi thăm đáy và bị nước cuốn mà không ai hay”, ông Vân nghẹn ngào. 

Nghề đóng đáy bị xóa sổ bởi nhiều lý do, người dân lại chuyển sang công việc đặt nò, cũng đánh bắt nhưng chỉ khác ở công cụ. Lúc này không thể xem đánh bắt là công việc mưu sinh chính vì sản lượng tôm cá ở đây đang dần cạn kiệt. Dù tuổi thanh niên nhưng chứng kiến cả thời điểm thịnh – suy của nghề, lắc đầu nói: “Nếu không bị thuốc thì tôm cá còn nhiều lắm. Người ta bỏ thuốc còn ghê hơn cả chích điện (xung điện – PV), làm cá lớn, cá nhỏ gì chết ráo”. Theo anh Thành, thực trạng người dân đánh bắt bằng cách dùng thuốc (một dạng như thuốc trừ sâu) rải hoặc xịt trên mặt nước, rải đến đâu cá nổi lên mặt nước và cứ thế mà vớt. “Người ở đâu tới chứ xóm Đáy này, ai cũng ý thức được con tôm con cá đã và đang nuôi sống họ, không ai làm chuyện đó”, anh Thành khẳng định.

Cuộc sống mong manh

Ông Nguyễn Văn Mười, công dân xóm Đáy ngót 60 năm cho biết trước đây hầu hết bà con đều mưu sinh bằng nghề đóng đáy. Con cái lập gia đình, gia tài mà hai bên cha mẹ cho đều là giàn đáy. Cũng theo ông Mười, khoảng 15 năm trở lại đây, quanh xóm tôm cá nhiều vô kể, mỗi đêm chỉ cần vài mét lưới thả vội cũng có cá ăn cả ngày, còn bây giờ đi xa giăng lưới cả đêm bắt được 1kg là mừng.

Nghề đóng đáy chẳng khá giả nhưng cũng không quá nghèo. Thế nhưng cái nghề đánh bắt như vận vào cuộc đời người nông dân, kể cả lúc đất nông nghiệp có giá.

Thời điểm tôm cá đầy sông, ngoài những hộ đóng đáy lâu năm ở địa phương còn có những gia đình đến từ miền Tây. Số lượng đáy phát triển ồ ạt khiến nguồn thủy sản dần cạn kiệt, người dân phải tìm đến những nơi khác, số ít giải nghệ sau đó. Thế hệ sau lớn lên chỉ biết nghề đóng đáy qua lời kể của người đi trước, chẳng mấy đứa biết giàn đáy có hình dáng thế nào, cách bắt cá ra làm sao? Phần lớn lớp trẻ chỉ biết cái nò, dụng cụ đánh bắt cá mà chúng vẫn làm hàng ngày trước hoặc sau giờ lên lớp.

Theo UBND huyện Nhà Bè, cả huyện có 16 khu vực đang bị sạt lở đe dọa, trong đó có 7 khu vực đặc biệt nguy hiểm, xóm Đáy là một trong những điểm báo động. Cách đây vài ngày, hà bá nuốt chửng bốn căn nhà, phải di dời khẩn cấp trong đêm. Những lần sạt lở trước, ông Trương Văn Tám, người dân cố cựu xóm Đáy luôn tình nguyện đưa phóng viên ra tận nơi để ghi nhận nhưng lần này ông lắc đầu, nói: “Ra đó chỉ thấy thêm buồn, mỗi lần sạt lở “ăn” vô 3-4m. Chẳng bao lâu nữa cái xóm Đáy này đổ xuống sông, trong khi đó kè bảo vệ nghe nói hoài nhưng chẳng thấy đâu”.

Bài, ảnh: Trần Anh

Nghề đóng đáy chỉ còn dĩ vãng, không lâu nữa xóm Đáy cũng bị xóa sổ vì liên tục trong nhiều năm, bờ sông Mương Chuối bao bọc xóm bị sạt lở rất nhiều lần. Mưu sinh với nghề đóng đáy gian truân đến đâu chỉ còn trong ký ức của người dân nhưng một thực tế buồn là khi đã đổi nghề, cuộc sống của người dân xóm Đáy vẫn rất mong manh.

 

Bình luận (0)